pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tránh ngay 9 cụm từ này nếu không muốn khiến người nghe phải "tăng xông"
"Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Chúng ta không chỉ truyền tải nội dung qua các câu nói mà còn gửi gắm cảm xúc của mình trong những lời nói đó. Đôi khi vì vô tình, ta có thể khiến người nghe cảm thấy không thoải mái hay thậm chí hiểu lầm suy nghĩ của bạn.
Đó là bởi có lẽ bạn đã thể hiện sự thờ ơ trong lời nói, thiếu đi sự tinh tế, khéo léo. Dưới đây là 9 cụm từ, câu nói rất phổ biến dễ khiến người nói bị mất điểm trong mắt những người xung quanh.
"Tôi đã bảo rồi", "Biết ngay mà!"
Cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra như ý muốn của ta hay theo đúng cách mà ta tính toán. Thêm nữa, con người không ai hoàn hảo, ai cũng có thể mắc sai lầm.
Khi thấy ai đó gặp chuyện không như ý muốn hay chính mình rơi vào hoàn cảnh không được như ý muốn, đừng nên trách móc hay đổ lỗi cho bất kỳ ai. Bạn cũng không nên nhắc đi nhắc lại chuyện quá nhiều lần và thể hiện rằng tại họ không nghe mình nên chuyện mới xảy ra như vậy. Điều đó chỉ khiến tình hình thêm tệ mà thôi. Hãy để họ tự nhận ra rằng bạn thông minh và biết nhiều thứ hơn họ.
"Ờ", "Ok"
Nếu miệng bạn nói đồng ý nhưng mặt không biểu lộ cảm xúc gì, vẫn tỉnh bơ thì người đối diện sẽ không khỏi nghi ngờ về độ khả thi của câu nói đó. Người đó sẽ không biết câu đồng ý của bạn có nghĩa rằng bạn đã nghe thấy và sẽ làm hay chỉ đơn giản là ừ cho qua chuyện. Lời đã nói ra nhất định nên được thực hiện, đừng thất hứa hay để người khác phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
"Xin lỗi nhưng nói thật nhé..."
Câu nói này khá phổ biến với nhiều người và chắc hẳn ai cũng biết đằng sau câu nói "Xin lỗi nhưng nói thật nhé..." là một ý kiến không hay ho gì. Có người cho rằng đây là một cách nói lịch sự song vì sao một câu nói xin lỗi đặt trước là bạn có thể thoải mái đưa ra những đánh giá xấu xí về người khác?
Không ai thích phải nghe những lời chê bai, chỉ trích như vậy. Bạn có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác lịch sự, tế nhị hơn để không khiến người nghe cảm thấy bị xúc phạm.
"Cậu không thích nó đâu", "Cậu không hiểu đâu"
Sao không nghĩ rằng sở thích của mình hoàn toàn có thể là sở thích của người khác nhỉ. Những câu nói như "Cậu sẽ không thích nó đâu" hay "Cậu không hiểu đâu" khiến người đối diện nghĩ rằng bạn đánh giá họ là người thiếu hiểu biết, thể hiện sự khinh thường chứ không phải quan tâm hay lo lắng. Đây là một lỗi khá phổ biến, bạn từng mắc phải hay bị nghe những câu nói ấy chưa?
"Cậu có nói gì với tớ đâu", “Cậu đã không bảo tớ như thế”
Chúng ta không phải là một chiếc máy và đâu ai có thể chắc chắn về tất cả những câu mình đã nói hay chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Thừa nhận việc mình đã quên điều gì đó hoàn toàn không phải là điều khó khăn gì.
Đừng phủ nhận hết lỗi lầm của mình bằng những câu nói như: "Cậu có nói gì với tớ đâu" hay “Cậu đã không bảo tớ mà". Mỗi câu nói phát ra có thể khiến đối phương tổn thương mà ta không hề hay biết. Hãy quan tâm đến cảm xúc của người kia nữa nhé!
"Tôi đang nghe đây", "Tôi hiểu mà"
Đối phương đang nói về một vấn đề gì đó với bạn và chờ sự phản hồi từ bạn. Thế nhưng thay vì lắng nghe những thông tin đó thì bạn lại thờ ơ nghe vì thấy chúng thật tẻ nhạt.
Vừa làm việc khác vừa nói: "Tôi vẫn đang nghe mà", "Cứ nói đi, tôi hiểu mà" là một điều hết sức bất lịch sự. Trong một cuộc hội thoại cần có người nói và người nghe. Hãy thể hiện sự tôn trọng và lịch sự. Mọi vấn đề cần được bàn bạc và có sự hợp tác từ cả hai phía thì mới nhanh chóng được giải quyết.
"Thoải mái đi!"
Không ít người nghĩ rằng những câu nói kiểu vậy là một lời an ủi. Tuy nhiên một câu an ủi hời hợt không đúng lúc chỉ khiến tình hình thêm tệ mà thôi.
Hành động này không khác gì bạn đang hạ thấp tính nghiêm trọng của vấn đề mà đối phương gặp phải thay vì cổ vũ hay giúp đỡ họ giải quyết vấn đề. Đừng nhắc đi nhắc lại khó khăn của đối phương mà hãy giúp họ cùng xử lý.
"Lại thế nữa rồi..."
Khi đối phương đang cảm thấy lo lắng và cần một cuộc nói chuyện nghiêm túc để tìm ra giải pháp cho vấn đề chung của cả hai, đừng bao giờ nói ra những câu như "Lại thế nữa rồi...", "Lại chuyện đó à". Câu nói này khiến người nghe cảm thấy sự bất hợp tác của bạn, nghĩ rằng bạn đang muốn thể hiện rằng mình mệt mỏi và không hề muốn nghe câu chuyện về chủ đề kia.
"Sao lại phải mua những thứ này? Chúng đắt lắm. Em thế là đẹp rồi..."
Bạn thực sự thấy người ấy của mình rất tuyệt hay chỉ đơn giản là thấy những món đồ đó quá đắt để người ấy dùng, cảm thấy phiền hoặc không muốn nửa kia của mình quá nổi bật?
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, đừng quá ích kỷ mà hãy biết đặt mình vào vị trí của người kia, nghĩ cho đối phương nữa. Nếu người ấy có điều kiện, hãy để họ tự thưởng cho bản thân những điều xứng đáng thay vì luôn đứng ra ngăn cản.