pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ có cần học trước khi vào lớp 1 không? – Câu trả lời của giáo viên lâu năm khiến nhiều phụ huynh tỉnh ngộ
Khi trẻ bước vào lớp 1, nhiều cha mẹ băn khoăn việc có nên để trẻ học tập, rèn luyện trước không? Một số phụ huynh hy vọng con mình càng được học sớm càng tốt bởi khi lên lớp 1, con sẽ đọc thông viết thạo. Trong khi đó, một số phụ huynh khác lại cho rằng học chữ sớm sẽ khiến con bị thui chột hứng thú học tập. Để giải đáp thắc mắc có nên cho con học kiến thức trước khi vào lớp 1 hay không, các cha mẹ hãy theo dõi câu chuyện dưới đây.
Trần Trần, 5 tuổi (Trung Quốc) đang theo học tại một trường mẫu giáo tư thục. Mỗi ngày, cô bé cùng các bạn được cô giáo dạy 3-4 chữ và giao bài tập nhẹ nhàng vào buổi tối. Mẹ cô bé cũng thường dành thời gian hướng dẫn con học bài, hoàn thành bài về nhà mà cô giáo giao.
Thời gian đầu, mẹ Trần Trần không phản đối việc con được học kiến thức như chữ cái, số đếm, cách ghép vần,... Nhưng trong những buổi trò chuyện cùng bạn bè gần đây, mẹ Trần Trần có chút do dự khi nghe tin con của một số người bạn còn chưa hề biết đọc, biết viết, làm toán trong phạm vi 10.
Một trong số những người bạn của mẹ Trần Trần hồ hởi chia sẻ: "Vợ chồng tôi chẳng có thời gian dạy con học. Vì thế, tôi cứ để kệ thằng bé, lên lớp 1 là tự biết mọi thứ thôi mà. Thêm nữa, quan điểm của gia đình là không giáo dục sớm, để con được thoải mái chơi đùa khi còn học mẫu giáo".
Người bạn khác lại tâm sự: "Tôi không muốn con mình bị tụt lại so với các bạn. Vì thế tôi chú trọng dạy con trước. Tôi không áp đặt, thúc ép con học nhiều nhưng con cần nắm được những kiến thức cơ bản. Tôi nghĩ nếu giúp con học trước, con sẽ học tốt hơn khi lên lớp 1".
"Trước đây, con tôi cũng theo học trường mẫu giáo tư thục. Giáo viên đặc biệt chú ý đến việc dạy trẻ nhận biết mặt chữ và số đếm. Bây giờ con đã vào bậc Tiểu học. Vì được học trước nên con tiếp thu bài rất nhanh, được thầy cô ngợi khen. Đặc biệt, con phát triển tốt về mặt ngôn ngữ", một phụ huynh khác cho biết.
Trước những tranh cãi của các bậc phụ huynh, một cô giáo giảng dạy bậc Tiểu học có nhiều năm kinh nghiệm đã chia sẻ 3 điều quan trọng sau.
1. Từ 2 – 7 tuổi là giai đoạn "vàng" để trẻ học tập
Theo quan điểm của nhiều phụ huynh, học tập là điều rất khó khăn, trẻ còn nhỏ sẽ khó tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, với những đứa trẻ ham học hỏi, khám phá nếu được cha mẹ đưa ra định hướng sớm sẽ giúp trẻ học tập dễ dàng.
Trên thực tế, từ 2 – 7 tuổi là giai đoạn "vàng" để trẻ học cách đọc, cách viết. Có bao giờ phụ huynh quan sát, trẻ thường rất thích thú trước những dòng chữ đa sắc màu trên biển quảng cáo ngoài đường phố? Đây là biểu hiện của việc trẻ thông minh, lanh lợi, có thể tiếp thu kiến thức nhanh.
2. Trẻ được hướng dẫn học trước ở mẫu giáo sẽ phát triển nhanh khi lên bậc Tiểu học
Nếu trẻ không biết đọc, biết viết ở mẫu giáo thì dễ gặp khó khăn trong việc học khi vào lớp 1. Bởi môn học nào sau này cũng đòi hỏi khả năng đọc văn bản để hiểu rõ về nội dung, yêu cầu. Việc đọc thạo là cơ sở để trẻ tiếp thu kiến thức các môn học.
Đặc biệt, ở bậc Tiểu học, phần đọc và viết là kỹ năng quan trọng mà trẻ cần trau dồi. Vì thế, nếu trẻ không được rèn luyện trước, trẻ sẽ khó theo kịp tiến độ học tập của lớp 1. Điều này khiến trẻ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, áp lực.
3. Những điều cha mẹ cần lưu ý khi hướng dẫn con học trước ở bậc Mầm non
- Khơi dậy hứng thú học tập cho con: Khi con có ý thức muốn học chữ, ghép vần hay đặt phép tính, cha mẹ không được làm ngơ và bỏ qua vì thiếu kiên nhẫn. Cha mẹ cần có sự hướng dẫn, trao đổi tích cực để trẻ bắt đầu làm quen với mặt số, mặt chữ. Mỗi khi trẻ đưa ra những câu hỏi tưởng chừng như vớ vẩn, ngô nghê, cha mẹ hãy giải đáp cặn kẽ.
- Không ép trẻ học tập quá nhiều: Xét cho cùng, ở giai đoạn mầm non, trẻ vẫn cần dành nhiều thời gian cho hoạt động vui chơi. Việc học trước là tốt nhưng không nên vượt quá khả năng của trẻ. Nếu cha mẹ thúc ép trẻ học nhiều chữ hay ngồi cả buổi để luyện viết, trẻ sẽ chán nản, không muốn tiếp tục học và có thể sợ hãi mỗi khi ngồi vào bàn học. Bắt trẻ học quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiếp thu kiến thức sau này của trẻ.
- Động viên, khen ngợi trẻ kịp thời: Khuyến khích, động viên và dành những lời khen là cách tạo động lực giúp trẻ học tập hiệu quả hơn. Khi trẻ ghép vần hay đặt phép tính đúng, cha mẹ đừng quên dành cho trẻ những lời khen. Điều này giúp trẻ cảm thấy tự tin, hãnh diện và không ngừng cố gắng hơn. Ngược lại, khi trẻ quên mặt chữ, chưa biết cách ghép vần, cha mẹ không nên trách móc. Hãy dành những lời động viên để trẻ có thể làm tốt ở lần sau.
Việc học trước của trẻ mầm non không nên quá gò bó. Phụ huynh cần nắm được khả năng tiếp thu của trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp. Hãy biến hoạt động luyện chữ, tập đọc trở nên thú vị, từ đó trẻ sẽ dễ dàng hợp tác và nhanh chóng có sự tiến bộ.