Trẻ em - nạn nhân đau khổ nhất trong chiến sự ở Yemen

Nhu Thụy
02/09/2021 - 06:30
Trẻ em - nạn nhân đau khổ nhất trong chiến sự ở Yemen

Trẻ em Yemen bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng

Theo Liên hợp quốc, có khoảng 4 triệu người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, mất đi nhà cửa, phải đi tị nạn và sống trong hoàn cảnh rất khó khăn do cuộc chiến kéo dài suốt 7 năm qua ở Yemen.

Cuộc nội chiến dai dẳng

Yemen rơi vào nội chiến từ tháng 9/2014, khi nhóm Houthi dòng Shiite với sự hỗ trợ của các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh chiếm Thủ đô Sanaa, buộc Tổng thống đương nhiệm Abdrabbuh Mansour Hadi phải lưu vong. Đây chính là ngòi nổ cho cuộc xung đột phức tạp và tàn khốc, đẩy đất nước này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khiến hàng trăm nghìn người chết và bị thương.

Từ tháng 3/2015, tình hình an ninh tại Yemen xấu đi trầm trọng, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện các cuộc tấn công lớn đầu tiên tại nước này và liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu mở chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của phiến quân Houthi để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Mansour Hadi khôi phục quyền lực. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố một báo cáo cho biết, riêng trong năm 2015, cuộc xung đột tại Yemen đã cướp đi tính mạng hơn 900 trẻ em và làm hơn 1.300 trẻ khác bị thương. Từ cuối tháng 9/2019, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bớt tình trạng bạo lực.

Trẻ em - nạn nhân đau khổ nhất trong chiến sự ở Yemen - Ảnh 1.

Một em bé mồ côi khi nhà cửa bị bom đạn phá hủy

Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hồi cuối năm 2019 cảnh báo, nếu chiến sự tiếp tục kéo dài đến năm 2022, Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Nửa triệu người sẽ thiệt mạng, trong đó có hơn 300 nghìn người sẽ chết do nghèo đói, không được chăm sóc y tế và các nguyên nhân liên quan. Thế giới sẽ phải gánh vác một chiến dịch cứu trợ nhân đạo lớn hơn gấp nhiều lần kế hoạch cứu trợ Yemen trị giá 4,2 tỷ USD năm 2019.

Hồi đầu tháng 6/2020, Bộ Y tế Yemen đã công bố số liệu thống kê chính thức về số lượng trẻ em tử vong ở đất nước này do xung đột với một thông tin khá sốc: Ở Yemen, cứ sau 5 phút, có 1 đứa trẻ qua đời! Khi đó, Bộ trưởng Nhân quyền Muhammad Askar đã nêu ra 3 vấn đề lớn là nguyên nhân gây ra số lượng trẻ em tử vong cao ở Yemen. Trước tiên, sử dụng trẻ em làm chiến binh là hiện tượng phổ biến ở Yemen. Thứ hai, có rất nhiều bom mìn ở các vùng khác trên đất nước. Bị vướng mìn không phải là quân đội, mà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Thứ ba, dịch tả quét qua Yemen trong nhiều đợt. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn trẻ em. Công việc chống bệnh lây nhiễm cực kỳ khó khăn vì nó được coi là bệnh đặc trưng của đất nước và thường xuyên đến sau một mùa mưa kéo dài.

Cứ 10 phút có 1 trẻ em qua đời

Từ tháng 2/2021 đến nay, lực lượng Houthi đã tăng cường các nỗ lực nhằm đánh chiếm thành phố Marib, thành trì cuối cùng của chính phủ ở miền Bắc Yemen. Các cuộc giao tranh đã khiến hàng trăm người thuộc cả 2 phía thiệt mạng. Việc kiểm soát khu vực giàu dầu mỏ này sẽ giúp Houthi củng cố sức mạnh trước khi bước vào các vòng đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, cuộc xung đột cũng đã làm tăng nguy cơ xảy ra thảm kịch nhân đạo khi nhiều người dân Yemen đã phải rời bỏ khu vực để tránh giao tranh. Cuộc khủng hoảng nhân đạo sau đó được gọi là tồi tệ nhất trên thế giới.

Xung đột kéo dài 7 năm ở Yemen

Xung đột kéo dài 7 năm ở Yemen

Ngày 16/3/2021, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành cuộc họp trực tuyến về tình hình Yemen, đề nghị các bên chấm dứt hành động thù địch và đồng ý với lệnh ngừng bắn toàn quốc. Liên hợp quốc kêu gọi các bên không cản trở hoạt động nhân đạo nhằm giúp Yemen giải quyết nạn đói, bảo vệ thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cho biết, cam kết tài chính cho Yemen năm 2021 chỉ đạt 1,7 tỷ USD, chưa đạt 50% mức tài chính cần thiết cho năm 2021 và thấp hơn 1 tỷ USD so với năm 2020. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cam kết hỗ trợ Yemen.

Theo Liên hợp quốc, đến nay xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, phần lớn là dân thường, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Bất ổn ở Yemen có thể châm ngòi cho một cuộc chiến sắc tộc toàn khu vực. Với mâu thuẫn chồng chéo, các nỗ lực chấm dứt xung đột tại Yemen vẫn chưa có hiệu quả và hòa bình cho quốc gia này vẫn còn xa vời. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án các cuộc tấn công vào dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Mới đây, ngày 23/8, Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết cứ 10 phút lại có 1 trẻ em qua đời ở Yemen. Theo bà Henrietta Fore, ở Yemen, gần 21 triệu người, trong đó có 11,3 triệu trẻ em cần hỗ trợ nhân đạo để tồn tại. "2,3 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và khoảng 400.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Các em phải đối mặt với cái chết", bà nói.

Phụ nữ và trẻ em Yemen

Phụ nữ và trẻ em Yemen

Đại diện UNICEF cũng lưu ý rằng, có hơn 10 triệu trẻ em và khoảng 5 triệu phụ nữ ở Yemen không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Theo Liên hợp quốc, khoảng 4 triệu người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến suốt 7 năm qua. Những người đến trú ẩn ở trại tị nạn cho biết đến cả những điều kiện sống tối thiểu cũng không có. Cevhera er-Rai, một người dân tị nạn, cho biết: "Sống ở đây không phải là sống nữa: Không có gas, không có những điều kiện tối thiểu. Chúng tôi nên làm gì đây? Trời cứ mưa mãi, cái gì cũng ướt át. Lúa mì cũng ướt, củi cũng ướt, chúng tôi sống ra sao đây?".

Những người tị nạn cho biết: "Chúng tôi không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào ngoài một túi lúa mì do một nhà hảo tâm trao tặng. Chúng tôi chưa nhận được lều, thức ăn hay bất kỳ loại viện trợ nào cả", một người dân tị nạn khác nói.

Trước tình cảnh đó, Liên hợp quốc nhấn mạnh, cần có lệnh ngừng bắn toàn quốc để giải quyết những bế tắc hiện nay như việc đi lại vẫn bị hạn chế và các tàu chở hàng hoá nhập khẩu, dầu bị cấm ra vào cảng cũng như tạo xung lực cho việc nối lại đối thoại chính trị giữa các bên. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự, thúc đẩy các nỗ lực giải quyết những thách thức mà Yemen đang phải đối mặt, trong đó, nhấn mạnh không cản trở nhân đạo và bảo vệ dân thường.

(Theo UN, UNICEF)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm