pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ nhiễm siêu vi hô hấp: Những điều cần biết để bảo vệ
Thời tiết thay đổi thất thường, hệ miễn dịch yếu... làm tăng nguy cơ trẻ bị bệnh do các loại virus đường hô hấp gây ra. Vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ của trẻ, nhất là trong thời điểm giao mùa, cha mẹ nên có những biện pháp phòng bệnh tích cực.
1. Nhiễm siêu vi hô hấp là gì?
Nhiễm siêu vi hô hấp là bệnh do các loại virus đường hô hấp gây ra như virus hợp bào hô hấp RSV, Adenovirus, Rhinovirus - loại virus gây cảm lạnh, virus cúm, virus parainfluenza, metapneumovirus, coronavirus và bocavirus…
Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân hoặc những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường hay khi sức đề kháng của trẻ suy giảm.
2. Triệu chứng khi nhiễm siêu vi hô hấp là gì?
Hầu hết, siêu vi đường hô hấp thường ủ bệnh từ 1 đến 10 ngày, tùy thuộc vào loại virus mắc phải. Các triệu chứng khi nhiễm siêu vi đường hô hấp có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại virus gây bệnh và mỗi người có thể có những triệu chứng khác nhau.
Tuy nhiên, các loại virus đường hô hấp gây bệnh thường gây ra các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi, đau họng, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá...
Để chẩn đoán chính xác loại virus gây bệnh, cần làm các xét nghiệm liên quan. Bác sĩ có thể dựa vào một số triệu chứng lâm sàng, kết hợp với dịch tễ để đưa ra chỉ định về các loại xét nghiệm.
3. Nhiễm siêu vi hô hấp có nguy hiểm không?
Thông thường, khi trẻ nhiễm siêu vi đường hô hấp, chủ yếu các triệu chứng nhẹ như cảm lạnh hoặc cúm thông thường, trẻ có thể nhanh hồi phục khi duy trì chế độ chăm sóc tốt.
Tuy nhiên, nếu trường hợp trẻ có hệ miễn dịch kém, điều trị không đúng cách hoặc gặp một số tình trạng sức khoẻ khác, nhiễm siêu vi hô hấp có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm tiểu phế quản: là tình trạng sưng và tắc nghẽn trong đường dẫn khí nhỏ (tiểu phế quản) của phổi gây ra các triệu chứng như thở khò khè, đau họng, nghẹt mũi, ho... Tình trạng này thường xảy ra nhất ở trẻ nhỏ và trẻ dưới 1 tuổi.
- Viêm phế quản: đây là tình trạng sưng và tắc nghẽn đường dẫn khí lớn (phế quản) của phổi gây ho có đờm và khó thở. Bệnh lý này có thể xảy ra ở trẻ lớn hơn và người lớn.
- Viêm thanh khí phế quản: Bệnh lý này do nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm thanh quản (thanh quản) và khí quản (khí quản), triệu chứng điển hình của bệnh là khó thở, đặc biệt là vào ban đêm.
- Viêm phổi: là tình trạng viêm cấp tính của phổi do nhiễm trùng, các triệu chứng của bệnh bao gồm ho có đờm, sốt, ớn lạnh và khó thở. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng nghiêm trọng nhất ở trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ em và người lớn tuổi.
- Viêm xoang cấp tính: đây là tình trạng nhiễm trùng, viêm phần niêm mạc của mũi xoang.
- Viêm tai giữa: là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch.
- Viêm thanh quản: Tình trạng viêm nhiễm thanh quản và dây thanh quản gây mất giọng tạm thời.
4. Điều trị cho trẻ nhiễm siêu vi hô hấp như thế nào?
Nguyên tắc điều trị bệnh lý do siêu vi hô hấp gây ra thường tập trung điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, thông mũi..., cụ thể:
- Hạ sốt: Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, cha mẹ nên cho trẻ uống hạ sốt, kèm theo theo đó có thể chườm mát hoặc chườm ấm, cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ, bổ sung điện giải phòng tình trạng mất nước.
Lưu ý, đối với thuốc hạ sốt, có thể dùng paracetamol với liều 10-15mg/kg, cách 6 giờ mới dùng liều tiếp theo nếu trẻ sốt trở lại.
- Thuốc thông mũi: Hầu hết các virus hô hấp gây bệnh đều gây ra triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi. Để giảm triệu chứng và giúp trẻ dễ chịu, cha mẹ có thể dùng các loại thuốc xịt mũi cho trẻ như Naphazoline, Oxymetazoline Ephedrine...
- Kháng sinh: Trẻ nhiễm siêu vi đường hô hấp do virus gây ra, nên kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh. Kháng sinh chỉ dành cho những trường hợp nhiễm khuẩn. Do đó, nếu trẻ gặp các biến chứng liên quan đến bội nhiễm do vi khuẩn và có chỉ định từ bác sĩ mới nên cho trẻ điều trị bằng kháng sinh.
Ngoài ra việc sử dụng thuốc, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để làm giảm triệu chứng cho trẻ như:
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ với nước muối sinh lý để giảm tình trạng nghẹt mũi, hỗ trợ tiêu diệt virus, vi khuẩn.
- Dùng máy tạo độ ẩm giúp làm loãng dịch nhầy ở mũi, giảm triệu chứng sổ mũi và làm giảm ho.
- Xây dựng chế độ ăn uống giàu vitamin, kẽm, magie... để tăng cường sức đề kháng. Đối với trẻ nhỏ, ưu tiên những món ăn loãng, mềm hoặc băm nhỏ. Điều này sẽ giúp trẻ dễ ăn, dễ tiêu hoá hơn.
- Bổ sung nước đầy đủ, cha mẹ có thể cho trẻ uống nước lọc, sữa, nước ép trái cây...
5. Biện pháp phòng ngừa siêu vi hô hấp
Virus gây bệnh đường hô hấp dễ lây lan qua giọt bắn hoặc tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus. Do đó, để phòng ngừa bệnh do các siêu vi đường hô hấp này, mọi người nên áp dụng một số biện pháp như:
- Đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài, nhất là các khu vực đông người.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn.
- Khuyến khích trẻ không cho tay lên mắt, mũi, miệng ngăn ngừa virus xâm nhập và tấn công cơ thể.
- Cho trẻ tránh xa những người có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, đau họng...
- Đồ dùng cá nhân của trẻ như cốc, đồ chơi, bát, thìa... nên được dùng riêng biệt.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ với chế độ ăn uống giàu vitamin, kẽm, sắt...
- Tiêm phòng đầy đủ, một số loại virus đã có vaccine phòng ngừa như cúm...
- Ngoài ra, nếu trẻ đang bị bệnh, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà, tránh tiếp xúc với người khác để không làm lây lan virus ra bên ngoài.