pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tranh cãi "thi Ams mà không học thêm là trượt chắc", cựu Amser từng giành học bổng toàn phần Harvard lên tiếng
“Thi Ams mà không học thêm thì cầm chắc là trượt”
Rầm rộ trên mạng xã hội những ngày vừa qua là bài đăng của một chuyên gia giáo dục chia sẻ về việc chị không cho con học trường Ams (hay THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Một vài lý do vị này liệt kê ra bao gồm: Trường Ams học theo chuyên từng môn, dễ học lệch; môi trường học tập quá cạnh tranh sẽ khiến các con sống mệt mỏi, so bì nhau, từ đó dễ nảy sinh tính cách hẹp hòi, hay chê bai, dìm hàng bạn bè, thiếu bao dung…
Những ý kiến này bị phần đông cư dân mạng, đặc biệt là các bạn học sinh, cựu học sinh trường chuyên nói chung và Amser nói riêng đánh giá là phiến diện, tiêu cực, thiếu cơ sở. Bất chấp điều đó, vị chuyên gia vẫn gạt phăng.
Quay trở lại với câu chuyện của con gái vị chuyên gia, vị này thực tế đã tìm cách “phá công cuộc” thi vào Ams của con bằng việc không cho con đi học thêm bất kỳ lớp nào. Cuối cùng, con chị đã thi trượt và phải chuyển hướng sang một ngôi trường không chuyên khác.
“Thi Ams mà không học thêm thì cầm chắc là trượt”, vị chuyên gia “nhận định”.
Sau khi được đăng tải, quan điểm này làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một lần nữa, vấn đề đầu vào khắt khe của Ams lại được mang ra làm chủ đề thảo luận. Theo đó, nhiều người cho rằng, dù Ams vốn nổi tiếng về điểm chuẩn cao qua từng năm, nhưng liệu học sinh có cần học thêm ngày đêm vất vả như lời kết luận của vị chuyên gia kia mới đỗ được vào ngôi trường này?
Cựu Á khoa trường Ams, từng giành học bổng toàn phần ĐH Harvard lên tiếng
Chia sẻ về quan điểm “Thi Ams mà không học thêm thì cầm chắc trượt” của vị chuyên gia, Tôn Hà Anh (1992) - cô chị trong cặp chị em cùng giành học bổng toàn phần của ĐH Harvard nổi tiếng một thời đã có những chia sẻ rất tâm đắc.
Được biết, Tôn Hà Anh từng là Á khoa lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2007.
Tôn Hà Anh - cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amserdam ngày ấy và bây giờ
Tôn Hà Anh nhớ lại, thời điểm cô quyết định thi vào Ams thì đã nhận được sự giúp đỡ từ gia đình. Mãi về sau khi con đỗ lớp chuyên, mẹ cô mới kể hồi đầu bà không có nhiều hy vọng về con. Tuy nhiên, mẹ cô quyết định giữ im lặng vì không muốn tạo áp lực mục tiêu lên con gái.
“Hồi đó mẹ chạy ra thầm thì với cô giáo mình: ‘Cô ơi liệu con có cơ hội vào Ams không?’ Cô nói nhỏ lại: ‘Cháu không học thêm ở ‘lò’ Ams thì khó lắm chị ơi…’”, Hà Anh nói.
Trên thực tế, Tôn Hà Anh không học ở “lò” luyện vào Ams - nơi mà nhiều người cho rằng phải đăng ký học thêm tại đây thì mới có cơ hội đỗ trường chuyên này. Thay vào đó, Tôn Hà Anh chỉ đi học thêm 3 giáo viên của trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và mua sách về tự ôn tập.
Thời điểm ôn thi vào trường Ams, khối lượng bài vở của Hà Anh khá nặng. Nhưng cô vẫn có tâm trạng thoải mái, sắp xếp được thời gian cho sở thích cá nhân.
“Bố mẹ mình chỉ yêu cầu là mình phải chí thú nghiêm túc học hành. Còn mục tiêu vào trường nào thì bố mẹ không hề ‘phá game’ con và cũng chẳng áp lực con phải vào trường này lớp kia. Mẹ chỉ nói với mình: ‘Chỉ cần đảm bảo cho mẹ sau này khi nhìn lại, con không hối tiếc vì đã không cố gắng hết mình. Con cứ sống hết mình với ước mơ của con’. Vì vậy nên dù học hành thi cử bận rộn nhưng tâm trạng mình lúc nào cũng thoải mái và được tự do sắp xếp thời gian biểu hợp lý.
Ít người biết mình là fan của Naruto. Lớp 9 học hành gì cũng đảm bảo có 30 phút dành ra để xem Naruto đã rồi tính tiếp. Thỉnh thoảng vẫn mượn truyện tranh về nghỉ trưa nằm đọc tí rồi ngủ trưa chiều dậy đi học.
Hôm đi thi Ams cả nhà cũng chill lắm. Mình tự đạp xe đi thi. Lúc xem điểm thì... nắng quá nên ở nhà nhờ con bạn đi xem thì xem hộ mình điểm luôn. Cuối cùng ngơ ngác và bật ngửa khi nghe tin đỗ Á Khoa Ams chuyên Anh năm ấy”, Hà Anh cho hay.
Ở một diễn biến khác, Hà Anh cũng lên tiếng về một số nhận định phiến diện của vị chuyên gia giáo dục về trường Ams.
Thứ nhất, vị chuyên gia từng cho rằng “Ams cấp 3 học theo chuyên từng môn”. Nghĩa là các môn chuyên sẽ học nhiều hơn các môn khác, đặc biệt là các môn “được coi là rất phụ” như Sử, Địa.
Còn theo Hà Anh, cô không phủ nhận Ams học chuyên theo từng môn, nhưng số tiết chuyên không quá nhiều. Và các thầy cô dạy môn không chuyên cũng rất giỏi và tâm lý.
Thứ hai, vị chuyên gia nhận định môi trường học tập của Ams cạnh tranh. Từ đó, học sinh sẽ dễ mệt mỏi, nảy sinh tính cách hẹp hòi, hay chê bai, dìm hàng bạn bè, thiếu bao dung.
Ở chiều hướng ngược lại, Hà Anh lại nhận định cô đã có quãng thời gian học tập tốt tại trường Ams. Đây là nơi mà cô được gặp các bạn cùng chí hướng, được học tập và sống đúng với lứa tuổi học trò.
“Bạn bè trong lớp cũng đến từ nhiều hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Đứa đi học ở Mỹ từ bé, đứa con nhà công chức, đứa thì con nhà bộ đội, nhà làm nông… Vào học thì đứa nào cũng nhất quỷ nhì ma thôi. Học trò mà. Lang thang ăn bô bô cha cha, nem chua rán. Hồi đó mình vẫn nhớ mình và Đào Hoa, đứa bạn cùng lớp hay đi học thêm với nhau rồi về nhà nằm chơi với mèo và bạn dạy mình đánh guitar (nhưng không nỗ lực lắm nên bật bông được đồ rê mi fa sol là bỏ cuộc rồi vì đau tay quá. Linh Vũ học làm bánh xong thỉnh thoảng đạp xe qua nhà cho mấy cái bánh nó làm (và 15 năm sau thì thành phù dâu trong đám cưới mình luôn). Rồi về sau khám phá ra lớp có Yến Chi ngày đi học, còn đêm là tiểu thuyết gia chuyên viết fanfiction và có chung niềm đam mê về anime.
[...] Đó là chưa kể các hoạt động và câu lạc bộ ngoại khóa nếu bạn nào muốn theo đuổi đam mê riêng. Ngày xưa mình thích bộ môn tổ chức sự kiện nên làm ban tài chính của Ngày Hội Anh Tài (NHAT) Ams. Vẫn nhớ mỗi đứa được giao nhiệm vụ phải bán ít nhất 10 vé. Lần đầu được làm nghề đi phe vé nên còn mạnh dạn trèo vào cả forum Những Người Mê Phim Bao Công để chào vé đi NHAT xong bị chửi mất quần [...] Còn các bạn trong lớp thì tài năng đa dạng lắm: Có đứa học đàn tranh, đứa thì làm phim, đứa chơi trong band nhạc...”, Hà Anh nhớ lại.
Hà Anh không phủ nhận môi trường học tập ở trường Ams có tính cạnh tranh. Song cô cho rằng, chính môi trường này cũng thúc đẩy mỗi học sinh cố gắng và nhanh chóng trưởng thành.
“Nếu nói là hồi đó không có cạnh tranh và áp lực thì không đúng. Ở môi trường nào cũng có áp lực, nhưng quan trọng là mình vững tâm và hiểu mục tiêu của mình là gì, đến đâu, và cố gắng đừng bị áp lực so sánh”.
Sau cùng, Tôn Hà Anh khẳng định dẫu biết vào trường chuyên là quan trọng, song đó chỉ là một bước đệm để bạn làm chủ tương lai giữa muôn vàn lựa chọn sau này.
“Giờ hơn chục năm qua đi, nhìn lại thì những người bạn học Ams năm ấy cũng làm đủ ngành nghề đa dạng: Ngoài làm các công ty ngân hàng thì đứa thành đạo diễn, đứa mở nhà hàng, đứa bán cafe, đứa làm diễn viên, vlogger,...
[...] Có lẽ khi đã trưởng thành, tốt nghiệp và đi làm cũng kha khá năm rồi, nhìn lại thì việc không vào Ams hay trường chuyên nói chung, hay sau này là trường đại học nào, ở đâu, tuy là bước đệm rất tốt, nhưng cũng không phải là ‘the end of the world’. Vì cuộc đời có trăm ngã rẽ khác nhau.
Tuy mình không học hết Ams cấp 3 vì về sau đi học tiếp cấp 3 ở Mỹ, nhưng cũng có nghe chuyện các bạn trong lớp ở nhà cũng áp lực chuyện vào trường đại học nào, và khó tránh khỏi so sánh trường này trường kia dù trên bảng xếp hạng có hơn kém nhau vài bậc. Nhưng rồi sau này mỗi bạn ra trường đều có lối đi riêng, và có những thành công của riêng mình. Cuộc đời còn dài và có rất nhiều cơ hội!”.
Tôn Hà Anh (SN 1992) từng được biết đến là cô chị trong cặp chị em học giỏi, lần lượt giành học bổng toàn phần của ĐH Harvard gây bão mạng lần lượt vào năm 2012 và 2018. Sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard, Hà Anh trở thành cố vấn cấp cao công ty tư vấn quản lý quốc tế McKinsey, New York - một đơn vị tư vấn doanh nghiệp hàng đầu của thế giới.
Trải qua 3 năm làm việc tại McKinsey, Hà Anh tiếp tục đi học thạc sĩ kinh doanh tại ĐH Harvard. Nhưng sau đó, vào năm 2021, Hà Anh quyết định gap year để về nước và phát triển dự án Lã Hà Clinic. Dự án mang tên của mẹ chị - một chuyên gia da liễu nổi tiếng, mang mục tiêu trở thành hệ sinh thái hàng đầu về chăm sóc sức khỏe làn da cho người Việt. Dự án này vinh dự nằm trong viện sáng tạo của Harvard, Harvard Innovation Lab.