Từ bữa phụ như sáng ăn cháo lúc 7 giờ, 8 giờ uống sữa, 9 giờ uống nước hoa quả xay, 10 giờ ăn bánh dinh dưỡng, 12 giờ ăn bữa trưa, rồi váng sữa, sữa chua… cứ như thế, chị ép con ăn từ sáng đến lúc đi ngủ. Càng ngày, bé càng sợ ăn và hay khóc mỗi khi bị ép ăn. Dần dần, đến bữa chính bé chỉ ăn vài thìa, có ép thế nào cũng nhất định không ăn nữa khiến chị Hoa hết sức buồn bực. Ăn suốt ngày như thế nhưng bé cũng không tăng cân như chị Hoa kỳ vọng, thậm chí càng ngày càng sút cân, xanh xao.
Không những thế, bé còn hay ốm vặt, khiến chị càng thêm mệt mỏi vì việc chăm bẵm con nhiều như vậy mà kết quả không đạt như y muốn. Ngày nào cũng theo “điệu nhạc” ép ăn, nôn trớ, ép ăn, nôn trớ… mà bé vẫn chẳng tăng lên được lạng nào mà ngày càng lười ăn hơn nữa. Đã thế, bé thường ngủ không ngon, hay tỉnh dậy giữa đêm và khó chịu, quấy khóc.
Đâu chỉ có mỗi việc này khiến chị Hoa bị stress mà còn vì việc dù đã chăm bé ăn hết sức như vậy nhưng con vẫn còi cọc khiến quan hệ gia đình chị còn trở nên căng thẳng, mẹ chồng chị luôn chê bai chị về cách nuôi con. Thực sự, chị Hoa đang cảm thấy vô cùng bất lực trước tình trạng này.
Thấy con không ăn, chị lại dọa nạt hay đánh mắng khiến cho bé càng ngày càng sợ chị hơn và mỗi một lần cho ăn là như cực hình đối với bé, tình trạng này cứ mãi tiếp diễn với điệp khúc: “Con có ăn không?”. Mãi đến khi chị đưa con đi viện vì những rối loạn tiêu hóa do chị ép con ăn liên tục mới làm cho chị tỉnh ngộ.
Bác sĩ Đào Thị Ngọc - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, chị lấy làm khó hiểu với cách cho ăn của các bà mẹ bây giờ. Với trẻ em một thời gian biểu ăn uống hợp lý là điều vô cùng quan trọng. Chúng không chỉ giúp trẻ có thời gian tiêu hóa hấp thu mà còn giúp cho trẻ hình thành những phản xạ có điều kiện của quá trình đói.
Với một thời gian biểu ăn quá dày và đậm đặc chất dinh dưỡng như trong trường hợp này sẽ khiến cho trẻ luôn trong tình trạng no bụng, chán ngán các thức ăn khác khi đến bữa ăn, giảm độ đa dạng thực phẩm trẻ có thể ăn. Không chỉ thế mẹ lại còn ép ăn dẫn đến trẻ sợ đồ ăn. Từ đó có thể dẫn đến giảm hấp thu các chất dinh dưỡng và nặng hơn là suy dinh dưỡng.