Hai nữ sinh Trần Thị Trang Ngân (11 Toán) và Nguyễn Hiền Thảo Chi (11 Anh) trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng) mới đây công bố sáng chế đồng hồ đa năng có tên là “Mind hand” hỗ trợ người câm điếc giao tiếp.
Đây là hiết bị được tích hợp kỹ thuật xử lý hình ảnh và âm thanh. Chiếc đồng hồ sẽ liên kết với điện thoại thông minh để chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc thành giọng nói và giọng nói thành chữ viết.
Đồng hồ "Mind Hand" gồm có 3 chức năng: Hiển thị giờ, báo rung khi có tiếng ồn xung quanh (tiếng trẻ con khóc, còi, báo cháy...), hiển thị chữ viết được chuyển hóa từ giọng nói. Nhờ đó, người câm điếc có thể thoải mái giao tiếp. Sản phẩm này trông không khác gì chiếc đồng hồ thông thường.
2 nữ sinh Hải Phòng và sản phẩm đồng hồ thông minh gây tranh cãi. Ảnh: VTV. |
Ngay sau khi công bố, cộng đồng mạng lập tức sôi sục, trầm trồ thán phục tài năng của hai nữ sinh bởi để ra một sản phẩm đầy phức tạp này, “vốn liếng” mà hai bạn có trong tay chỉ là ngôn ngữ Pascal, lập trình C và tự học thêm trên internet.
Tuy nhiên, nhiều người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) lại cho rằng, thật khó tin nếu đây là sản phẩm của học sinh lớp 11, bởi ngay cả dân công nghệ thông tin “xịn” tốt nghiệp ra trường và đi làm cũng khó có thể hoàn thành một sản phẩm khó và phức tạp như vậy.
Trên một diễn đàn về công nghệ thông tin, tài khoản Bao Nguyên đánh giá: “Như này thì chắc không cần phải học đại học làm gì nữa! Học ở trường Pascal với C với lên diễn đàn tìm hiểu đủ để sáng chế ra một sản phẩm. Mình có bằng kỹ sư mới ra trường mà cũng không thể làm được sản phẩm như thế này!”.
Bạn Du Thiên nhận xét: “Chỉ riêng xử lí hình ảnh, mình học cũng mất cả học kì. Chưa kể đồng hồ này còn có cả điện thử, android, xử lí âm thanh nữa, bằng cả một đề tài bảo vệ tiến sĩ chứ không đùa!”.
Trao đổi với Báo PNVN, anh Trần Văn Tuấn, cựu sinh viên ngành CNTT, trường ĐH Bách khoa TPHCM, hiện là lập trình viên cho một công ty về thương mại điện tử, cho rằng, đây là một dự án rất “khó nhằn”, đòi hỏi người làm vừa có kỹ năng phần cứng, phần mềm, vừa phải thiết kế, hàn nối được mạch chip.
“Các con chip giao tiếp với nhau rất phức tạp chứ không hề đơn giản. Tôi đã mua mạch về làm thử rồi nhưng không dễ chút nào vì ngôn ngữ lập trình quá khó, muốn làm được phải mất kha khá thời gian. Kể cả lên mạng tìm những mã phổ biến về để sử dụng, chỉnh sửa thì vẫn rất khó xử lý vì đòi hỏi nhiều kiến thức tổng hợp”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo Tuấn, học sinh lớp 11 nếu yêu CNTT thì vẫn đủ thông minh và độ nhạy để tạo ra được sản phẩm này nhưng vẫn phải có người hướng dẫn sát sao, “bài binh bố trận” kỹ lưỡng, cụ thể mới giúp các bạn hoàn thành được sản phẩm.
“Ngay cả các công trình bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học, chúng tôi đều nhờ sự hướng dẫn của các giảng viên mới ra được sản phẩm chứ khó có thể độc lập để hoàn thành”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Được biết, sau nhiều tranh cãi, một số tờ báo mạng điện tử đã xóa link bài viết về sản phẩm của hai nữ sinh trên. Facebook của hai nữ sinh này hiện cũng tạm khóa.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.