Trả thêm tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc gia đình có là đòi hỏi quá đáng?

PVH
10/12/2020 - 12:03
Trả thêm tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc gia đình có là đòi hỏi quá đáng?

Lao động giúp việc gia đình. Ảnh minh họa KT

Thực tế hiện nay, phần lớn lao động giúp việc gia đình là lao động nữ rời quê lên thành phố làm thuê, đời sống đối diện với không ít khó khăn. Tuy nhiên, họ lại rất mù mờ về quyền lợi ký hợp đồng lao động và được chi trả tiền đóng bảo hiểm, BHYT, đảm bảo an sinh xã hội. Còn phía chủ nhà cho rằng quy định này khó thưc hiện.

Theo quy định pháp luật hiện hành, tại Điều 19, Nghị định số 27/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng – GFCD, hơn 90% lao động giúp việc gia đình là phụ nữ vùng nông thôn, rời quê hương lên thành phố làm thuê. Phần lớn chị em lao động có trình độ học vấn hạn chế, nên chưa hiểu và nắm rõ được các quyền lợi của bản thân liên quan tới BHXH, BHYT và các chính sách an sinh xã hội. 

Khi biết về quy định được chủ sử dụng phải trả khoản tương đương tiền đóng BHXH, BHYT, thì có 78% lao động giúp việc gia đình đồng ý với quy định này. Còn với người sử dụng lao động đồng ý với quy định này thấp hơn với 57,5%.

Tuy vậy, người lao động lo ngại những quy định tốt đẹp nói trên ít được thực hiện trên thực tế. Chị Hồ Thị Lợi, quê Thanh Hóa, làm giúp việc tại phường Quan Hoa – Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết: Thông thường chủ nhà và người lao động giúp việc chỉ "thỏa thuận miệng" mà không có giao kết hợp đồng bằng văn bản. Những quyền lợi liên quan của cả 2 bên chỉ là "lời nói". Trong đó, chủ nhà trả tiền không tách bạch tiền công lao động với khoản BHXH, BHYT. Bản thân người giúp việc cũng không cần biết tiền lương được trả hàng tháng là bao gồm các khoản tiền gì, mà chỉ biết nhận đủ số tiền theo thỏa thuận.

Theo khảo sát của GFCD, thực tế hiện nay, người lao động giúp việc gia đình sống cùng chủ nhà có mức lương trung bình khoảng 5.100.000/tháng. Còn giúp việc theo giờ có mức lương từ 60.000/giờ đến 100.000/giờ. Mức lương này chỉ là tiền công lao động.

Chỉ có 5,1% người lao động, 12,2% người sử dụng lao động cho biết mức lương đó đã bao gồm chi phí cho bảo hiểm y tế và 3,0% người lao động, 3,1% người sử dụng cho biết mức lương đó đã bao gồm chi phí cho bảo hiểm xã hội. Hơn nữa, thực tế ngoài tiền công lao động hiện nay, người sử dụng lao động đang chi trả thêm một số khoản chi phí cố định khác như tiền thưởng tết (dao động từ 500.000 đến 1 tháng lương), ngày lễ, tiền mua quần áo, sim điện thoại, tiền tàu xe đi lại hoặc các khoản chi phí đột xuất như tiền mua thuốc, tiền thăm hỏi gia đình.

Trả thêm tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc gia đình có là đòi hỏi quá đáng? - Ảnh 1.

Theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa KT

Một số hộ gia đình hiện nay đã chủ động mua BHYT cho người lao động. Vì thế, người lao động có tâm lý ngại đề cập đến khoản chi trả cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vì sợ bị cho là "đòi hỏi". Lý do nhiều người sử dụng lao động không đồng ý chi trả thêm khoản tiền này cho người giúp việc được đưa ra là mức lương người giúp việc hưởng hiện nay đã tương đối cao và đã tính trọn gói, trong đó có cả tiền chi trả cho bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Chị Nguyễn Thị Thu, ở ngõ 298, Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), cho rằng: Quy định chủ nhà trả tiền BHXH, BHYT cho lao động giúp việc sẽ khó thực hiện, vì đã trả lương cho người giúp việc mà người giúp việc không tự mua thì cũng không biết làm thế nào. Nếu ngoài lương lại trả thêm BHYT, BHXH thì người sử dụng chi trả nhiều quá. Trong khi chủ nhà đã chi trả cả tiền ăn, sinh hoạt phí khi ở cùng gia chủ và các khoản tiền như thưởng Tết, tiền vé xe về quê…

Theo TS. Nguyễn Thị Hồng, chuyên gia nghiên cứu Giới, theo quy định hiện hành, lao động giúp việc gia đình và gia chủ cần ký kết hợp đồng lao động để làm cơ sở thỏa thuận và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc cũng như thống nhất các chế độ lương, BHXH, BHYT. Tuy nhiên, theo khảo sát, chỉ có 10,2% trong số 200 trường hợp người giúp việc và người sử dụng được hỏi cho biết họ có ký kết hợp đồng bằng văn bản. Tỷ lệ người giúp việc (cả giúp việc sống cùng và giúp việc không sống cùng) ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động  rất thấp. Chỉ có 10,3% người giúp việc sống cùng và 7,3% người giúp việc không sống cùng trong mẫu có hợp đồng lao động. Hình thức thỏa thuận miệng vẫn diễn ra phổ biến, nên xảy ra nhiều tranh chấp, khó giải quyết quyền lợi cho cả 2 bên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm