Tranh cãi quanh clip bé gái nức nở vì áp lực học tập, đề nghị bố "trân trọng tuổi thơ"

Dương
18/10/2022 - 21:25
Tranh cãi quanh clip bé gái nức nở vì áp lực học tập, đề nghị bố "trân trọng tuổi thơ"
Mới đây, một clip về bé gái vừa bật khóc nức nở vì áp lực học tập, vừa thổ lộ lòng mình với bố về áp lực học hành đã lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội.

01

Người ta thường nói, chẳng ai thương con bằng cha mẹ và cũng chẳng ai mong con thành công như cha mẹ. Tại các quốc gia Á Đông coi trọng giáo dục, tình yêu thương này được cụ thể hoá rõ nét bằng sự quan tâm của phụ huynh lên từng bước đi của con trong tiến trình học tập. Dẫu biết, cha mẹ đặt kỳ vọng vào chuyện học hành của con cái là không sai, thế nhưng không phải phương pháp giáo dục nào của đấng sinh thành cũng nhận về hưởng ứng tích cực từ phía đứa trẻ.

Những ngày vừa qua, một clip ghi lại cuộc nói chuyện giữa hai cha con đang nhận nhiều sự quan tâm, được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Xuyên suốt đoạn clip, một bé gái ngồi trên ghế, vừa khóc lóc, vừa một mực đòi được nghỉ ngơi sau khi đã hoàn thành bài tập.

Đoạn clip ghi lại cuộc hội thoại giữa hai bố con đang lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc 

"Con có chỗ nào không nào không tốt, bố cứ nói cho con biết, con sẽ sửa. Nhưng mà con cũng cần thời gian riêng cho bản thân chứ?", "Con làm xong hết bài tập rồi. Chẳng lẽ con không được chơi một lát sao?", "Học tập cũng cần thời gian nghỉ ngơi chứ"... cô bé vừa oà khóc vừa nói.

Thế nhưng, người cha đã đáp lại với thái độ trái ngược với kỳ vọng của con gái: "Gần đây, con đã biểu hiện rất tốt, nên bố sẽ cho phép con chơi một lát", "Nếu con có thể tiếp tục cố gắng hơn nữa thì chẳng phải càng tốt hơn sao?". 

Nghe vậy, cô bé tiếp tục nức nở: "Nếu bố cứ yêu cầu thế này thì đến người máy cũng không làm được đâu". Cuối cùng, cô bé đề nghị: "Hãy trân trọng tuổi thơ của mỗi đứa trẻ".

Đằng sau clip bé gái tiểu học oà khóc nức nở vì áp lực, đề nghị bố "trân trọng tuổi thơ" - Ảnh 2.

Cô bé kết thúc cuộc hội thoại bằng câu nói khiến nhiều người lớn phải trăn trở: "Hãy trân trọng tuổi thơ của mỗi đứa trẻ"

Ngay sau khi đoạn clip được chính người cha đăng tải lên MXH, nhiều người đã thi nhau bày tỏ suy nghĩ của mình. Mỗi người một quan điểm, nhưng tựu chung lại các ý kiến đều tranh cãi rằng liệu phương pháp giáo dục của người cha có quá khiêm khắc, gây áp lực thái quá lên con mình?

02

Trong những năm gần đây, trên MXH đã xuất hiện một thuật ngữ để mô tả các bậc cha mẹ luôn làm đủ mọi cách, với mong muốn con thành công trong tương lai, là "gà mái mẹ". Khi ấy, những đứa trẻ sẽ được gọi là "gà con".

Không giống nhiều phương pháp dạy con đề cao sự tự do và hạnh phúc của trẻ nhỏ, phụ huynh "gà mái mẹ" cho rằng tương lai thành công mới là điều quan trọng nhất với con cái. Do đó, họ sẵn sàng áp dụng các biện pháp giáo dục trẻ nghiêm khắc, huấn luyện con theo một nề nếp quy củ từ khi còn nhỏ. Dạy con theo kiểu "huấn luyện gà từ trong trứng" cũng là phương pháp giáo dục gây tranh cãi bậc nhất trên thế giới. 

Quay trở về với trường hợp hai cha con trong clip, có thể thấy dường như người cha đang chịu ảnh hưởng bởi phương pháp giáo dục theo hướng "luyện gà". Trong mọi hoàn cảnh, con cần nỗ lực học tập để có được tương lai tốt đẹp hơn.

Đằng sau clip bé gái tiểu học oà khóc nức nở vì áp lực, đề nghị bố "trân trọng tuổi thơ" - Ảnh 3.

Phương pháp giáo dục theo kiểu "luyện gà" ngày càng trở nên phổ biến

Ngay sau khi đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trên MXH, nhân vật người cha đã vấp phải hàng loạt phản ứng trái chiều từ phía cư dân mạng. Họ phản bác rằng cách giáo dục này hơi mù quáng, dễ gây phản tác dụng. Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, áp lực học hành căng thẳng đến đâu, đứa trẻ cũng nên có thời gian cho riêng mình, quan tâm đến sức khoẻ tinh thần, thay vì học tập không biết ngày đêm. Và nếu gây sức ép quá lớn, hậu quả sẽ thật khó lường.

"Mong ông bố sẽ thật sự lắng nghe con gái nói. Nếu ông bố chịu ngẫm lại bản thân, sẽ thấy đã tự tạo áp lực cho chính mình và cả đứa trẻ lớn như thế nào".

"Trứng gà mà bị nứt từ bên trong ra ngoài thì đó là sự sống nhưng trứng gà bị vỡ từ bên ngoài vào trong thì đó là sự diệt vong. Nếu ví giáo dục con trẻ như 'huấn luyện gà', có lẽ chưa đến thời điểm gà con trưởng thành, có thể tự đi kiếm ăn thì chúng đã tự huỷ hoại mình từ bên trong bởi áp lực của người lớn mất rồi".

"Đành rằng phải có nỗ lực mới có kết quả, thế nhưng áp lực quá nhiều cũng chẳng phải chuyện hay ho. Phụ huynh thời nay thường nói rằng, học sinh đang tuổi ham chơi, bắt học hành vất vả một chút thì cũng chẳng đáng gì. Thế nhưng, tụi trẻ bây giờ rất thông minh và có lòng tự trọng cao. Bề ngoài có thể giả vờ vâng lời cha mẹ, nhưng nếu đã khiến chúng vỡ nứt từ sâu bên trong, những hành động mà chúng lén lút làm sau lưng chúng ta còn càng đáng sợ hơn nữa".

Đằng sau clip bé gái tiểu học oà khóc nức nở vì áp lực, đề nghị bố "trân trọng tuổi thơ" - Ảnh 4.

03

Trái ngược với những quan điểm trên, nhiều phụ huynh lại bày tỏ sự đồng tình với cách giáo dục nghiêm khắc của người cha. Bởi lẽ họ cho rằng theo dõi chính đoạn clip, có thể thấy đứa trẻ có thành tích học tập giỏi, tư duy logic và khả năng ngôn ngữ tốt. Đây đều là kết quả từ một hành trình dài trau dồi bản thân, và nếu không có sự giáo dục của phụ huynh, liệu cô bé có thể có những tư chất này khi còn nhỏ?

Khi xem đoạn clip dài 12 giây, có thể thấy người cha vẫn lắng nghe tâm sự của con gái, chứ không hoàn toàn mặc kệ cảm xúc của con mình. Đứa trẻ bật khóc vì cho rằng "cha đang tạo áp lực học hành", do đó nếu đứng từ phía công chúng, đứa trẻ này có thể trở nên đáng thương vì đã học hành quá vất vả. Tuy nhiên, nếu đứng từ phương diện người cha - người đã theo dõi cả tiến trình trưởng thành của con gái, anh ta có thể chỉ thấy đây là sự bộc phát cảm xúc nhất thời của trẻ.

Đằng sau clip bé gái tiểu học oà khóc nức nở vì áp lực, đề nghị bố "trân trọng tuổi thơ" - Ảnh 5.

Đứng từ phía người xem, đứa trẻ dễ nhận được đồng cảm hơn khi bày tỏ áp lực học hành

Hơn nữa, đứng trên góc độ phụ huynh, người nào cũng sợ con cái mình bị tụt lại, không đủ năng lực bằng bạn bằng bè. Phương pháp giáo dục "huấn luyện gà" tồn tại song hành cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thực tế, nhiều gia đình đã áp dụng thành công phương pháp này và dạy dỗ nên nhiều đứa trẻ thành đạt.

"Tôi cảm thấy khả năng vừa khóc, vừa trình bày mạch lạc rõ ràng này có khi cũng từ sự uốn nắn của bố mẹ mà ra. Áp lực của con chỉ là học hành, áp lực của cha gánh trên vai là cả cuộc đời bạn. Cha mẹ đi trước thấy được áp lực của người trưởng thành, nên mới cố gắng uốn nắn bạn nỗ lực chăm chỉ càng sớm càng tốt".

"Không có nỗ lực thì không có thành quả. Cha mẹ bạn bắt ép bạn học tập, suy cho cùng cũng vì tương lai bạn. Hơn nữa, đứa trẻ này mới chỉ 7-8 tuổi, làm sao hiểu được nỗi khổ của việc học hành không tử tế như thế nào mà đi trách cứ cha mẹ?"

"Làm sao để cân bằng giữa hưởng thụ để có hạnh phúc hiện tại và chịu khổ để có thành công tương lai, đây vốn là chủ đề phức tạp, ngay cả người lớn chúng ta cũng không thể trả lời rõ ràng được. Huống hồ là cách dạy dỗ của một gia đình lên con cái cần phải có một quá trình dài mới có thể đưa ra lời nhận xét về tính hiệu quả. Do đó, không thể chỉ thông qua một đoạn clip dài vài giây để lên án cách giáo dục của người cha này được, sẽ thiếu tính khách quan".

Còn bạn, bạn nghĩ sao về tình huống này?

Nguồn: Sohu + Weibo
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm