pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ hay khóc đêm thiếu chất gì? Nguyên nhân trẻ khóc đêm mẹ nên biết
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bé, việc bổ sung chất dinh dưỡng bị thiếu sẽ ảnh hướng khá lớn đến giấc ngủ, là nguyên nhân khiến bé chậm tăng cân, kém phát triển về nhận thức, trí tuệ. Thậm chí, đó có thể là cảnh báo bệnh lý nguy hại cho sức khỏe.
Trong khoảng thời gian từ khi sơ sinh cho đến khi được 8 tuần tuổi, trẻ thường quấy khóc khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Hầu hết, trẻ sơ sinh đều quấy khóc đêm, tuy nhiên, qua độ tuổi sơ sinh, việc trẻ khóc đêm không rõ nguyên nhân khiến không ít các mẹ lo lắng.
Trẻ hay khóc đêm thiếu chất gì?
Vi chất vốn rất cần để bé phát triển khỏe mạnh. Thiếu các vi chất quan trọng là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị mệt mỏi, biếng ăn, ngủ kém, suy dinh dưỡng. Sức khỏe không đảm bảo cũng khiến trẻ ngủ không ngon, trằn trọc, nhiều bé hay giật mình khóc đêm. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ hay vặn mình khóc đêm, giấc ngủ chập chờn khiến bé khó chịu nên hay cáu gắt.
Thiếu các vi chất quan trọng là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị mệt mỏi, biếng ăn, ngủ kém, suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa
Theo các bác sĩ, trẻ hay khóc đêm thiếu chất sau đây:
- Vitamin D: Đây là vitamin đóng vai trò tối ưu trong việc giúp cơ thể của bé hấp thụ và phân phối phospho, canxi, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành các cấu trúc xương. Đối với trẻ nhỏ, thiếu vi chất như vitamin D sẽ gây nên tình trạng còi xương, chậm lớn. Dấu hiệu của thiếu vitamin D trẻ hay giật mình khóc đêm là khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ra mồ hôi trộm dù trời không nóng.
- Canxi: Là thành phần đặc thù cần có trong giai đoạn phát triển thể chất của trẻ, đóng vai trò quan trọng để cấu tạo nên xương và răng. Đồng thời, canxi còn giúp hệ miễn dịch cơ thể hoạt động tốt, giúp hệ thần kinh dẫn truyền tín hiệu. Khi bị thiếu canxi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương khiến vỏ não liên tục trong trạng thái hưng phấn, làm trẻ hay giật mình quấy khóc, mơ màng, bất an.
- Kẽm: Cũng tác động tương tự như canxi, tác động đến hệ thần kinh trung ương, điều hòa giấc ngủ. Do vậy, khi bị thiếu kẽm, trẻ thường có giấc ngủ thất thường, hay trở mình, vặn mình khóc đêm.
- Sắt: Tuy lượng sắt rất ít trong cơ thể nhưng nó lại rất cần thiết cho sự sống, sắt có mặt trong tất cả các tế bào và có nhiều chức năng khác nhau, đặc biệt là sắt mang đến chức năng vận chuyển oxy tới các tế bào dưới dạng Hemoglobin. Ngoài ra, Thiếu sắt, trẻ thường mệt mỏi, hay quấy khóc, chậm nhận thức, ít hoạt động.
- Magie: Là vi chất tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển hóa quan trọng đối với hệ tim mạch, thần kin. Nếu thiếu magie sẽ gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của trẻ như rối loạn nhịp tim, táo bón, cơ cứng cơ…khiến trẻ mệt mỏi, giấc ngủ không trọn vẹn.
- Vitamin B12: Đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành và phát triển hệ thần kinh. Khi bị thiếu hụt vitamin B12, trẻ sẽ khó ngủ, hay quấy khóc, tiêu chảy, chậm phát triển.
Nguyên nhân trẻ quấy khóc đêm mẹ nên biết
Ngoài nguyên nhân bé khó ngủ do thiếu chất, nhiều trẻ cũng thường khóc đêm không rõ nguyên nhân. Theo đó, trẻ quấy khóc về đêm có thể là do một số nguyên nhân sau:
- Không khí quá nóng/lạnh: Khiến thân nhiệt trẻ tăng giảm bất thường gây nên những phản ứng khó chịu.
- Môi trường bên ngoài tác động: Ánh sáng, tiếng ồn, bế ẵm bé quá chật khiến bé khó chịu. Đặc biệt, tiếng ồn bên ngoài thường khiến não bé liên tục bị kích thích và không thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi làm bé ngủ không sâu giấc.
- Bé cảm thấy không khỏe trong người: Ho, ốm sốt, mọc răng, đau bụng, đầy hơi, bị côn trùng cắn….là những nguyên nhân trẻ hay giật mình khóc đêm mẹ nên chú ý.
- Quần áo/tã lót bị bẩn, ướt: Da trẻ rất hay bị kích ứng và nhạy cảm nên nếu quần áo, tã lót bị ướt mà không được thay khiến bé cảm thấy khó chịu nên hay khóc đêm.
- Sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm khuẩn: Nhiều bé thường mắc phải các bệnh về hô hấp, nhiễm khuẩn làm bé bị buồn bực, quấy khóc.
- Trẻ bị hội chứng quấy khóc (khóc dạ đề): Khoảng 20% bé gặp phải hội chứng này, trẻ hay vặn mình khóc đêm, khóc dai dẳng và liên tục.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, nếu trẻ quấy khóc đêm dữ dội, kèm theo các triệu chứng khác ví dụ như: nôn, ưỡn người, khóc thét lên, bỏ bú và đi tiểu ra máu thì rất có thể là dấu hiệu trẻ bị lồng ruột. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa em bé đi cấp cứu ngay.
Cách khắc phục trẻ hay khóc đêm
Ngoài việc tìm hiểu trẻ hay khóc đêm thiếu chất gì để bổ sung, cha mẹ cần có những lưu ý sau để hạn chế hiện tượng khóc đêm của trẻ:
- Không vỗ lưng khi em bé đang giật mình khóc, chỉ dỗ dành nhẹ nhàng khi bé bật khóc to và những cử động mạnh.
Hiểu được nguyên nhân, mẹ sẽ không còn lo lắng vì trẻ khóc đêm. Ảnh minh họa
- Chú ý đến sự thay đổi bên trong cơ thể của trẻ như mọc răng, đầy bụng, ốm sốt…
- Không đắp quá nhiều chăn và mặc quá nhiều áo cho bé
- Không bật đèn quá sáng, không gây tiếng ồn to để bé không giật mình
- Bổ sung các vi chất quan trọng cho bé như vitamin D, canxi, sắt, kẽm, magie, vitamin B12…thông qua các loại thực phẩm.. Đối với vitamin D, nên cho bé tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, không để bé trong phòng quá kín, thiếu ánh sáng.
- Nuôi con bằng sữa mẹ từ sơ sinh đến 18-24 tháng tuổi là tốt nhất để trẻ không thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Bé hay giật mình khóc đêm có thể là do thiếu chất, cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cha mẹ cần phân biệt được hiện tượng khóc đêm với khóc do bệnh lý ở trẻ em và phải thật bình tĩnh để có những phương pháp xử lý đúng cách.