Tranh cãi nảy lửa khi học sinh phải đeo mũ chắn giọt bắn trong lớp học

Phúc Nguyên
05/05/2020 - 16:16
Tranh cãi nảy lửa khi học sinh phải đeo mũ chắn giọt bắn trong lớp học
Một cuộc tranh cãi nổ ra khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh học sinh ngồi học trong lớp vừa đeo khẩu trang, vừa phải đeo mũ chắn giọt bắn. Nóng nực, bất tiện, nhòe mắt… là cảm nhận của phần lớn phụ huynh khi chứng kiến cảnh tượng này.

Từ ngạc nhiên đến phản đối

Một tuần, trước thời điểm con gái trở lại trường (ngày 11/5 tới), chị Thu Đặng - phụ huynh một trường tiểu học ngoài công lập tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, tỏ ra ngạc nhiên khi xem hình ảnh thầy cô hì hụi làm mũ chắn giọt bắn, được tuyên truyền trên fanpage của trường. Câu hỏi của chị Thu là vật dụng này có thực sự cần thiết hay không.

Nữ phụ huynh đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của nhà trường để đón các con quay lại trường như trang bị nhiệt kế, nước sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí, giãn cách lớp học… Tuy nhiên, với mũ chắn giọt bắn, chị cho rằng vật dụng này là thừa, gây tốn kém không cần thiết.

"Học sinh ngồi trong lớp học, về cơ bản đeo khẩu trang và ngồi giãn cách là đảm bảo được việc tránh dịch. Có thêm chiếc kính nhựa che mắt, các con sẽ rất vướng, nhìn mọi thứ sẽ bị nhòe. Chưa kể nóng nực thế này, đeo tấm đó cả ngày rất bất tiện cho các con"- chị Thu chia sẻ.

Học sinh đeo tấm chống giọt bắn khi ngồi học: Phần lớn phụ huynh không đồng tình - Ảnh 1.

Học sinh một trường tiểu học tại Đà Nẵng đeo mũ chắn giọt bắn khi ngồi học. Ảnh: FB

Một phụ huynh có con học lớp 6 cùng trường, khi nhìn ảnh con đang ngồi ăn ở căng tin cùng chiếc mũ bất đắc dĩ, đã phải thở dài ngao ngán. "Con ăn uống rất vướng. Đồng ý là phải có biện pháp cách ly, nhưng với sản phẩm này thì không ổn chút nào, trông các con cũng không vui vẻ gì khi đeo tấm chắn đó!"

Ngay sau khi báo chí đăng tải về hình ảnh mũ chắn giọt bắn được sử dụng nhiều địa phương, diễn đàn cha mẹ trên mạng xã hội cũng lập tức nổ ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Số ý kiến ủng hộ thì ít, mà các chia sẻ phản đối thì nhiều. Nhất là một số trường học chưa được phép bật điều hòa, chỉ sử dụng quạt trong lớp học, giữa tiết trời nóng nực hiện tại, thì hình ảnh này càng gây cảm giác bí bách cho không ít phụ huynh.

Không ít người gay gắt cho rằng, việc cho học sinh đeo sản phẩm này là "tối kiến" chứ không phải sáng kiến, tác dụng chống Covid-19 chưa biết đến đâu nhưng chắc chắn là làm trẻ khổ sở.

Một phụ huynh không ngần ngại chia sẻ: "Nóng nực, thêm cái khẩu trang, người lớn còn không chịu nổi, nói chi con nít... Dám cá có ông bà nào ngồi phòng không máy lạnh, dù có máy lạnh cũng chắc gì chịu nổi, kiểu này mồ hôi ướt cả cái khẩu trang".

Nguy cơ mỏi mắt, cận thị?

Trước băn khoăn của phụ huynh, các chuyên gia y tế đã lên tiếng về việc không cần thiết khi sử dụng sản phẩm này. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng, trong lớp học, trẻ ngồi theo một hướng cố định, mũ chắn giọt bắn lúc này cũng không có tác dụng nhiều. Thậm chí, các em có thể đùa nghịch làm kính tấm chắn gãy, dẫn đến nhiều tình huống ngoài ý muốn khác.

Theo ông, mũ chắn giọt bắn chỉ có hiệu quả khi mặt đối mặt, giao tiếp trực tiếp. Trong khi đó, việc mang khẩu trang, rửa tay đúng cách và không đưa tay lên vùng mũi, miệng mới là cách phòng ngừa quan trọng và tốt nhất.

"Hơn nữa, sử dụng vật dụng này trong thời gian dài, thời tiết nắng nóng khiến trẻ khó chịu, đổ mồ hôi ảnh hưởng đến mắt, nhất là với các bạn bị cận thị. Dùng tay đưa lên mắt thậm chí còn gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn" – ông cho biết.

Học sinh đeo tấm chống giọt bắn khi ngồi học: Phần lớn phụ huynh không đồng tình - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Còn theo bác sĩ Tăng Hồng Châu, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn, miếng nhựa plastic không hoàn toàn trong suốt nên việc đeo liên tục để làm việc, học tập sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực. Khi học sinh đeo dụng cụ này trong thời gian dài, mắt có thể luôn trong tình trạng căng thẳng do phải điều tiết nhiều, về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng.

Cũng theo các chuyên gia, trong ngành y tế các bác sĩ sử dụng các sản phẩm mũ với màng chắn nhựa ở phía trước để ngăn dịch tiết từ bệnh nhân bắn lên trong các cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là những chiếc mũ được sản xuất với tiêu chuẩn riêng của ngành y, còn những chiếc mũ được bán tràn lan trên thị trường thì không rõ về tiêu chuẩn sản xuất cũng như nguồn gốc. Vì vậy không ai đảm bảo được chất lượng của sản phẩm này.

Trước các bất cập trên, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, thay vì sử dụng mũ chắn giọt bắn, thầy cô nên rèn luyện thói quen đeo khẩu trang cho trẻ và đây là cách tốt nhất để phòng tránh dịch Covid-19. Việc tập cho trẻ đeo khẩu trang cần thực hiện dần dần, sau vài ngày đầu tiên, trẻ sẽ duy trì được thói quen đeo khẩu trang trong khi học. Phụ huynh nên lựa chọn các loại khẩu trang vải thoáng khí để giúp trẻ sử dụng thoải mái hơn trong quá trình học tập tại trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm