Trẻ chậm nói đôi khi do chính cha mẹ, hãy làm việc này ngay từ khi lọt lòng để bé học nói nhanh

BS Anh Nguyễn
09/12/2020 - 15:39
Trẻ chậm nói đôi khi do chính cha mẹ, hãy làm việc này ngay từ khi lọt lòng để bé học nói nhanh
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói là do bé không có đủ thời gian giao tiếp với cha mẹ.

Trẻ có thể bắt đầu học nói ở những thời điểm khác nhau sau 1 tuổi. Gần đây, với nhiều lí do, có đến 10% trẻ có thể xuất hiện hiện tượng chậm nói. Nếu vấn đề này được phát hiện và hỗ trợ sớm sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường.

Các bé bị tự kỉ, có vấn đề về thính giác hoặc chậm phát triển não bộ có tỷ lệ cao xuất hiện chậm nói hoặc gặp vấn đề phát âm. Các bé này cần được quan tâm theo dõi và điều trị để cải thiện khả năng ngôn ngữ càng sớm càng tốt.

Những dấu hiệu chậm nói ở trẻ nhỏ

Trẻ khỏe mạnh bình thường: thường bắt đầu học nói khi bé từ 1 tuổi.

Trẻ sinh non: Có thể bắt nhịp trễ hơn lên đến 2 tuổi.

Nếu đến độ tuổi trên mà trẻ duy trì bất kì những dấu hiệu trì hoãn ngôn ngữ sau hơn 2 tháng, thì nên tư vấn các nhà liệu pháp trị liệu âm ngữ để được hỗ trợ.

Trẻ chậm nói đôi khi do chính cha mẹ, hãy làm việc này ngay từ khi lọt lòng để bé học nói nhanh - Ảnh 1.

Mẹ có thể dựa vào đây để xem con mình có chậm nói hay không?

Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói

Ngoài các vấn đề khiếm khuyết liên quan đến: Trẻ tự kỉ, khiếm khuyết thính giác, cơ hàm phát triển không bình thường hoặc não bộ chậm phát triển, hầu hết các trẻ chậm nói có thể do vài nguyên nhân sau:

- Không đủ thời gian giao tiếp với cha mẹ.

- Không muốn giao tiếp với cha mẹ vì không quan tâm đến giao tiếp. Vấn đề này thường gặp ở các bé "nghiền" các thiết bị điện tử sớm.

- Từng trải nghiệm 1 thời gian bị chia cắt với mẹ quá sớm và đủ lâu, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp.

Trẻ chậm nói đôi khi do chính cha mẹ, hãy làm việc này ngay từ khi lọt lòng để bé học nói nhanh - Ảnh 2.

Trẻ rất thích nghe giọng nói của mẹ và tất cả mọi người (Ảnh minh họa).

Làm sao để giúp ngừa hoặc cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ

Sự điều trị cần liên quan đến nguyên nhân gây ra. Các bé gặp vấn đề về khiếm khuyết, cần có sự hướng dẫn của chuyên gia chuyên khoa ngữ âm và tâm lý trẻ nhỏ.

Với các bé khác, nên hướng dẫn và khuyến khích bé giao tiếp bằng cách:

1. Từ khi 4 tháng tuổi, luôn nói với bé khi ôm bé, khi thay tã cho bé, khi cho bé bú, khi vuốt ve hay mát-xa bé. Bé thích nghe giọng mẹ nói từ độ tuổi này, sau 5 tháng bé thích nghe giọng của cha và mẹ. Và sau 6 tháng bé thích nghe giọng tất cả mọi người. Hãy luôn trò chuyện với bé, và khi nghe bé lặp lại từ đó thì cha mẹ cũng lặp lại từ đó 1-2 lần để cho bé nghe làm theo.

2. Trước 1 tuổi, bạn thường xuyên nói chuyện với bé, đọc sách của bé và khuyến khích bé phát âm. Từ phát âm có thể ngọng ngịu/khó nghe, bạn cũng giả giọng như vậy để khuyến khích bé nói.

3. Khi bé được 1 tuổi, bạn dùng từ có phụ âm (b, p, m, n, k) nói để bé học cách sử dụng phụ âm. Đọc sách có từ lớn, kèm hình ảnh trên mỗi trang là 1 cách tốt để khuyến khích bé nói theo.

Trước 1 tuổi, bạn có thể nói ngọng như bé cho bé thích thú những từ bé cố phát âm được.

Ví dụ: Trước 1 tuổi, bé nói "be", và chỉ vào hình em bé và bạn cũng nói "be", để bé hứng thú lặp lại. Nhưng sau 1 tuổi, bạn chỉ vào hình và nói là "bé".

Khi bé từ 1 tuổi, bạn tránh "nhại lại" những từ ngọng nghịu của bé hoặc nói bé nói sai, mà chỉ đơn giản nói lại từ đó với phát âm đúng là được. Thời điểm này, bé cần bắt chước chính xác các âm của 1 từ.

Trẻ chậm nói đôi khi do chính cha mẹ, hãy làm việc này ngay từ khi lọt lòng để bé học nói nhanh - Ảnh 4.

4. Từ 15 - 30 tháng tuổi: Bạn nên hỏi bé những câu hỏi khi đọc truyện cho bé nghe, để bé có thời gian suy nghĩ (khoảng 10 giây) trả lời. Hoặc có thể nói câu cầu khiến như "nhặt gấu Teddy lên", "mẹ đóng cửa sổ " hoặc "đến giờ ngủ rồi". Đừng quá lo lắng hay cảm thấy stress khi bé không muốn lặp lại hoặc không nói theo. Đơn giản là bé chưa biết cách nói như thế nào, bé sẽ phải học hỏi nhiều lần và bắt chước rất nhiều lần để có thể ghép 2-3 từ với nhau.

5. Khi chơi với trẻ, kết nối sự tưởng tượng của trẻ với ngôn ngữ.

Quan sát trẻ chơi, lắng nghe trẻ nói, sửa âm trẻ và nói lại bằng 1 câu mô tả.

Ví dụ: Trẻ có thể nói "xe" (ý bé là xe hơi), bạn có thể lặp lại từ đó, mà thêm ngữ cảnh như "xe bự bành bành". Điều này cũng sẽ gia tăng cơ hội bé sử dụng phụ âm và ghép từ, rất hữu ích cho các bé từ 1,5 tuổi trở lên.

Cách hỗ trợ bé nói ngọng

Nhiều cha mẹ lo lắng khi trẻ nói "ngọng". Thực tế nói ngọng có thể tự sửa sau khi trẻ được 4,5 tuổi. Sau 4,5 tuổi nếu bé còn nói ngọng có thể cần hỗ trợ từ chuyên gia. Tùy theo mức độ mà sự can thiệp sửa cho bé lâu hay mau, nhưng hầu hết các bé đều sửa thành công hoặc chỉ để lại 1 vài âm không thể sửa được (không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng phát âm của bé).

- Khi bé nói ngọng 1 từ nào đó, bạn có thể để bé nói xong từ đó. Sau đó, nói lại cách phát âm đúng của nó. Đừng lo lắng, nếu bé không phát âm lại. Bé có thể chọn cách không nói hoặc không sẵn sàng nói lại. Trong trường hợp này bạn có thể kiên nhẫn đợi 1 dịp khác hoặc dùng 1 trò chơi "nhìn hình đoán chữ". Cho bé xem hình, hỏi từ đó.

- Đối với các bé lớn, cha mẹ có thể sửa phát âm sai của bé bằng 1 cái gương, chỉ bé xem cách bạn dùng lưỡi di chuyển như thế nào khi nói từ đó. Sau đó, yêu cầu bé nói lại và dùng lưỡi như bạn với sự hỗ trợ từ cái gương để quan sát và sửa. Tránh gây áp lực cho bé lên sự ngọng ngịu vì áp lực tâm lý và xấu hổ có thể cản trở việc sửa thành công của bé. Nếu cần giúp đỡ thì nên tư vấn chuyên gia.

Vài nét về tác giả:

Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".

Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm