pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trên xe lăn, nụ cười lạc quan vẫn nở
"Chị chụp các tấm hình bông hoa đẹp, vì mê hoa quá mà, rồi gửi vào 1 Fanpage chơi hoa trên mạng. Nhưng admin của Fanpage này đã nói người như chị đừng chụp và gửi nữa. Chị đành tìm niềm vui khác, quên đi những lời nói dễ làm tổn thương.
Đời vui rồi, mình cũng cứ vui thôi, có sao đâu!", chị Võ Hương Mai đón tôi trong căn nhà cấp 4 của chị nằm ở ngoại ô Vũng Tàu bằng câu chuyện như thế. Chị cười, nhưng trong khóe mắt có chút cay cay, tôi biết.
Lúc mới sinh ra, cô bé Hương Mai đã có cân nặng khủng, với 4.5 kg. Mai sở hữu làn da trắng, tóc đen mượt, mắt sáng long lanh. Mới 3 tuổi, nhưng Mai sổ sữa, hay ăn chóng lớn nên đã bằng những đứa trẻ lớn hơn cả 1-2 tuổi. Cô bé Mai ngày đó dễ thương lắm, trong ký ức của mẹ già.
Nhưng, vào 1 chiều đông Hà Nội lạnh ngắt, khi cha đi làm vắng thì Mai bị sốt nặng, co giật đùng đùng. Mẹ ở nhà chăm con gái sợ quá, không biết phải làm sao, cứ ôm chặt con vào lòng và run rẩy lo lắng.
Vài giờ trôi qua, cơn sốt tạm lui, bé Mai ngủ mệt li bì, thì người cha tan làm về nhà ẵm con. Ông nhận thấy đôi chân của con gái mềm nhũn ra nên vội vàng đưa con tới bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Nhưng tất cả đã quá muộn màng. Dù cha mẹ Mai đã bán tất cả những đồ đạc có giá trị trong nhà để chạy chữa cho con gái, gia đình đưa cô bé đi qua 7 bệnh viện lớn nhất miền Bắc lúc ấy, tuy nhiên đều không thể cứu chữa cho đôi chân của Mai. Bé Mai đã vĩnh viễn không thể chạy nhảy, đi lại được nữa. Năm đó là 1963…
Sau trận ốm sốt ấy, Võ Hương Mai nhanh chóng nhận ra sự khiếm khuyết của cơ thể mình. Nhưng hay nhất là cô bé không mặc cảm, tự ti, mà thích nghi nhanh với hoàn cảnh. Mai không đi chơi được nữa, nên dành thời gian để học và đọc rất nhiều sách. Cha là bác sĩ, mẹ là y tá, nhưng thời bao cấp lương bổng rất thấp, nhà lại đông con nên cuộc sống khó khăn. Mai chỉ quanh quẩn trong nhà, tu luyện tri thức cho bản thân bằng cách tiếp cận qua sách vở.
"Khuyết tật không phải là sự bất hạnh. Mà điều bất hạnh nhất là không có tri thức để nhận biết mọi lẽ đời", chị Võ Hương Mai chia sẻ câu chuyện đời mình trong khi tay vẫn thoăn thoắt pha nước, nấu ăn mời khách. Chị kể đã trải qua nhiều nghề để kiếm sống nhưng cuối cùng trụ lại ở nghề thêu hàng xuất khẩu. Là người khuyết tật, nhưng chị ngại nhất là ngồi nghe những lời nói than thân trách phận. Để giúp đỡ những người khuyết tật khác, chị và vài thành viên nữa xin thành lập Hội người khuyết tật.
Thời gian đầu tiên, nghĩ lại, sao mà khó khăn quá. Tới nhà vận động từng người khuyết tật tham gia, bản thân người khuyết tật rất thích những hoạt động xã hội, nhưng gia đình họ lại ngăn cản. Thậm chí khi chị Mai tới, có nhiều người còn chửi mắng, không cho vào nhà. Họ cho rằng người thân của họ bị khuyết tật rồi thì chỉ nên ở trong nhà thôi. Nếu tham gia các hoạt động xã hội, thì cả nhà lại rất lo lắng bởi không ai hình dung được các chuyện không may khác xảy ra bên ngoài ra sao. Lỡ có gì, thêm rắc rối nữa!
Song, Võ Hương Mai không nản. Chị đi tới đâu, mang lại nụ cười và sự lạc quan tới đó. Người dân ở Vũng Tàu đã quen với hình ảnh của chị, xăm xắn ngồi xe lăn, mà tới khắp nơi cùng chốn vận động người khuyết tật tham gia các hoạt động bên ngoài, để tinh thần và thể chất của người khuyết tật được tăng lên. Chị Mai thực sự là người truyền lửa thành công. Dần dần, số lượng hội viên tham gia càng ngày càng đông. Người này giúp đỡ người kia, quan tâm chăm sóc nhau, giới thiệu cho nhau những công việc phù hợp với sức khỏe và có thu nhập ổn định. Nhiều cô gái trẻ khuyết tật, trước đây tự ti về ngoại hình, nay được chị Mai động viên, tiếp sức, đã năng nổ ra ngoài, tìm thấy được nguồn vui sống.
Tháng 8/2004, Hội Người khuyết tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được đặt những viên gạch nền móng đầu tiên như thế. UBND tỉnh Bà RịaVũng Tàu có quyết định thành lập Hội Người khuyết tật chính thức, và chị Võ Hương Mai đã được bầu là Chủ tịch Hội Người khuyết tật của tỉnh. Năm 2011, chị chính thức được bầu vào BCH Liên Hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam.
Trong quá trình làm công tác xã hội, chị Võ Hương Mai cho biết không phải lúc nào cũng chỉ có hoa hồng và niềm vui. Với người khỏe mạnh còn gặp chuyện thị phi, mệt mỏi, huống chi người khuyết tật phải đối mặt thêm nhiều chuyện buồn khác.
Không chỉ có nhiều hoạt động tại địa phương và trong nước, trong suốt nhiều năm làm thủ lĩnh của Hội Người khuyết tật Bà Rịa-Vũng Tàu, chị Võ Hương Mai còn tham gia rất nhiều Hội nghị về người khuyết tật ở nước ngoài. Nghe chị chia sẻ về sự vượt khó của người khuyết tật trong nước, bạn bè quốc tế rất nể phục. Tại Đại hội Phụ nữ khuyết tật thế giới tổ chức năm 2011 và 2015 ở Seoul, Hàn Quốc, các bài tham luận của chị Võ Hương Mai đã khiến nhiều người cảm động. Người phụ nữ có nụ cười tươi tắn ấy đã mang lại sự lạc quan đến cho bất cứ ai có dịp trò chuyện và tiếp xúc với chị.
Ở trong căn nhà cấp 4 nhỏ xinh của chị Võ Hương Mai, rất nhiều bằng khen, giấy khen được xếp ngay ngắn thành từng lớp trên tủ. Đã không thể có chỗ nào treo được thêm nữa. Mỗi khi muốn coi lại kỷ niệm, chị Mai lại nhờ người thân đưa xuống dùm, để nhắc nhớ về các công việc và thời gian đã qua. "Dù vài năm nay sức khỏe đã không còn tốt như thời trẻ, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng tham gia công tác xã hội với mục đích mang lại lợi ích cho những người khuyết tật. Tôi vẫn luôn cố gắng, từng ngày, từng giờ...", người phụ nữ luôn cười đã nói như vậy. Và mọi người cũng vẫn luôn tin chị như thế.