Trà Vinh: Đa dạng mô hình sinh kế giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo

Thanh Huyền
22/11/2022 - 09:01
Trà Vinh: Đa dạng mô hình sinh kế giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo

Hội viên, phụ nữ trồng màu phát triển kinh tế gia đình

Nhiều mô hình sinh kế được các cấp Hội LHPN tỉnh Trà Vinh triển khai có hiệu quả trong thời gian qua đã góp phần giúp cho nhiều hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Theo Hội LHPN xã An Quảng Hữu (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), trong những năm qua, Hội luôn xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần quan tâm thực hiện tốt. Chính vì thế, Hội LHPN xã luôn đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho hội viên phụ nữ như hỗ trợ vay vốn, học nghề, thành lập các mô hình phát triển kinh tế…

Trong đó có thể kể đến mô hình tổ hợp tác trồng rau an toàn của ấp Phố đang hoạt động hiệu quả. Nhằm tiếp tục nhân rộng mô hình trên, trong năm 2022, Hội LHPN xã An Quảng Hữu đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên tham gia tổ hợp tác để hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất. 

Kết quả, trong tháng 9/2022, Hội LHPN xã An Quảng Hữu đã thành lập mới một mô hình tổ hợp tác trồng màu tại Chi hội Phụ nữ ấp Vàm, có 7 thành viên tham gia, các thành viên điều tham gia sản xuất trên lĩnh vực trồng màu các loại.

Trà Vinh: Đa dạng mô hình sinh kế giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo - Ảnh 1.

Tổ hợp tác trồng màu đạt được nhiều hiệu quả trong thời gian qua

Hội LHPN xã An Quảng Hữu cho biết, thời gian qua, sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Hội LHPN huyện Trà Cú đã tạo động lực cho Hội LHPN xã thành lập được nhiều mô hình tổ, nhóm tập hợp được nhiều tầng lớp chị em phụ nữ tham gia tổ chức Hội. Trong đó có những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều chị em phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, Hội LHPN xã đang quản lý 2 tổ hợp tác có 37 thành viên điều tham gia trên lĩnh vực trồng màu. Trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế để giúp chị em vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương.

Vừa qua, Hội LHPN thị trấn Định An (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cũng đã ra mắt mô hình tổ hợp tác chế biến khô tại khóm 3 gồm có 10 thành viên, chủ yếu là những người thu mua và chế biến cá khô trên địa bàn thị trấn.

Trà Vinh: Đa dạng mô hình sinh kế giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo - Ảnh 2.

Tổ hợp tác "Chế biến khô" tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế

Theo đó, khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên trong tổ sẽ được hướng dẫn, giúp đỡ nhau về vốn, nguyên liệu, kỹ thuật chế biến, cách bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm và đầu ra sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Để đảm bảo sản phẩm khô đạt chất lượng và sản lượng, các thành viên đã cam kết cùng thực hiện quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng chất bảo quản và có cách bảo quản sản phẩm theo đúng quy định, tiến tới tạo thương hiệu cho sản phẩm.

Theo Hội LHPN thị trấn Định An, sự ra đời của tổ hợp tác chế biến khô sẽ góp phần đem lại hiệu quả trong sản xuất, kêu gọi nguồn đầu tư với lãi suất ưu đãi, giúp cho các thành viên trong tổ hợp tác mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh; từ đó giúp hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo.

Tạo điều kiện cho phụ nữ thoát nghèo

Trong khi đó, Hội LHPN xã Hiếu Tử (huyện Tiều Cần, Trà Vinh), cho biết, trong thời gian qua, Hội luôn phối hợp tạo điều kiện, hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn, gia đình chính sách… có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để giúp các chị phát huy tính tự chủ trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh huyện Tiểu Cần đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, ưu tiên cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách sử dụng đạt hiệu quả.

Trà Vinh: Đa dạng mô hình sinh kế giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo - Ảnh 3.

Hội viên, phụ nữ tích cực chăn nuôi vươn lên thoát nghèo

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, qua thời gian thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, đời sống của nhiều chị em phụ nữ đã ngày càng được nâng lên, nhiều thành viên vươn lên làm giàu. Như trường hợp của chị Chia Thị Chanh Đa, nhờ có nguồn vốn vay, chị đầu tư chăn nuôi 2 con bò sinh sản, mỗi năm có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng, từ đó đã vươn lên thoát nghèo.

Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho biết, hàng năm, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đều tiến hành khảo sát, thống kê phân loại hộ nghèo nói chung và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nói riêng để xác định đúng nguyên nhân, có hướng hỗ trợ và tranh thủ các nguồn lực kịp thời nhằm tạo điều kiện hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Trà Vinh: Đa dạng mô hình sinh kế giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo - Ảnh 4.

Tổ chức lớp dạy nghề đào tạo quản lý bếp và chế biến món ăn cho nhiều hội viên, phụ nữ

Trong thời gian tới, để đảm bảo mô hình hoạt động ngày càng hiệu quả và bền vững, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh sẽ triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc lựa chọn thành viên tham gia ban điều hành của tổ đảm bảo có trình độ, uy tín. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, trang bị kiến thức về vận hành sinh hoạt tổ và cách thức ghi chép sổ theo dõi tiền tiết kiệm của tổ.

Bên cạnh đó, các cấp Hội sẽ chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Tiến hành sơ kết, tổng kết kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có nhiều thành tích trong quá trình tổ chức thực hiện điều hành và quản lý tốt nguồn tiết kiệm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm