pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Trẻ thường cãi lời có phải là điều xấu?" - Nhà tâm lý học công bố 2 điều bất ngờ
Ảnh minh họa
Việc cha mẹ và con cái xảy ra bất đồng quan điểm là chuyện thường gặp trong cuộc sống. Khi ấy, giữa hai bên nổ ra những cuộc tranh cãi gay gắt. Ai cũng muốn bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình.
Về phía phụ huynh, từ trải nghiệm bản thân, họ muốn con thực hiện theo ý mình. Với họ, đó mới là sự lựa chọn sáng suốt. Nhưng những đứa trẻ thì không như vậy, trẻ cũng có suy nghĩ riêng và không ngừng đưa ra lý lẽ để chứng minh rằng mình đúng. Cuộc thảo luận càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn khi cha mẹ và con cái không có tiếng nói chung. Và kết quả thường là cha mẹ cáu giận, còn đứa trẻ buồn bã, chán nản vì thấy cha mẹ không hiểu mình.
Con cái thường cãi lời có phải là điều xấu?
Trước vấn đề trên, các nhà tâm lý học người Đức chỉ ra rằng, cuộc tranh luận giữa hai thế hệ là một bước quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Những đứa trẻ có thể thực sự tranh luận với cha mẹ là minh chứng cho sự tự tin, dũng cảm, bản lĩnh và có khả năng hòa đồng hơn trong cuộc sống sau này. Như vậy, không hẳn là trẻ đang cãi lời cha mẹ mà đơn giản đó là cuộc tranh luận chưa có tiếng nói chung.
1. Tranh luận giúp trẻ kiểm soát cảm xúc
Thông qua tranh luận, trẻ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Trong cuộc tranh luận, không chỉ cha mẹ cảm thấy bực bội, trẻ cũng cảm thấy thất vọng vì ý kiến, quan điểm của mình bị gạt bỏ. Khi cuộc trao đổi lên đến đỉnh điểm, có thể giữa hai bên có những lời nói gây tổn thương lẫn nhau. Lúc này, đứa trẻ phải cố gắng kiềm chế cảm xúc, kiểm soát lời nói và hành động của mình.
Khi tranh luận với cha mẹ cũng là lúc trẻ hiểu rõ những tính cách, bản ngã sâu bên trong con người. Đây là cách giúp trẻ tự hiểu chính mình. Chính vì vậy, hành động "trẻ cãi lời" trong mắt cha mẹ không hẳn là điều xấu mà còn là phương pháp giúp trẻ kiểm soát tốt bản thân.
2. Tranh luận giúp trẻ thành thạo các kỹ năng đối phó xung đột
Chỉ cần đứa trẻ không đưa ra những điều vô lý mà đang thể hiện mong muốn bản thân qua việc tranh cãi thì cha mẹ hãy cố gắng bình tĩnh. Lúc này, cha mẹ cần lắng nghe ý kiến, thay vì phán xét và cho rằng trẻ không biết gì.
Khi trẻ cãi lời cha mẹ cũng là cách giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ và đánh thức suy nghĩ, hành động "đấu tranh". Trong quá trình tranh luận, trẻ sẽ điều chỉnh lối diễn đạt, bày tỏ yêu cầu theo trật tự logic, nâng cao khả năng tư duy thông tin. Như vậy, trẻ mới có thể thuyết phục được cha mẹ đáp ứng yêu cầu mà trẻ đưa ra.
Nếu đánh giá theo góc nhìn tích cực, việc trẻ cãi, tranh luận mang lại nhiều ích lợi. Bởi sau này trưởng thành, trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều cuộc thảo luận, từ ở trường lớp đến ngoài xã hội. Và trẻ cần phải có kỹ năng, bản lĩnh, chính kiến của mình. Đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những điều mình cho là đúng thì dĩ nhiên không phải là điều xấu.
Một số nguyên tắc trong cuộc tranh luận
Ở nhiều gia đình Á Đông luôn tồn tại một quan niệm: Cha mẹ nói gì thì con cái phải nhất nhất nghe theo, không có quyền cãi lại. Nếu phản bác và tranh luận sẽ bị đánh giá là hỗn, không nghe lời. Điều này khiến cuộc tranh luận đi vào ngõ cụt, mâu thuẫn cứ thế âm ỉ, dẫn đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng căng thẳng, xa cách.
Vậy làm thế nào để cuộc tranh luận thành công nhất? Điều này phải đến từ cả 2 phía và có những nguyên tắc nhất định sau đây:
- Lịch sự và tôn trọng: Khi con bày tỏ mong muốn, cha mẹ không nên bỏ đi hoặc cắt ngang lời. Hãy bình tĩnh lắng nghe con và đưa ra ý kiến bản thân. Điều đó thể hiện sự lịch sự, thái độ tôn trọng trẻ.
- Rõ ràng và thẳng thắn: Nhiều cha mẹ không nghe lời con nói mà bắt con làm theo ý mình. Họ cũng không giải thích, không bình luận để con hiểu và khẳng định đó là cách "tốt nhất". Khi con cái bày tỏ quan điểm và hỏi nguyên nhân, trẻ chỉ nhận được sự nhấn mạnh của chữ "phải", không kèm theo lời giải thích. Sự áp đặt và không rõ ràng của cha mẹ có thể khiến cuộc tranh luận kết thúc trong sự khó chịu của trẻ. Cha mẹ có thể đang vô tình biến trẻ thành người không có chính kiến, không có khả năng phản biện và chỉ nghe theo lời người khác.
Còn về phía con cái, sự thẳng thắn, rõ ràng cần phải thể hiện ở chỗ trẻ bày tỏ được suy nghĩ và trình bày một cách mạch lạc. Giống như một bài văn nghị luận vậy, trẻ phải đưa ra đầy đủ luận điểm, dẫn chứng.
- Hợp tác và cởi mở: Chỉ có sự hợp tác và cởi mở giữa hai bên mới giúp cuộc tranh luận thành công. Điều này không chỉ khiến cha mẹ hiểu con hơn mà còn giải quyết được mọi khúc mắc trong lòng của đôi bên, không kéo dài mâu thuẫn.
Những nguyên tắc trên không chỉ áp dụng cho cuộc tranh luận của cha mẹ và con cái mà còn là yếu tố nền tảng quyết định sự thành công của các cuộc tranh luận khác.