Đôi khi, con nói dối vì có niềm mong ước được mẹ yêu. Ảnh minh họa internet. |
Vừa bước sang tuần thứ 2 của năm học, bé Huyền Thu hào hứng khoe với mẹ: “Ở lớp con học giỏi lắm. Lúc nào con cũng giơ tay phát biểu. Cô giáo khen con rất nhiều. Cô nói, tháng sau, cô sẽ cử con làm lớp trưởng…”. Nghe con gái có sức học trung bình khoe không “ngượng mồm”, chị Huyền Minh cũng hùa theo, khen con.
Thế nhưng, chị biết sự thật không phải thế. Kèm con học, chị biết con học kém. Các phép tính đơn giản con còn làm sai, viết chính tả vẫn còn mắc lỗi. Vốn không tạo áp lực cho con trong việc học, thế nên, chị rất bất ngờ khi nghe con "chém gió" về chuyện học. Việc nói dối của con diễn ra rất thường xuyên. Chị lo lắng, việc con nói dối như vậy có trở thành thói quen xấu và tạo nên tính cách không tốt của con.
Theo chị Kẩm Nhung, tác giả cuốn sách "Con là khách quý", nhiều cha mẹ thường phản ứng rất mạnh khi con nói dối vì cho rằng nói dối là hư hỏng. Thực tế, đối với trẻ, khả năng phân biệt đúng sai, phải trái không rõ ràng như người lớn. Trẻ có thể biết rằng nói dối là không tốt nhưng nó không nghĩ quá nghiêm trọng.
Trẻ nói dối vì nhiều lý do, có thể nó quá sợ hãi, nó muốn tránh nững hậu quả như bị phạt, có thể muốn bảo vệ ai đó, có thể vì muốn bố mẹ yên tâm nhưng trên hết trẻ nói dối vì không muốn làm bố mẹ giận dữ, mà muốn làm bố mẹ hài lòng.
Cha mẹ không nên phạt, cũng như giận dữ vì lời nói dối chứa những mong ước của trẻ. Ảnh minh họa internet. |
Nói dối dường như là cách để trẻ cố gắng xóa đi thực tế phũ phàng và làm cho thế giới vui vẻ trở lại. Trong lời nói dối của trẻ có sự ao ước, mong muốn được là một đứa trẻ ngoan, được mẹ yêu.
Chính vì vậy, việc trẻ nói dối thực chất không có gì đáng ngại vì trong lòng trẻ chỉ muốn làm bố mẹ hài lòng. Điều quan trọng là bố mẹ tạo điều kiện để trẻ nói sự thật và hiểu rằng việc nói dối là không nên và không cần thiết.
Chị Kẩm Nhung cho rằng, để tìm hiểu gốc rễ của việc trẻ nói dối, bố mẹ cần xem lại toàn bộ môi trường nuôi dưỡng trẻ. Nhiều bố mẹ quá khiêm khắc và đòi hỏi cao ở trẻ, trẻ không hoàn thành được, sợ bị mắng, nên nói dối. Khi đó, cần điều chỉnh kỳ vọng và từng bước giúp trẻ để trẻ làm được thay vì để trẻ cô đơn trong những khó khăn, không có cách giải quyết rồi lại phải nói dối.