pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ bị viêm VA kiêng ăn gì để hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Bên cạnh những thực phẩm nên bổ sung cho trẻ bị viêm VA, có một số thực phẩm trẻ nên kiêng để giúp quá trình điều trị và hồi phục diễn ra nhanh chóng.
1. Viêm VA là gì?
VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng. Khi tổ chức này bị viêm và phát triển thành khối to (gọi là sùi vòm họng) sẽ gây cản trở đến việc hít thở không khí khiến người bệnh khó chịu và có thể gây ra một số biến chứng như viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa, …
Một số triệu chứng điển hình của viêm VA như sốt, ngạt mũi, sổ mũi, viêm họng, ... các triệu chứng nặng hơn có thể gặp như khó thở, viêm mũi họng, sốt cao, chảy máu, tắc nghẽn khí quản, ...
2. Trẻ bị viêm VA kiêng ăn gì
2.1. Muối
Muối là gia vị cần thiết trong chế độ ăn hằng ngày. Tuy nhiên, nếu dung nạp lượng muối quá nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Đối với trẻ bị viêm VA, ăn mặn sẽ gây ra hiện tượng tích lũy chất lỏng hay nói cách khác là thừa muối dẫn đến tích nước, làm cho tình trạng viêm phế quản nặng thêm và thúc đẩy quá trình gia tăng dịch nhầy. Vì vậy, trong khẩu phần ăn mỗi ngày, cha mẹ nên gia giảm lượng muối vừa đủ cho trẻ.
Trẻ từ 4 đến 6 tuổi không nên ăn quá 3 g muối/ngày. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi không nên ăn quá 2 g muối/ngày. Trẻ dưới 1 tuổi không nên bổ sung nhiều hơn 1 g muối/ngày.
2.2. Đường
Đường là một gia vị khá quen thuộc, bao gồm đường tự nhiên và đường bổ sung. Đường tự nhiên có trong các loại trái cây, rau củ quả và rất tốt cho sức khoẻ, bổ sung đường qua các thực phẩm này thường được ưu tiên.
Bánh kẹo ngọt hay nước ngọt là thực phẩm chứa khá nhiều đường bổ sung, nhóm thực phẩm này thường không tốt cho sức khoẻ, có những ảnh hưởng nhất định và góp phần gây ra một số bệnh tật. Khi bị viêm VA nếu người bệnh ăn quá nhiều đường bổ sung có thể làm gia tăng hiện tượng khó thở, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Vì vậy, nên giảm lượng đường trong chế độ ăn cho trẻ bị viêm VA, đặc biệt không nên cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, nước ngọt đóng hộp.
2.3. Đồ ăn cay nóng
Khi bị viêm VA nếu ăn đồ cay nóng rất dễ kích thích niêm mạc phế quản gây ho, khiến trẻ khó chịu. Đối với trẻ, các món ăn vặt như gà cay, hổ cay, ... thường được ưa chuộng. Vì vậy, cha mẹ không nên cho trẻ ăn những thực phẩm này khi bị viêm VA.
Hơn nữa, cũng cần tránh các loại thực phẩm có vị chua, chát vì chúng gây ra tình trạng khó long đờm và cản trở việc thở.
2.4. Tránh ăn đồ dầu mỡ và đồ ăn cứng
Trẻ bị viêm VA nên hạn chế ăn những món ăn nhiều dầu mỡ. Hầu hết nhóm đồ ăn này chứa nhiều axit béo no nên thường gây kích ứng và kích thích virus, vi khuẩn phát triển khiến bệnh lâu khỏi hơn.
Còn với các loại thức ăn giòn cứng phải kể đến như khoai tây chiên hay bánh mì ngoài việc gây kích ứng, ho thì những thực phẩm đó có thể làm gia tăng trầm trọng hơn tình trạng viêm nhiễm.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm như trái cây sấy khô, thịt bò khô, hạt điều, đậu phộng, … dễ gây ma sát với vòm họng, các thực phẩm chủ yếu rất khó nhai và nhai lâu làm kích thích niêm mạc họng khiến bệnh tình có thể trở nên nặng hơn. Vì vậy, trẻ bị viêm VA không nên ăn những thực phẩm này.
2.5. Thực phẩm chưa chín
Ăn chín, uống sôi và đảm bảo vệ sinh luôn là nguyên tắc hàng đầu giúp người bệnh mau hồi phục. Việc ăn những thực phẩm chưa chín kĩ rất nguy hại cho sức khỏe vì khi chưa chín thực phẩm có thể tiềm ẩn một lượng lớn vi khuẩn. Vi khuẩn khi xâm nhập vào vòm họng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
2.6. Tránh dùng đồ ăn, nước uống lạnh
Thức ăn chế biến sẵn hay thức ăn và đồ uống lạnh cũng không tốt cho người bệnh bị viêm VA. Đôi khi có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn mà không thuyên giảm.
3. Một số lưu ý khác khi chăm sóc cho trẻ bị viêm VA
Để giúp quá trình điều trị cho trẻ bị viêm VA nhanh chóng, cha mẹ nên lưu ý thêm một số vấn đề trong chế độ chăm sóc:
- Vệ sinh mũi họng thường xuyên, có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, ngăn ngừa vi khuẩn, virus phát triển và tiếp tục gây bệnh cho trẻ, gây ra tình trạng bội nhiễm.
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là vùng cổ khi trời lạnh
- Bổ sung những thực phẩm loãng, giàu vitamin, chia nhỏ các bữa ăn cho trẻ.
Trên đây là những thực phẩm trẻ bị viêm VA nên hạn chế bổ sung. Nếu tuân thủ chỉ định điều trị từ bác sĩ, chế độ ăn uống phù hợp, trẻ bị viêm VA nhanh chóng hồi phục và ít gặp các biến chứng. Nếu trẻ bị viêm VA gặp những triệu chứng bất thường hoặc bệnh không thuyên giảm, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện sớm để được can thiệp kịp thời.