Trải nghiệm sinh nở với "phòng sinh gia đình”

27/04/2017 - 07:41
Khi chuẩn bị “vượt cạn”, một số sản phụ thường rơi vào tâm trạng lo lắng và cô đơn. Vì thế, dịch vụ “phòng sinh gia đình” ra đời nhằm tạo điều kiện để người thân có thể hỗ trợ, động viên tinh thần cho sản phụ.
Dịch vụ này được tổ chức đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TPHCM, sau đó được nhân rộng ra nhiều bệnh viện khác.

Theo một số bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ, đây là một dịch vụ có tính chất khá đặc biệt. Để sử dụng dịch vụ này, khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh, sản phụ đến khám tại Khoa cấp cứu của Bệnh viện Từ Dũ để làm hồ sơ nhập viện. Tại đây, nữ hộ sinh Khoa cấp cứu sẽ ghi nhận vào hồ sơ bệnh án nguyện vọng đăng ký sinh dịch vụ gia đình.
dich-vu-gd-10.jpg
Đa số người chồng cho rằng có mặt bên vợ trong giờ phút vợ chuẩn bị sinh nở và sau đó cùng chào đón đứa con ra đời là khoảnh khắc hết sức thiêng liêng, hạnh phúc. Ảnh minh họa
Sử dụng dịch vụ này, sản phụ sẽ được ưu tiên giải quyết giường dịch vụ sau sinh và khi chuyển dạ vào giai đoạn hoạt động (khi khám cổ tử cung mở được 4cm) thì sẽ được chuyển vào phòng sinh gia đình. Nữ hộ sinh tại Khoa sanh sẽ mời một người thân ở cùng để động viên sản phụ trong suốt cuộc “vượt cạn”.

Nhận xét về dịch vụ này, đa số người chồng cho rằng, có mặt bên vợ trong giờ phút vợ chuẩn bị sinh nở và sau đó cùng chào đón đứa con ra đời là khoảnh khắc hết sức thiêng liêng, hạnh phúc. Hầu hết phụ nữ cũng cảm thấy được sẻ chia nhiều, an tâm hơn và tăng thêm sức mạnh khi có người thân ở bên. Ngoài ra, việc làm này ở nhiều trường hợp còn mang lại những hiệu quả tích cực không ngờ trong việc gắn kết tình cảm vợ chồng, nhắc nhở người chồng về việc kế hoạch hóa gia đình, ngừa thai, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người bố với con cái.

Tuy nhiên, trước hết người phụ nữ phải cân nhắc là mình có nhu cầu cần người thân ở bên cạnh lúc sinh hay không. Trên thực tế, có những người lấy làm hạnh phúc khi có người thân luôn “kề vai sát cánh” ngay trong giờ phút đầy thử thách, song cũng có một số người lại bị “tâm lý” khi thấy người thân luôn ở bên cạnh, khiến việc sinh nở trở nên khó khăn hơn.

Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng và quyết định thì tùy từng trường hợp cụ thể, gia đình nên bàn bạc trước để “tuyển chọn” ai sẽ vào hỗ trợ cho người phụ nữ lúc sinh. Người này sẽ có một nhiệm vụ duy nhất và cũng rất khả thi, là hỗ trợ tinh thần tối đa cho sản phụ nhằm “hợp sức” với nhân viên y tế để cuộc “vượt cạn” diễn ra tốt nhất.

Do đó, tùy điều kiện và ý muốn của sản phụ, không nhất thiết phải là người chồng mà có thể là mẹ ruột, mẹ chồng, chị em gái, cô dì… cũng đều có thể là những “ứng cử viên” tốt.

Các bác sĩ cũng lưu ý, những người thân có mặt trong phòng sinh gia đình cần phải có tâm lý vững vàng. Có không ít trường hợp người chồng khi chứng kiến cảnh vợ sinh nở đã suýt… ngất xỉu vì sợ, điều dưỡng phải dìu ra khỏi phòng sinh, khiến sản phụ lo lắng thêm.

Dịch vụ này tại Bệnh viện Từ Dũ có chi phí là 2,5 triệu đồng/ca, và chỉ dành cho những ca sinh thường. Dịch vụ này hiện cũng đã được triển khai ở nhiều bệnh viện phụ sản lớn tại TPHCM và Hà Nội như: Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế TPHCM…

Một điểm nữa cũng cần lưu ý, là dù chọn dịch vụ phòng sinh gia đình thì cũng không chắc chắn sẽ có nữ hộ sinh theo sát sản phụ 24/24. Vì vậy nếu muốn chắc chắn về điều này, hãy hỏi kỹ nhân viên bệnh viện về các dịch vụ đi kèm. Nếu cần thiết thì nên sử dụng thêm dịch vụ chăm sóc xuyên suốt của y bác sĩ tại bệnh viện. Bởi sự hiện diện thường xuyên của điều dưỡng hay nữ hộ sinh ở bên cạnh, không chỉ giúp cho việc sinh nở an toàn mà còn có tác dụng cỗ vũ tâm lý rất lớn.
 

ĐỊA CHỈ CHO BẠN

* Tại Hà Nội: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đường La Thành, Q.Ba Đình, ĐT: 04.38343181.

* Tại TPHCM

- Bệnh viện Từ Dũ, 284 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, ĐT: 08.54042829.

- Bệnh viện Hùng Vương, 128 Đường Hồng Bàng, phường 12, Q.5, ĐT: 08.38642750.

- Bệnh viện Phụ sản Quốc tế TPHCM, 63 Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, ĐT: 08.39253619.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm