Tranh cãi quanh đề xuất người dưới 18 tuổi đi xe máy điện phải có bằng lái

Nguyễn Hải Phong
30/03/2024 - 08:15
Tranh cãi quanh đề xuất người dưới 18 tuổi đi xe máy điện phải có bằng lái

Đề xuất người dưới 18 tuổi đi xe máy điện phải có bằng lái nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa: Văn Ngân

Đề xuất bổ sung quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi đi xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối phải có bằng lái của đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận về những ý kiến trái chiều.
Cần lấp "khoảng trống" pháp lý

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án "Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ", Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị bổ sung quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi đi xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối (50cc) phải có giấy phép lái xe. 

Dẫn số liệu thống kê năm 2023, ông Hùng cho biết, có khoảng 2.300 người dưới 18 tuổi tử vong và bị thương do tai nạn giao thông. Trong đó, khoảng 1.000 trẻ em chết, phần còn lại là bị thương. 

Đáng chú ý, 80% trong nhóm này rơi vào độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi, đa số các cháu tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn. Cho rằng đây là một "khoảng trống pháp lý", ông Khuất Việt Hùng đề nghị các trường hợp này phải sát hạch như giấy phép lái xe A1 và phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy.

Bà Hà Thị Hợi (53 tuổi, trú tại xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) hiểu rõ những mối nguy hiểm khi học sinh điều khiển xe máy điện. Hơn một tuần trước, bà Hợi đã bị một thiếu niên điều khiển xe máy điện tông trúng khi đang đứng ở mép đường. Bà Hợi được các bác sĩ xác định bị vỡ mắt cá chân trái, phải phẫu thuật và cần thời gian khoảng 2 tháng để phục hồi. 

Tranh cãi quanh đề xuất người dưới 18 tuổi 
đi xe máy điện phải có bằng lái- Ảnh 1.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Ảnh: Hữu Chánh

"Hiện nay, xe máy điện khi lưu thông có thể đạt đến tốc độ rất cao. Không những thế, động cơ điện thường không gây ra tiếng động lớn nên rất khó để phát hiện từ xa, từ sớm. Bên cạnh đó, những trường hợp trẻ điều khiển thường chưa làm chủ được tay lái, phóng nhanh nên việc người điều khiển xe máy điện cần có giấy phép lái xe là hoàn toàn đúng đắn", bà Hợi cho biết.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 9, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an Thành phố Hà Nội), cho biết, hiện nay, xe đạp điện, xe máy điện có tốc độ lưu thông đến 35km/h, thậm chí 40km/h. Với tốc độ này, nếu xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông sẽ rất nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện và người khác. 

Bởi vậy, thiếu tá Chinh cho rằng, việc yêu cầu người từ 16 đến 18 tuổi điều khiển xe máy điện phải có bằng lái là cần thiết. Bên cạnh đó, thiếu tá Chinh cho rằng, luật cũng cần giới hạn độ tuổi không được phép điều khiển phương tiện xe máy điện, xe đạp điện. 

Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 9 cũng cho hay, để giảm thiểu tai nạn giao thông do học sinh lái xe máy điện, xe đạp điện, xe máy dưới 50cc gây ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và lực lượng chức năng, từ đó tạo ra ý thức chấp hành giao thông cho học sinh. Bên cạnh đó, bản thân học sinh phải ý thức được việc chấp hành luật lệ giao thông là để bảo vệ bản thân và người khác.

Đồng tình với việc phải có quy định cấp giấy phép lái xe với đối tượng lái xe máy điện và xe máy dưới 50cc, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng, trước mắt cần tuyên truyền, giáo dục học sinh, cũng như người dân. 

Trong chương trình giáo dục pháp luật tại nhà trường cần tuyên truyền cho các em về kỹ năng tham gia giao thông. Sau đó, chúng ta mới tiến tới thực hiện cấp giấy phép lái xe.

Lo quá tải tại các trung tâm đào tạo lái xe

Ở chiều ngược lại, luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), cho rằng, việc đưa ra quy định xe máy điện, xe có động cơ dung tích xi lanh dưới 50cc phải có giấy phép lái xe là không cần thiết. Điều này làm tăng thêm thủ tục hành chính cấp phép xe. 

Tranh cãi quanh đề xuất người dưới 18 tuổi 
đi xe máy điện phải có bằng lái- Ảnh 2.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)

Theo bà Khuyên, thực tế, tai nạn giao thông đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, ý thức người tham gia giao thông là chính. Bà Khuyên dẫn ví dụ, từ năm 2008, Việt Nam đã có "Luật Giao thông đường bộ" và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính điều chỉnh người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được điều khiển các loại xe có dung tích xi lanh trên 50cc. 

Tuy nhiên, giờ tan học tại các cổng trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có thể dễ dàng thấy học sinh đã điều khiển xe có dung tích xi lanh trên 50cm chở hai chở ba người, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng… 

"Điều này phản ánh ý thức của một bộ phận phụ huynh đã giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, mặc dù đã có chế tài hình sự, hành chính, bồi thường dân sự đối với người giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn", luật sư Khuyên nhận định.

Vị luật sư này đề xuất đưa các nội dung về giao thông đường bộ lồng ghép vào môn Giáo dục công dân như một phần bắt buộc. Qua đó, học sinh được giáo dục kiến thức an toàn khi tham gia giao thông, không cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc các em phải có giấy phép lái xe, phải tham gia sát hạch rồi thêm thủ tục hành chính cấp phép lái xe.

Ngoài ra, luật sư Khuyên cho rằng, phụ huynh cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc không giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, nhắc nhở con em chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường bộ. 

Phụ huynh cũng phải nhận thức được rủi ro khi cho con em tham gia giao thông đường bộ có thể bị tai nạn và phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu gây tai nạn cho người khác. Đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kết hợp với nhà trường trong việc "nói không với việc để học sinh chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ độ tuổi điều khiển xe quá dung tích xi lanh".

Từng đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, hiện cả nước có 23 triệu học sinh, trong đó học sinh phổ thông chiếm 30% - 40%. 

Do vậy, đề xuất áp dụng quy định sát hạch, cấp bằng lái xe dưới 50cc cho đối tượng này cần phải đánh giá được sự cần thiết và tác động đến xã hội. 

"Nếu quy định áp dụng nhưng chưa đánh giá được tác động, dẫn đến cú sốc cho các nhà trường, phụ huynh và quá tải cho các trung tâm đào tạo lái xe ở các tỉnh, thành phố thì lại là hệ lụy xấu cho xã hội", ông Quyền thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm