Phụ huynh luôn mong con được an toàn khi ở trường học. Ảnh minh họa internet. |
“Dẫu biết tai nạn này quá bất ngờ, nhưng không thể vì thế mà cho rằng, các cô giáo trông trẻ là… vô can” - bác Nguyễn Ngọc Linh, 65 tuổi, ở Hà Nội nêu ý kiến về việc cháu bé 3 tuổi ở Hà Giang bị chấn thương sọ não ở trường mầm non Hoa Sen - “Nhiệm vụ của các cô giáo mầm non là trông, giữ, chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ. Vậy, tại sao, ngay trong giờ học, các cô lại để một học sinh trong lớp dễ dàng “lọt” ra ban công chơi và trèo khỏi ban công trường học?”. Theo bác Linh, nếu các cô làm việc có trách nhiệm thì sẽ phải kịp thời phát hiện và gọi bé quay vào trong lớp.
"Rõ ràng, các cô giáo, các cấp quản lý của trường phải chịu trách nhiệm chính vì khi tai nạn xảy ra ở trường, thuộc phạm vi quản lý của các cô. Các cô nhận lương là để trông giữ trẻ. Còn các cấp quản lý phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn trường học. Tại sao nhà trường không cho lắp đặt chấn song chắn khoảng không trên phần ban công để trẻ có muốn nghịch cũng không thể trèo ra ngoài và bị tai nạn”, chị Hoàng Thu Trang (Q.5, TPHCM) chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thư, nguyên Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Sư phạm Nhà trẻ mẫu giáo Hà Nội: “Giáo viên mầm non thực sự là một nghề vất vả. Các cô luôn phải căng sức, căng tai, căng mắt ra để trông trẻ. Chỉ cần cô có một chút lơ đễnh, sao nhãng là có thể để xảy ra những sự việc đáng tiếc với trẻ”.
TS Nguyễn Mạnh Hà (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong một điều tra mới đây trên 333 giáo viên cho thấy 90,3% bị stress nghề nghiệp. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng T.Ư TP HCM cũng thừa nhận, tỷ lệ giáo viên mầm non đối mặt với stress cao hơn những người làm ở ngành nghề khác. Trong quá trình chăm sóc trẻ, giáo viên gặp nhiều tình huống như: Trẻ nôn ói, không chịu xúc ăn, nói chuyện và ngậm đồ ăn, nếu không có kỹ năng, các cô không dễ kiềm chế được cảm xúc dẫn tới đánh, mắng trẻ. Một số khác, do bận làm nhiều việc khác nhau như khi trẻ ăn xong thì dọn, vệ sinh lớp, kê dọn giường cho trẻ ngủ… nên có thể thiếu chú ý tới trẻ.
Nhiệm vụ của các cô giáo mầm non là trông, giữ, chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ. Ảnh minh họa internet. |
Tuy nhiên, bà Anh Thư cho rằng, đó chỉ là những yếu tố để dư luận thông cảm với vất vả của giáo viên mầm non, không được sử dụng để nguy biện, giải thích cho những tình huống như cô giáo bạo hành trẻ, hay thiếu quan sát dẫn tới trẻ bị tai nạn thương tích. “Chúng tôi thường nói với các giáo sinh là phải có những giải pháp để giúp mình làm tốt hơn công việc được giao mà không quá “tốn sức”. Chẳng hạn, các cô có thể chia nhau thành các ca, một cô đến sớm trực buổi sáng để đón trẻ thì cô kia ở lại muộn hơn để trả trẻ. Một cô dọn dẹp thì một cô trông, quản lý trẻ. Buổi trưa, các cô có thể chia nhau chợp mắt nhưng phải đảm bảo luôn có một người thức để canh chừng trẻ. Đặc biệt, các cô phải học tâm lý của trẻ, khi trẻ không ăn, hay quấy khóc thì phải hiểu trẻ đang khó chịu ở đâu thay vì chỉ biết cáu giận, tát, đánh để buộc trẻ ăn cho hết suất”.
Theo tâm sự của một hiệu trưởng trường mầm non ở Hòa Bình: “Nhiều khi chúng tôi rất mong muốn nâng cấp, cải tạo lại các lớp học để đảm bảo an toàn, môi trường học tập tốt nhất cho trẻ nhưng lại không có kinh phí. Vì thế, trong lúc trông chờ đầu tư của nhà nước, giáo viên chỉ biết căng sức ra trông coi, cảnh giới trẻ. Tuy nhiên, sức người cũng có hạn, nhỡ khi một lúc nào đó cô giáo chủ quan, sơ sẩy khiến tai nạn xảy ra thì các cô luôn là người khổ tâm và hứng chịu sự chỉ trích của dư luận nhiều nhất”.