Trẻ tự kỷ và 'luật chơi' 1 - 5

12/07/2016 - 17:29
Trẻ tự kỷ chơi 1 giờ với bố mẹ tốt hơn 5 giờ với chuyên gia, chia sẻ của một người cha đồng hành cùng con chữa bệnh tự kỷ.
Anh N.L.Đ, 30 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, không giấu nổi xúc động khi chia sẻ cùng các bà mẹ đang cho con học tại Công ty giáo dục Viet Clever (một trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ). Anh Đ. từng rơi vào tình trạng hoảng loạn khi nhận tin con trai 18 tháng bị tự kỷ. “Con được 18 tháng không nói từ nào, hay lặp đi lặp lại một hành động, đặc biệt khi giao tiếp bé không nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Với nhiều biểu hiện khác thường, gia đình cho bé đi kiểm tra và nhận được kết luận của bác sĩ như trên”, anh Đ. nhớ lại.

Mới có con đầu lòng, anh Đ. chưa có kinh nghiệm gì nên khi con bị như vậy, vợ chồng rất hoang mang. Ai giới thiệu có lớp nào tốt, vợ chồng anh lại đưa con tới. “Nhiều lúc tôi cũng nản lắm vì thấy con không tiến bộ nhiều. Thậm chí, có lần nghe mọi người ca ngợi cô giáo ở trung tâm nào đó tốt, tôi không còn “hào hứng” như trước. Nhưng rồi nghĩ lại thương con, vợ chồng động viên nhau tiếp tục điều trị cho con”, anh Đ. chia sẻ.

Sau nhiều năm cùng con điều trị, đến nay bé nhà anh Đ. hơn 4 tuổi đã biết trả lời những câu đơn giản, biết lắng nghe người xung quanh. “Khi con cất tiếng gọi bố, mẹ đầu tiên, cả vợ chồng tôi sung sướng quên hết mệt mỏi bao lâu”, anh Đ. xúc động.
dy-tr-t-k-chi-lun-phin.jpg
Bố mẹ học cùng con tự kỷ là biện pháp điều trị tốt nhất
Một điều anh Đ. muốn chia sẻ với các bố mẹ có chung hoàn cảnh với mình đó là: Bố mẹ phải kiên trì, biết chấp nhận. Đặc biệt, bố mẹ đừng phó mặc cho các thầy cô. Nếu bố mẹ có kỹ năng chơi cùng trẻ tự kỷ, thì 1 giờ chơi cùng bố mẹ mẹ có hiệu quả tương đương 5 giờ với chuyên gia.

Cô giáo Nguyễn Thị Nha Trang, Giám đốc chuyên môn của Viet Clever thừa nhận, hiện có thể chẩn đoán nhầm trẻ tự kỷ. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, cũng như đến cuộc sống của các gia đình.

Để hạn chế tối đa việc chẩn đoán nhầm, cô Nguyễn Thị Nha Trang đưa ra một số nhận biết đơn giản nhất để xác định trẻ có bị tự kỷ hay không. Cốt lõi để xác định trẻ tự kỷ hay không là khả năng giao tiếp. Nếu trẻ vẫn chia sẻ, có tiếp xúc mắt 2 chiều hoặc 3 chiều thì cơ sở y tế dễ xác định, nhưng có trường hợp không rõ vì ở ranh giới giữa các chứng bệnh có cùng nhóm biểu hiện. Trẻ có một hoặc một số trong các biểu hiện như ít nói, tăng động, có vấn đề tâm lý như ngại tiếp xúc, hay lo sợ dễ bị xác định là tự kỷ. Trong khi nếu xem xét kỹ trẻ có thể mắc chứng chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ...

Người thân "cứu" con mình hiệu quả nhất

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch danh dự CLB Trẻ tự kỷ Hà Nội cho rằng, trẻ bị tự kỷ đòi hỏi thời gian điều trị dài, chi phí lớn đang là gánh nặng cho nhiều gia đình.

“Từ trước đến nay, nhiều gia đình khi xác định con mắc tự kỷ đã phó mặc cho các trung tâm, cơ sở điều trị mà không biết rằng cha mẹ chính là người cứu con mình ra khỏi tự kỷ tốt nhất. Với trẻ tự kỷ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chăm sóc sức khỏe và giáo dục, từ điều trị, giáo dục hướng dẫn thay đổi hành vi, trị liệu ngôn ngữ, tập luyện thể thao, tác động bằng âm nhạc… để giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ của các chuyên gia tự kỷ, cần có sự vào cuộc của cha mẹ. Bởi hơn bất cứ bác sĩ hay thầy cô giáo nào, cha mẹ là những người quyết định sự thành công vì họ có thể gần gũi, tác động tích cực thường xuyên, giúp trẻ tự kỷ tiến bộ” GS.TS Liêm nói.

Một thực tế nữa, hiện các trung tâm điều trị trẻ tự kỷ ngày càng nhiều, song tại một số trung tâm lại thiếu chuyên gia y tế. Các bệnh viện lại thiếu chuyên gia giáo dục. Do đó, những nơi điều trị trẻ tự kỷ mới dừng ở mức giáo dục để thay đổi hành vi, cảm xúc, chưa có một hệ thống điều trị đạt chuẩn.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, các cơ sở điều trị cần cung cấp các dịch vụ chuẩn mực cho trẻ tự kỷ và trang bị các kiến thức cần thiết cho các bậc cha mẹ có con tự kỷ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm