“Chém gió” về công việc.
Vợ chồng Ly chỉ là nhân viên. Mức lương thực tế của cả 2 góp lại cũng chỉ vừa đủ chi tiêu trong 1 tháng, không hề có khoản thu nhập thêm. Vậy mà trong các câu chuyện với những người mới quen, thậm chí là với bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng, chồng Ly luôn "nổ" tưng bừng về việc anh có rất nhiều mối quan hệ làm ăn thêm ở bên ngoài, anh quen biết với nhiều “cốp”, khả năng kinh tế của gia đình tương đối dồi dào...
Chồng Ly luôn "chém gió" khoe khoang về các mối quan hệ “VIP”, những vụ làm ăn lớn
“Sĩ diện hão” về kinh tế.
Trong khi vợ phải chắt bóp từng đồng phòng khi ốm đau, lúc nhà có việc... thì chồng cứ tranh thủ vợ hở ra đồng nào là mang ngay đi mua giày dép, điện thoại, quần áo, xe cộ... để khoe ra cho mọi người biết mình là người sành điệu. Đặc biệt, nếu có ai đó quan tâm, hỏi giá cả, không bao giờ anh khai đúng mà thường “vống” giá tiền lên để chứng tỏ đồ mình dùng là đắt, xịn.
“Vay mượn” sở thích.
Chồng Ly ít khi động tay động chân vào việc nhà. Anh sống đơn giản, không có nhiều đam mê, sở thích đặc biệt của anh chỉ là ngủ. Ngay cả những thứ mà nhiều nam giới khác thích như ô tô, thể thao... anh cũng không ham. Nhưng khi ra ngoài, gia nhập một nhóm người mà mối quan tâm của họ là những chủ đề ấy, anh sẵn sàng tham dự một cách nhiệt tình. Anh có thể khoa chân múa tay và “chém” y như một chuyên gia khi nói về tầm quan trọng và những hứng thú khi thường xuyên chia sẻ việc nhà, nấu ăn cùng vợ, tự khoe về việc mình giỏi như thế nào khi chơi chim cảnh, chơi mô hình xe hơi, chơi cầu lông, tennis...
Nhiều khi Ly phát khóc vì tính thích "nổ" của chồng (internet)
***
Và hậu quả của thói quen thích “nổ”
Bạn Ly khi mua nhà thì người đầu tiên cô ấy gọi để vay một khoản tiền lớn là vợ chồng Ly. Đi chơi cùng một nhóm, lúc phải trả tiền, bao giờ mọi người cũng thẳng thừng đề nghị vợ chồng Ly là “chủ chi” vì “nhà có điều kiện”. Ông anh họ ở quê có con gái vừa tốt nghiệp, anh tìm đến tận nhà cô và tin tưởng giao phó một cách đầy hy vọng: “Cô chú quen biết nhiều, quan hệ rộng, dứt khoát chỉ cô chú mới lo tìm được việc làm cho cháu”. Có những người bạn chung thi thoảng lại nhắn tin, gọi điện nhắn nhủ “Khi nào vợ chồng mày lên đời điện thoại, quần áo... thì nhớ cho tao xin lại cái cũ!”. Khi các bạn Ly cần phải có khách mời để tham dự giải đấu đôi cầu lông, tennis, chơi chim cảnh... cũng đều nhờ Ly nói với chồng để anh tham gia cùng...
Không biết bao nhiêu lần, Ly thấy bực bội, giận chồng vì anh đẩy cô vào những tình thế dở khóc dở cười, phải nghĩ ra đủ mọi cách để từ chối, rồi phải chịu biết bao trách cứ của người khác. Cũng vì thói quen thích “nổ” của anh mà nhiều khi, ngay cả trong các cuộc trò chuyện giữa 2 vợ chồng, những chia sẻ riêng tư, cách anh bày tỏ tình cảm, sự bàn bạc một công việc trọng đại... đều khiến Ly phải “lăn tăn”, nghi ngờ tự hỏi: “Không biết liệu có thể tin tưởng ở anh ấy? Những gì anh ấy nói có bao nhiêu % là sự thật?”.
***
Một ngày nọ, sau khi cuộc xung đột kéo dài vì anh thích “nổ”, Ly đã quyết định ngồi gõ một lá thư dài gửi cho chồng. Cô thừa nhận anh có nhiều mặt tốt và cô vẫn còn yêu anh. Cô khẳng định những gì anh nói đôi khi là đùa, lạc quan tếu... song điều đó không phải là vô hại. Vì vậy, anh cần nhìn lại mình, có những thay đổi, chừng mực hơn trong từng câu chuyện, từng thông tin đưa ra. Nếu anh cứ tiếp tục sống như cũ thì sẽ cô vô cùng thất vọng, cảm thấy “tiếng nói”, “sự ra quyết định” của chồng trở nên “mất trọng lượng”. Mà theo cô, bí quyết cũng như nguyên tắc khiến vợ chồng chung sống với nhau được lâu dài, hạnh phúc chính là tôn trọng sự thật và lòng tin tưởng mà 2 người dành cho nhau.
Chữa “bệnh thích nổ” - Không nên nhầm lẫn khái niệm vui đùa, tếu táo với thói khoe khoang, nói không đúng sự thật. - Phải xác định “giang sơn khó đổi, bản tính khó dời” nên cần có sự góp ý về tính hay “nổ” một cách thường xuyên, khéo léo, tế nhị. - Vợ chồng nên thảo luận với nhau những bí quyết hay nguyên tắc về sự tin tưởng, tôn trọng sự thật để cùng gìn giữ gia đình. |