Trại tị nạn Hy Lạp: Phụ nữ, trẻ em bị bủa vây bởi bệnh tật và nguy cơ lạm dụng

29/10/2018 - 12:57
Có 21.326 người, hầu hết đến từ Afghanistan, Syria, Cameroon, Uganda và Nigeria tới Hy Lạp tị nạn. Một nửa trong số đó đang tập trung ở Lesbos. Họ sống chen chúc trong một khoảng không gian chật hẹp, tù túng, nhiều nguy cơ và đầy rác thải.
Sống chung với hiểm họa vì không còn nơi nào để đi
Ẩn mình giữa những ngọn đồi trên bờ biển phía Đông của đảo Lesbos là ngôi làng nhỏ Moria. Theo con đường trải sỏi đi thêm 2km về phía Bắc là khu dân cư dã chiến được bao quanh bởi dây thép gai và những bức tường bê tông. Nơi đây vốn là khu căn cứ quân sự cũ được Liên minh châu Âu (EU) tận dụng làm nơi ở cho những những người tị nạn từ năm 2015.
 
a-1.jpg
Điều kiện sống thiếu thốn, nghèo nàn và không được đến trường khiến những đứa trẻ mất hy vọng vào tương lai

 

Hiện nay, khu vực này có hơn 8.300 người di cư từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sang. Họ sống chen chúc nhau trong một khoảng không gian chật hẹp.
 
Bà Sonia Andreu, làm việc tại Trung tâm tiếp cận cộng đồng Bashira do Thụy Sĩ điều hành tại Lesbos, nói rằng những phụ nữ sống trong khu tị nạn Moria đang bị quấy nhiễu hàng ngày. Trung bình mỗi tuần có 400 phụ nữ đến trung tâm Bashira để tìm kiếm lời khuyên và được hỗ trợ pháp lý. Hầu hết phụ nữ đến từ Afghanistan, Syria, Cameroon, Uganda và Nigeria.
 
Bà Andreu còn cho biết thêm, những bà mẹ mới sinh con phải sống trong những căn lều tồi tàn, nhiều bụi bẩn, có khả năng nhiễm trùng cao như thế này là hết sức nguy hiểm. Đó là chưa kể các loại côn trùng như ruồi, nhện, rắn, rết... Tiến sĩ Declan Barry, một bác sĩ người Ireland, thuộc tổ chức Bác sĩ Không biên giới chuyên giúp đỡ người tị nạn bức xúc: “Khu vực này ban đầu được xây dựng để chứa được 3.000 người nhưng do cuộc khủng hoảng người tị nạn, Hy Lạp phải nhồi nhét hơn 8.000 người vào một trại.
a-6.jpg
Môi trường sống chật chội, kém vệ sinh của những người tị nạn tại Hy Lạp

 

Môi trường sống như thế theo tôi còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng dịch Ebola ở Syria và Afghanistan. Bên cạnh đó, bạo lực tình dục cũng đang hoành hành cả bên trong và bên ngoài trại. Nhiều phụ nữ ngần ngại, không dám nói với các bác sĩ về chuyện họ bị lạm dụng, bị cưỡng bức nhiều lần. Họ phải sống chung với bạo lực, với bệnh tật vì không còn nơi nào khác để đi”.
 
Giấc mơ đổi đời và hiện thực không lối thoát
Đến nay, có 21.326 người đến Hy Lạp tị nạn. Một nửa trong số đó đang tập trung ở Lesbos. Điều này không chỉ gây sức ép cho người dân mà còn là gánh nặng cho chính phủ. Nhất là vấn đề vệ sinh và rác thải. Trong những ngày trung tuần tháng 9/2018, bà Christiana Kalogirou, thống đốc khu vực phía Bắc Aegean của Hy Lạp cảnh báo: trại tị nạn Moria sẽ bị đóng cửa nếu Bộ trưởng Bộ Di trú không giải quyết được các vấn đề về quá tải rác thải ở khu vực này trong vòng 30 ngày.
 
Sống trong môi trường chật hẹp, tù túng, nhiều nguy cơ, một số người đang cảm thấy hối hận vì giấc mơ đổi đời ở châu Âu. Họ nhắn tin về quê nhà cho người thân rằng: “Đừng đến châu Âu, đừng hành hạ bản thân mình. Anh bán nhà cửa và bất chấp mọi nguy hiểm để đến đây để làm gì, để mất tất cả và sau đó trở về Thổ Nhĩ Kỳ một cách trắng tay”. Mohhanad, một người đàn ông đến từ Syria cho biết: “Trại tị nạn là nơi không an toàn, đông đúc, dễ nhiễm bệnh. Người lớn chúng tôi có thể chống chọi với mọi thứ để tồn tại, còn tương lai của bọn trẻ thì sao, hoàn toàn không có lối thoát ở trại tị nạn này?”.
 
a-2.jpg
Bệnh tật luôn rình rập phụ nữ và trẻ em ở trại tị nạn Hy Lạp

 

Theo thống kê mới nhất, có 1.729 trẻ em ở Moria, hơn 1.000 trẻ em trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, hầu hết các em không có cơ hội đến trường. Hiện tại, chính phủ Hy Lạp vẫn chưa cho phép những đứa trẻ tị nạn tiếp cận một chương trình giáo dục nào. Điều đó có nghĩa là chúng không được trang bị bất cứ tri thức nào để bước vào tương lai. Đã có những trường hợp trẻ em ở trại Moria muốn tự kết liễu cuộc đời mình khi chỉ mới 10 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm