Trải nghiệm nào cũng… đáng giá

03/10/2016 - 08:00
“Không có trải nghiệm nào vô ích” là cảm nhận thực tế của rất nhiều người trẻ năng động hiện nay.
6 tháng lang thang mang tới cho Diệu Linh nhiều trải nghiệm thú vị - Ảnh: NVCC.
Sáu tháng… lang thang

Cuối năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học, Vũ Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 1991, Ninh Bình) đã đăng ký tham gia đợt thực tập ở Singapore trong vòng 6 tháng. Thế nhưng, vì sự thiếu sót trong khâu chuẩn bị của ban tổ chức, đến ngày Linh xuất cảnh theo như vé máy bay đã đặt trước, cô vẫn chưa được hỗ trợ hoàn tất thủ tục làm visa. Đánh liều, Linh giấu tất cả mọi người để bay sang Singapore và từ đó, đi đường bộ sang các nước khác như Malaysia, Thái Lan để thực hiện chuyến đi khám phá Đông Nam Á của mình.

“Tôi đã đi như vậy trong suốt 6 tháng. Thành phố tôi ghé lại lâu nhất là Miri, bang Sarawak thuộc Malaysia. Trước đó, tôi đã lên kế hoạch đi xe buýt sang Brunei - đất nước nhỏ bé mà vô cùng hùng mạnh của Đông Nam Á. Nhờ sự quen biết tình cờ, tôi được nhận vào làm nhân viên tăng ca bán vé cho một rạp chiếu phim ở đây trong gần 1 tháng. Gần Giáng sinh và Năm mới nên rạp lúc nào cũng đông và họ cần thêm nhân lực tạm thời. Tôi được đào tạo trong 2 ngày trước khi bắt đầu làm việc chính thức”.

Sau đó, Linh “di cư” sang các nước khác. Cô gặp nhiều khách du lịch đến từ các đất nước khác nhau trong các khoang tàu, trên các chuyến bay... Khi về nước, Linh được nhận vào làm Copywriter (nhân viên viết quảng cáo) cho một công ty truyền thông chuyên về bất động sản ở Hà Nội. Nhìn bạn bè thăng tiến trong sự nghiệp, đã có lúc cô cảm thấy hối hận vì “6 tháng đi lang thang một cách vô ích” của mình.

Mãi đến khi nộp đơn và được nhận vào vị trí Trợ lý Giám sát điều hành cho một Không gian Làm việc Cộng đồng hướng tới đối tượng khách hàng chủ yếu là người nước ngoài, Linh mới cảm thấy các trải nghiệm trước đó... có giá trị.

“Cơ sở mới, mọi thứ đều phải sắm từ đầu. Từ bàn ghế đến máy thu ngân. Trước đây, tôi từng làm thu ngân ở rạp chiếu phim nên hiểu được các rắc rối có thể gặp phải. Người ta mang máy thu ngân đến nhưng cài đặt không rõ ràng, chưa có các chức năng sửa sai, trả lại hàng, xuất báo cáo theo ngày, theo ca,... những bạn nhân viên khác ù ù cạc cạc cho rằng đã ổn nhưng tôi phản ánh, đòi bổ sung thêm ngay. Rồi việc truyền thông cho người nước ngoài nữa: Do có cơ hội tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau nên tôi cũng hiểu tâm lý và thị hiếu của họ hơn. Lúc đó mới thấy khoảng thời gian đi lang thang cũng không lãng phí lắm!”.

Tiến Dũng trưởng thành hơn từ công việc với 2 triệu đồng tiền lương/tháng - Ảnh: NVCC.


Không lương cũng xếp hàng xin việc

“Bạn tôi nói 24 tuổi mà lương 2 triệu đồng cũng làm thì thất bại!”, Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1989, trưởng nhóm kinh doanh của Công ty in ấn Brands tại Hà Nội) vừa cười vừa nhớ lại lời mỉa mai của một người bạn, “Tôi thì nghĩ đơn giản lắm. Có 2 triệu là tốt rồi, chứ thực ra sếp không trả lương thì tôi vẫn sẵn sàng đi làm chăm chỉ, không kêu ca!”.

Những người yêu thích sự ổn định thường không lựa chọn vị trí nhân viên kinh doanh. Đơn giản vì các vị trí này thường trả lương dựa theo doanh số - tức là hiệu quả làm việc. “Tôi ra trường được 2 năm thì cảm thấy thích thú với việc kinh doanh nên chuyển hướng. Kinh nghiệm không có nên sếp trả 2 triệu lương cứng, còn lại thưởng hoa hồng dựa trên doanh thu mang về được cho công ty”.

Những người bạn của Dũng khi đó đều đã ổn định và bắt đầu tiến dần lên các nấc thang sự nghiệp. Với 2 triệu cố định mỗi tháng, Dũng đặt mục tiêu phải sống vô cùng tiết kiệm để không phải ngửa tay xin tiền bố mẹ.

“Kinh doanh không phải là chuyện chúng ta bán thứ mình có mà là bán thứ khách hàng cần. Trước khi đi làm, tôi đâu biết vậy. Cứ nghĩ hàng hóa của mình tốt là khách chắc chắn sẽ chọn” - Dũng chia sẻ - “Đi làm, tiếp xúc với khách hàng, gặp khó khăn mới biết nhiệm vụ của dân kinh doanh không phải là đưa danh sách sản phẩm cho khách chọn mà là lắng nghe nhu cầu của khách rồi mới chứng minh cho khách thấy giải pháp của mình tốt cho họ như thế nào”.

Đây không phải những bài học mà Dũng có thể nghiệm ra trong một sớm một chiều. Cậu đã bỏ không ít thời gian để học cách tìm kiếm khách hàng, xây dựng catalogue phù hợp với đối tượng khách hàng của riêng mình chứ không dừng lại ở việc dùng cuốn catalogue mà công ty cung cấp...

“Sau hơn 3 tháng, tôi vẫn chưa kiếm được hợp đồng nào có trị giá hơn 10 triệu đồng. Lương mỗi tháng tổng cộng khi đó cũng chưa bao giờ quá 3 triệu. Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn trêu tôi là đi làm không lương, chỉ tổ đen da vì suốt ngày phải chạy đi gặp khách hàng này, khách hàng khác. Hồi ấy thì đúng là như thế thật. Nhưng những gì tôi học được từ ngày đó giúp ích tôi rất nhiều ở công việc hiện tại. Tôi chia sẻ lại với các nhân viên của mình và giúp họ làm việc hiệu quả hơn!”.

Không có trải nghiệm nào là hoàn toàn lãng phí và vô ích. Chỉ cần chịu khó và để ý nhiều hơn, chúng ta chắc chắn có thể ứng dụng những trải nghiệm đã có của mình để công việc trở nên suôn sẻ hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm