Trải nghiệm dạy con tại nhà của mẹ Việt

06/04/2016 - 11:18
Một trong những trọng tâm của homeschool (dạy con tại nhà) là tạo lập mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Con sẽ hiểu được phẩm chất của cha mẹ, hai bên có sự tin tưởng lẫn nhau. Từ đó, trẻ thêm gắn bó, tự tin phát huy khả năng trong tương lai.

Chị Kellan Hà Phạm (Thảo Điền, Q.2, TP HCM) cho con tới trường mầm non buổi sáng, trưa đón con về và áp dụng phương pháp homeschool. Bản thân chị cũng lựa chọn làm việc ngay tại nhà để sắp xếp thời gian cho con.

Chị Hà nhận thấy, việc cha mẹ tự chuẩn bị ‘giáo án’ vừa khó khăn, vừa có sự thú vị và thách thức sự sáng tạo. Khi con đi học ở trường, nếu con không ngoan thì cha mẹ thường đổ lỗi cho nhà trường. Còn với bé học tại nhà, cha mẹ chịu trách nhiệm hoàn toàn với phương pháp của mình.

Homeschool có lợi thế là số lượng chương trình đào tạo nhiều, phụ huynh có thể lựa chọn phù hợp với năng lực của con mình. Thấy con gái Aria có năng khiếu về nghệ thuật, chị thêm thời gian dạy con thiên về môn vẽ và nghệ thuật, giúp bé phát huy khả năng của mình.

"Lựa chọn homeschool, tôi phát hiện ra những điều trước giờ mình ngộ nhận. Ai cũng muốn con mình giỏi, ngoan nên chúng ta cho con đi học. Nhưng học xong cấp 3, nhiều bé không biết lựa chọn tương lai cho mình. Khi dạy con tại nhà, tôi xác định mục đích: Tôi muốn con tôi lớn lên thích đọc, thích học. Bé học giỏi hay không, đối với chúng tôi không phải là vấn đề, mà vấn đề là bé có đam mê thích tìm tòi, học hỏi hay không".

Thay vì yêu cầu con viết và vẽ trên cuốn vở, chị bày ra hộp cát và chỉ cho con cách vẽ trên cát. Với màu nước, chị sẽ vẽ trước làm mẫu cho con. Chị cùng con đi tìm lá cây và vẽ lên đó. Chị cảm nhận điều mình thực sự dạy con không phải là dạy viết, dạy vẽ, mà là dạy cách thức và sự hứng thú, thái độ, sự kiên trì, nhiệt thành với mọi việc.

chi-ha-pham.jpg
 Vợ chồng chị Kellan Hà Phạm và hai con gái Aria và Gina - Ảnh: NVCC.

Mặc dù homeschool không tập trung vào kết quả nhưng đa phần các bé tham gia chương trình này đều học rất tốt, nhờ mô hình một mẹ - một con giúp năng khiếu của bé sẽ phát triển toàn diện hơn. Chị Hà nhận thấy, quan trọng là ý tưởng dạy con. Để làm được điều này, cha mẹ cần nhìn bằng góc nhìn tuổi thơ con. "Vợ chồng tôi không mua nhiều đồ chơi cho con vì, khi có ít đồ chơi thì bé sẽ sử dụng trí tưởng tượng và sáng tạo của mình. Chúng tôi cũng không muốn con quá chú trọng vẻ bề ngoài. Con không nhất thiết phải mặc đồ hiệu mới là đẹp. Chúng tôi mong sự tự tin của con xuất phát từ yêu thương con nhận được khi ở bên cha mẹ, gia đình".

Chị Hà động viên các mẹ theo con mình đến ít nhất 5 tuổi, vì có tới 70-80% nhân cách được tạo thành ở giai đoạn này. "5 năm qua rất nhanh, nếu tôi không nỗ lực, tôi sẽ bỏ phí thời gian ở bên con". Sự gần gũi những năm đầu đời thúc đẩy trẻ khi gặp khó khăn trong cuộc sống sẽ tìm đến cha mẹ để hỏi lời khuyên. Bé sẽ lắng nghe và tiếp nhận ý kiến cha mẹ để thành công. Thực tế nhiều phụ huynh không hiểu nổi con ở độ tuổi teen, nhưng với homeschool cha mẹ luôn là người bạn thân thiết của con.

Để làm một người thầy của con, cha mẹ phải vô cùng kiên nhẫn. Nhiều người cho rằng đi làm không mệt bằng ở nhà chăm con, đằng này là dạy. Hiểu được điều này, Hội những bà mẹ thuộc nhóm “Sài Gòn homeschool CO-OP" của chị Phạm Hà mỗi tháng họp một lần. Từ nhóm ban đầu chỉ có vài người, dần dần các cha mẹ tham gia ngày một nhiều hơn. Họ gặp nhau với mục đích chia sẻ hợp tác trong việc dạy con tại nhà. Các bà mẹ hỗ trợ nhau bằng cách mỗi tuần người này sẽ gửi con qua nhà người kia để học môn học hoặc mảng kiến thức mà mẹ đó giỏi hơn. Đây cũng là dịp để bé tương tác với bên ngoài mà không bị cô lập như nhiều người lo ngại khi nhắc tới homeschool.

"Dạy con biết kính trọng, biết trung thực, dũng cảm, đó là công việc kéo dài mười mấy năm đầu trong cuộc đời con. Bố mẹ nên xác định để kiên nhẫn và không quá kỳ vọng. Mục tiêu là tương lai của con chứ không phải công trạng hay tài năng của bố mẹ" - chị Hà chia sẻ.

- Homeshool là hình thức giáo dục con tại nhà, cha mẹ đóng vai trò là giáo viên của con, với nhiều loại giáo trình tùy theo khả năng, khuynh hướng của trẻ…

- Nhiều người nghĩ, gia đình phải có điều kiện về kinh tế thì mới có thể quyết định dạy con tại nhà, nhưng nếu so sánh với việc học ở trường sẽ thấy số tiền bỏ ra không chắc đã nhiều hơn. Thứ tốn kém nhất mà bố mẹ cần có để dành cho con trong việc dạy con tại nhà đó là thời gian.

- Tại Mỹ, thường những gia đình không có điều kiện kinh tế lại phù hợp với hình thức homeschool hơn, vì các chi phí cho con đi học là khá lớn: Chi phí quần áo, trang thiết bị, phương tiện đi lại, đưa đón.

- Nhiều cha mẹ sẽ tự tin nói rằng: Nếu tôi đi làm thì sẽ kiếm đủ tiền, thậm chí dư để chi trả cho số tiền học và phụ thêm chi phí gia đình, nhưng mục đích của cha mẹ chọn homeschool là: Mình muốn dạy con cái gì?

- Rất nhiều người mẹ trưởng thành sau những năm tháng tự học và dạy con, nhiều chị trở thành blogger hút khách. Có người còn làm PR, viết sách. Đặc biệt, hầu hết đều nhìn nhận homeschool không khiến họ hy sinh công việc, mà họ coi đây như là một cơ hội phát triển bản thân. Khi có thời gian, họ chủ động tìm việc bán thời gian, freelance,...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm