pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ tử vong do bị chó cắn: Ai chịu trách nhiệm?
Cháu bé 2 tuổi ở Thanh Hóa bị chó cắn gây thương tích nặng vùng đầu
Liên tiếp 2 trẻ tử vong liên quan đến chó, mèo
Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi L.B.T.(3 tuổi, trú tại huyện Quế Phong, Nghệ An) với những biểu hiện bệnh dại.
Gia đình cho biết, từ cuối tháng 2/2023, bé xuất hiện tình trạng nôn nhiều, nôn tự nhiên kèm co giật. Gia đình đưa trẻ tới Trung tâm y tế huyện Quế Phong cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, xuất tiết nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước.
Gia đình cho biết, trước đó, bé có tiếp xúc nhiều với chó, mèo nên bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc bệnh dại. Dù đã được bác sĩ cấp cứu nhưng bệnh nhi đã không qua khỏi.
Ngày 10/3 vừa qua, Bệnh viện này cũng tiếp nhận bệnh nhi V.Q.H. (9 tuổi, trú tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An) với chẩn đoán bị bệnh dại. Gia đình cho biết, bé có tiếp xúc với chó, mèo nhưng không được tiêm phòng vaccine dại. Bệnh nhi sau đó đã tử vong. Ngay sau đó, bệnh viện đã phát thông tin để cảnh báo người dân.
Ngoài những trường hợp kể trên, nhiều trẻ đã bị thương tích nặng do bị chó cắn mà nguyên nhân là do chủ nuôi thả rông, không rọ mõm vật nuôi. Theo các chuyên gia, trẻ em là đối tượng gặp nhiều nguy cơ bị chó, mèo cắn. Nguyên nhân là bởi các em thích động vật, chưa lường được nguy hiểm cũng như chưa có khả năng tự vệ.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận gần 200 trường hợp bị chó, mèo cắn; phần lớn trong số đó là trẻ em đến tiêm phòng dại. Trong đó, hơn 100 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm tỷ lệ 56%.
Trách nhiệm của người chủ khi nuôi chó, mèo
Từ các vụ việc chó, mèo cắn trẻ gây thương tích, dư luận đặt câu hỏi liệu chủ nuôi phải chịu trách nhiệm gì? Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Xoan (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay Việt Nam đã có nhiều văn bản, quy định trách nhiệm của người nuôi chó, mèo.
Cụ thể, theo quy định tại điểm Khoản 3, Điều 1, Quyết định 193/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, chủ nuôi chó phải thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã; đồng thời, cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình.
Bên cạnh đó, chủ nuôi chó còn phải thực hiện việc tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi của mình theo hướng dẫn của UBND các cấp. Còn theo Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, chủ nuôi sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 1-2 triệu đồng nếu không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng…
Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Xoan, trường hợp chó cắn người thì tùy theo mức độ chủ nuôi có thể bị xử lý về dân sự hay hình sự. Cụ thể, theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015: Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trường hợp chó cắn dẫn đến chết người thì chủ nuôi phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng và thiệt hại khác do luật quy định (Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015). Ngoài ra, chủ nuôi cũng phải chịu những trách nhiệm hình sự về tội "vô ý làm chết người" theo Khoản 1, Điều 128, Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là phạt tù đến 10 năm nếu để xảy ra hậu quả làm chết 02 người trở lên.
"Trong trường hợp người chủ nuôi thả rông chó, mèo, không thực hiện các quy định làm chó cắn chết người thì có thể bị phạt hành chính, bồi thường thiệt hại cho gia đình người chết hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Xoan nói.
Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này