pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ ăn vạ, đừng cáu kỉnh mà hãy dùng ngay 7 cách này
Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng từng đau đầu khi chứng kiến cảnh một đứa trẻ ăn vạ, khóc lóc ầm ĩ vòi vĩnh vô lý. Những phản ứng bộc phát này phổ biến nhất ở lứa tuổi 1-3 tuổi. Đây được coi như cách để trẻ thể hiện cảm xúc của mình trong khi kỹ năng ngôn ngữ, diễn đạt chưa hoàn thiện.
Khi gặp tình cảnh này, lời khuyên cho các bậc làm cha mẹ là đừng nổi nóng, cáu kỉnh mà hãy kiên nhẫn sử dụng 1 trong 7 phương pháp đơn giản dưới đây.
1. Trẻ ăn vạ? Vậy cứ để chúng ăn vạ!
Cố gắng kết thúc cơn giận dữ của trẻ bằng cách nạt nộ, quát mắng hoàn toàn vô tác dụng. Tốt hơn hết là bạn nên ngồi yên và để trẻ la hét, khóc lóc đến khi chúng mệt và mọi thứ tự lắng xuống. Một khi cơn "ăn vạ" của trẻ đã ngớt, chúng sẽ thấy thoải mái và những lời căn dặn, dạy dỗ của bạn lúc này cũng có ý nghĩa hơn. Bằng cách này, chính bạn cũng kiềm chế được cảm xúc và bình tĩnh trao đổi với con về vấn đề chúng đang cảm thấy khó chịu.
2. Tách trẻ khỏi tình huống khiến chúng bộc phát cảm xúc tiêu cực
La hét, khóc lóc, giậm chân rất khác với hành động hung hăng, khi ấy trẻ bắt đầu đánh, cắn hoặc ném đồ vật. Đối với hành vi này, bạn cần tách trẻ khỏi tình trạng tiêu cực ngay lập tức và đưa chúng đến một nơi yên tĩnh hơn - trong trường hợp ở nơi công cộng. Còn nếu đang ở nhà, bạn có thể đến gần trẻ và giải thích bằng giọng cương quyết nhưng không cáu kỉnh rằng việc trở nên hung hăng như vậy là không tốt. Con có thể thể hiện cảm xúc, nhưng các hành vi liên quan thể chất như vậy hoàn toàn không thể chấp nhận được.
3. Thu hút sự chú ý của trẻ bằng một thứ khác
Trẻ em thường có khoảng chú ý rất ngắn, có nghĩa là chúng có thể quên những gì khiến chúng khó chịu chỉ trong vài giây. Vì vậy, chẳng hạn đặt ví dụ bạn và trẻ đang siêu thị, trẻ đòi mua đồ gì đó và ăn vạ khi bạn không đồng ý, bạn có thể khiến trẻ phân tâm bằng những món đồ khác. Bạn có thể đưa cho trẻ một đồ vật hoặc một món đồ chơi mà bạn biết rằng con bạn sẽ thích, hoặc đưa cho trẻ thứ gì đó trong cửa hàng mà chúng có thể sẽ quan tâm.
4. Khuyến khích trẻ ngồi yên một chỗ để lấy lại bình tĩnh
Đây là một phương pháp mà nhiều giáo viên mầm non làm theo, và các bậc phụ huynh cũng có thể áp dụng. Hãy dành ra một góc trong nhà làm "không gian yên tĩnh" của trẻ, đó có thể là chiếc sofa sát cửa sổ, là góc thảm với những cuốn sách, đồ chơi và vật dụng giải trí khác nằm xung quanh. Khi con bạn khó chịu hoặc tức giận, bạn có thể khuyến khích con ngồi vào đó và đánh lạc hướng chúng bằng các việc làm khác nhau. Ví dụ, nếu con thích vẽ, bạn có thể đưa cho con một cuốn vở và một vài chiếc bút, cách này sẽ giúp trẻ lại lấy bình tĩnh nhanh hơn.
5. Đưa ra giải pháp thay thế để bình ổn cảm xúc của trẻ
Trẻ em thường muốn làm những việc mà người lớn biết là nguy hiểm, nhưng trẻ em không hiểu điều đó. Chúng chỉ cảm thấy như bạn đang cố tình ngăn chúng làm việc mà chúng muốn làm. Vì vậy, thay vì nạt nộ trẻ không được làm gì, bạn có thể đưa ra cho chúng những giải pháp thay thế tương tự để trẻ coi đó là mục tiêu mới muốn hoàn thành. Nó có thể là phiên bản an toàn hơn của việc trẻ muốn làm và bản thân bạn thì có thể lập kế hoạch cho việc đó.
6. Đưa ra những lời nhắc nhở "cảnh báo" trước
Một điều khiến trẻ em cảm thấy rất khó chịu là khi bạn đột ngột kết thúc thời gian chơi của chúng mà chúng không hề được thông báo trước đó. Bạn không thể chỉ nói với chúng rằng 10 phút nữa sẽ về nhà, vì khi đang chơi, trẻ sẽ không có ý thức về thời gian nữa. Thay vào đó, bạn có thể nói rõ ràng hơn, chẳng hạn như trẻ có thể trượt thêm 2 lượt cầu trượt, lái thêm 2 vòng xe, sau đó ra về. Đây là điều mà trẻ có thể hiểu và sẽ nghe theo bạn dù có thể chúng vẫn muốn ở lại chơi.
7. Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề
Một trong những cụm từ phổ biến nhất mà trẻ thường nói khi khó chịu với người lớn là: "Con ghét bố/ mẹ!". Câu nói này dễ khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bị đả kích và nổi giận ngay tức ngay. Đây không nghi ngờ gì là hành động vô cùng sai lầm. Rõ ràng trẻ không thực sự có ý như những lời chúng nói ra, đó chỉ là cách chúng thể hiện sự thất vọng và mong muốn cảm xúc của chúng được thấu hiểu. Tốt hơn hết là bạn hãy kệ chúng và tiếp tục làm công việc của mình, chứ đừng cảm thấy khó chịu, tổn thương.
Nguồn: BrightSide