Trẻ bị thiếu men G6PD có được uống Paracetamol không?

Hằng Trần
23/10/2020 - 09:00
Trẻ bị thiếu men G6PD có được uống Paracetamol không?
Theo BS. Đào Trường Giang (BV Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, nếu trẻ bị ốm và cần đi khám, bố mẹ hãy nói cho bác sĩ biết về tình trạng bé bị thiếu men G6PD để có thể cân nhắc đơn thuốc điều trị phù hợp cho trẻ, không được tùy ý sử dụng Paracetamol hay bất kì loại thuốc nào.

Theo các thống kê, ước tính trên thế giới có khoảng 400 triệu người phải đối mặt với vấn đề thiếu men G6PD. Trong 100 trẻ sơ sinh sẽ có khoảng 3 - 4 trẻ bị thiếu men G6PD. Tại Việt Nam, cứ 1000 trẻ thì có 4 trẻ mắc bệnh. Nhiều trẻ được phát hiện khi làm sàng lọc sau sinh, nhiều trẻ được phát hiện muộn hơn sau các xét nghiệm sau này, thậm chí có trẻ làm xét nghiệm gen để chẩn đoán bệnh khác mới vô tình biết đột biến gen gây thiếu G6PD.

Trẻ bị thiếu men G6PD có được uống Paracetamol không? Và đây là câu trả lời của chuyên gia! - Ảnh 1.

BS. Đào Trường Giang (BS Nhi khoa - BV Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội)

Men G6PD là gì?

Giải thích về men G6PD, BS. Đào Trường Giang (BV Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, men G6PD là viết tắt của men glucose-6-phosphate dehydrogenase. Đây là một men rất cần thiết để đảm bảo cho tế bào hồng cầu sống và làm việc bình thường. Nếu thiếu men này cộng với uống một số loại thuốc hoặc ăn một số đồ ăn có thể khiến các tế bào hồng cầu bị vỡ, nhẹ thì gây thiếu máu, nặng thì tử vong.

Người mắc bệnh thiếu men G6PD sẽ có tế bào hồng cầu rất nhạy cảm, dễ bị vỡ khi tiếp xúc với các tác nhân oxy hóa trong máu do người bệnh dung nạp vào cơ thể qua đường ăn uống, mắc bệnh nhiễm trùng hay tiến hành truyền dịch. Bệnh nhân sẽ dị ứng rất nặng với các loại đậu tằm.

Bệnh thiếu men G6PD là bệnh di truyền theo cơ chế lặn, do đột biến gen nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X, ở vị trí Xq28. Chính vì thế, bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bé gái, do bé trai chỉ có 1 nhiễm sắc thể X. Cha mẹ mang gen bệnh có thể di truyền cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp trẻ bị mắc bệnh trong khi cha mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen bệnh.

Làm sao để biết trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD?

Cũng theo BS. Đào Trường Giang, sàng lọc sau sinh (lấy máu gót chân) hoặc xét nghiệm định lượng men G6PD là các bố mẹ có thể biết trẻ có bị thiếu hay không.

Những trẻ thiếu G6PD có thể có một cuộc sống hoàn toàn bình thường, miễn là tránh các loại thuốc và thực phẩm có nguy cơ gây tan máu. Do đó, nếu trường hợp trẻ đang bị ốm, cần đi khám, bạn có thể nói cho bác sĩ điều trị trực tiếp của bé về tình trạng trẻ bị thiếu men G6PD để bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp.

  • Tham khảo thêm

    Men tiêu hoá là gì? Ai nên và không nên dùng men tiêu hoá?


Nếu không may lỡ uống phải thuốc có nguy cơ cao gây tan máu thì phải làm sao?

Trong trường hợp này, các bố mẹ cần phải theo dõi sát sao vì trẻ rất có thể bị đột ngột xuất hiện các dấu hiệu: sốt, vàng da, mắt vàng, nước tiểu vàng đậm, mệt mỏi, nhợt nhạt, xanh xao, mệt mỏi… Sau khoảng 1, 2 ngày trẻ sẽ bị thiếu máu nặng, tỏ ra vô cùng mệt mỏi, kèm theo các biểu hiện của suy gan, suy thận, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Do đó, BS. Đào Trường Giang khuyến cáo, nếu thấy các trẻ có dấu hiệu này hoặc bố mẹ không biết cách theo dõi thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức, bởi tình trạng của bé có thể trở nặng rất nhanh.

Trẻ bị thiếu men G6PD có được uống Paracetamol không? Và đây là câu trả lời của chuyên gia! - Ảnh 3.

Sau khoảng 1, 2 ngày trẻ sẽ bị thiếu máu nặng, tỏ ra vô cùng mệt mỏi, kèm theo các biểu hiện của suy gan, suy thận, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khi chăm sóc trẻ bị thiếu men G6PD cần lưu ý:

- Không cho trẻ ăn, uống các thực phẩm chống chỉ định với người thiếu men G6PD, những loại thuốc chứa những chất có thể gây tan huyết; 

- Không dùng băng phiến cho vào tủ quần áo, chăn màn, giường gối, đặc biệt là các đồ dùng của trẻ vì băng phiến có chứa chất oxy hóa; 

- Thận trọng khi cho trẻ sử dụng các loại thuốc nam, thuốc đông y vì có thể chứa chất oxy hóa; 

- Đối với trẻ bị thiếu men G6PD vẫn đang bú mẹ thì người mẹ không được ăn các thức ăn hoặc uống thuốc chứa chất oxy hóa vì các chất này có thể tác động đến trẻ thông qua nguồn sữa mẹ;

- Thông báo về tình trạng thiếu men G6PD của trẻ khi trẻ đi khám tại các cơ sở y tế. Không tự ý cho trẻ uống thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm