pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ lớn lên không lo ỷ nại nếu cha mẹ “kiểm soát” gắt gao ở 4 khía cạnh này
Bạn có biết, 75% nhà tuyển dụng quan tâm đến EQ hơn IQ, thậm chí 59% còn nói rằng họ sẽ không nhận ứng viên thông minh nhưng có EQ thấp. Nhưng trong quá trình giáo dục con cái, nhiều bậc cha mẹ đã vô tình ứng xử sai cách, điều này không những không cải thiện được trí tuệ cảm xúc mà còn ảnh hưởng đến sự trưởng thành và phát triển sau này của trẻ.
Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu từ nước Anh, trẻ em từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn quan trọng để hình thành nhân cách. Nếu cha mẹ hướng dẫn và giáo dục con đúng cách trong thời điểm này thì hiệu quả sẽ gấp đôi mà công sức bỏ ra chỉ còn một nửa.
Giáo dục trong giai đoạn này có thể rất đa dạng, như phát triển tình cảm, tính cách, nuôi dưỡng sở thích, thói quen sinh hoạt,... Bên cạnh đó, có 4 khía cạnh cần được kiểm soát để con phát triển EQ và hình thành tính cách tự lập.
4 khía cạnh này cần được "kiểm soát"
1. Đừng bao biện cho sai lầm của con
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng khi con làm sai mà không chịu thừa nhận mình làm thì đó là một kiểu khôn khéo, nhưng thực ra điều này rất sai lầm. Sau khi trẻ có những biểu hiện như vậy, cha mẹ không chỉ cần uốn nắn trẻ mà còn phải có thái độ nghiêm túc, với tư thế "Mẹ rất giận vì con đã làm như vậy", để trẻ phân biệt được đúng sai, học cách tự điều chỉnh, tự chịu trách nhiệm lần sau.
Đây là điểm mấu chốt trong sự phát triển tính cách của bé. Cha mẹ cũng nên làm gương và nói thật với con cái: "Con xem, bố đã làm sai thì phải chịu trách nhiệm, con cũng thế", để trẻ học được sự thật rằng sau khi lựa chọn, chúng phải gánh chịu hậu quả.
2. Đừng thường xuyên mất bình tĩnh
Nhiều bậc cha mẹ đã quen với việc trẻ giận dữ vô cớ, và họ cũng sẽ cáu kỉnh, bắt đầu diễn ra cảnh đánh đập, mắng mỏ con. Thực ra làm như vậy cũng chẳng ích lợi gì. Bé thường mất bình tĩnh một lúc, đồng thời sẽ quan sát phản ứng của bạn. Nếu cha mẹ cũng đáp lại bằng sự giận dữ, trẻ sẽ càng gia tăng hành vi bạo lực, chẳng hạn như ném đồ đạc, khóc lóc và lăn lộn trên sàn nhà.
Khi trẻ mất bình tĩnh, trước hết cha mẹ phải kiềm chế, nhiều trẻ nín khóc khi thấy cha mẹ phớt lờ. Sau khi trẻ chấm dứt hành vi, lúc này cha mẹ nên nói cho trẻ biết điều gì là sai, đồng thời lắng nghe con và thấu hiểu cho cảm xúc của con. Đứa trẻ sẽ hiểu ý kiến và mong muốn của mình được cha mẹ tôn trọng, dễ dàng hợp tác với người lớn những lần sau.
3. Đừng mềm lòng khi trẻ "dọa" bằng tiếng khóc
Khi gia đình cùng đi ra ngoài, thường thấy cảnh tượng như vậy: Đứa trẻ muốn một món đồ chơi, nhưng người mẹ từ chối, và trẻ khóc kiểu đe dọa cha mẹ. Nhiều phụ huynh sợ phiền phức lúc này sẽ thỏa hiệp.
Cha mẹ nên nói với trẻ rằng khóc cũng vô ích, tuyệt đối không nên mềm lòng. Hãy thử tỏ thái độ phớt lờ hành động của bé. Tốt nhất bạn nên để mặc con khóc, không dỗ dành, không quát mắng. Cha mẹ hãy ở gần bé, nhìn bé với nét mặt thản nhiên, tươi cười và nói là con khóc xong thì mình sẽ chơi tiếp. Đứa trẻ sẽ hiểu ra: Con làm điều này vô ích, thay vì vậy, hãy nói chuyện vui vẻ với cha mẹ. Làm như vậy rất hữu ích trong việc giúp trẻ nâng cao khả năng rèn luyện trí tuệ cảm xúc.
4. Đừng xem thường việc quản lý thời gian của trẻ
"Nhanh lên", "Con có biết mấy giờ rồi không", "Điều gì làm con mất nhiều thời gian như vậy"..., là những câu nói quen thuộc của phụ huynh để nhắc nhở con về khái niệm thời gian. Thay vì nói những câu trên, phụ huynh có thể dạy con cách quản lý giờ giấc ngay từ khi chúng còn nhỏ.
Cha mẹ có thể nói cho con biết tầm quan trọng của khái niệm thời gian, chẳng hạn như thiết kế một trò chơi, trong thời gian quy định nếu thắng sẽ được thưởng, nếu không sẽ bị phạt. Bạn có thể chuẩn bị cho bé một cuốn sổ hoặc cuốn lịch, hướng dẫn bé dùng bút màu, nhãn dán để trang trí, đánh dấu những ngày đặc biệt. Hoặc tạo ra các trò chơi thi xem ai sử dụng thời gian được giao để hoàn thành nhiều việc nhà nhất mà vẫn đảm bảo sạch sẽ.
Trẻ mẫu giáo có thể học quản lý thông qua yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ trong thời gian ngắn như mặc quần áo, dọn dẹp đồ chơi. Trẻ tiểu học có thể bắt đầu bằng cách đặt giờ làm xong bài tập về nhà hoặc công việc nhà.