Trí tuệ nhân tạo mang gương mặt phụ nữ

26/10/2015 - 10:25
Một thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay đó là hầu hết các sản phẩm trí tuệ nhân tạo đều có giới tính nữ. Hẳn đây không phải là một điều tình cờ.
TÌNH CỜ HAY CÓ TÍNH TOÁN?
“Trí thông minh nhân tạo” (AI) với hiện thân gần gũi nhất là các “trợ lý ảo” trên những thiết bị di động. Hẳn nhiều “tín đồ công nghệ” đã quen thuộc với cô trợ lý ảo Siri của Apple, Cortana của Microsoft, cùng rất nhiều “thế hệ trợ lý ảo” đang được các hãng công nghệ khác phát triển.

 Trợ lý ảo Siri của Apple

Có thể nói Siri là một trong những thí dụ điển hình của AI. Tại Bắc Âu, tên gọi Siri để chỉ “một người phụ nữ đẹp sẽ đưa bạn đến thành công”. “Cô trợ lý” này có giọng nói cực kỳ dễ thương, không chỉ tạo cảm giác dễ chịu và an toàn cho người nghe, mà còn có sức thuyết phục ghê gớm. Được biết, giọng nói này thực ra là của một người phụ nữ Mỹ được biết đến với cái tên Samantha. Theo thông tin từ người phát ngôn của Apple, hãng đã mua lại Siri từ năm 2010 từ tổ chức nghiên cứu quốc tế phi lợi nhuận SRI. Mặc dù hiện tại, hãng cho người dùng điều chỉnh giọng nói của Siri có thể là nam hay nữ, hỗ trợ khá nhiều ngôn ngữ khác nhau, song các khảo sát cho thấy, số người sử dụng giọng nữ của Samantha chiếm tới hơn 80%. Một phần bởi chính cái tên Siri cũng đã… đầy nữ tính!
Đơn giản và gần gũi hơn, nếu bạn có dịp đi trên các tuyến tàu điện ngầm ở bất cứ quốc gia nào, bạn cũng đều có thể được “thưởng thức” những giọng nữ dịu ngọt trên hệ thống loa tự động thông báo các điểm dừng. Hãy thử tưởng tượng, nếu đó là giọng nam thì sẽ ra sao?
Không chỉ dừng lại ở các “trợ lý ảo” mà trong công nghệ chế tạo robot, nhiều nhà sáng chế cũng lấy cảm hứng từ những nguyên mẫu vốn là các phụ nữ dễ thương để tạo nên các sản phẩm. Điển hình như nhà nghiên cứu robot Hiroshi Ishiguro tại ĐH Osaka, Nhật Bản, đã tạo ra robot Repliee R1 lấy cảm hứng từ đứa con gái 5 tuổi của ông. Ngoài ra, Ishiguro còn phát triển mẫu robot Repliee Q1Expo được tạo hình theo nhân dạng của Ayako Fujii - nữ phát thanh viên trên đài truyền hình quốc gia Nhật Bản. Gần đây, Ishiguro còn phối hợp với hãng chế tạo robot Kokoro nhằm phát triển đội robot để phục vụ tại một khách sạn ở Nhật. Theo đó, đội robot này được tạo hình trông như 1 cô gái người Nhật và đảm nhận các công việc từ lễ tân, bồi bàn, quét dọn tới trực điện thoại.

 Robot Geminoid-F (trái) giống hệt người thật

Như vậy, có thể thấy việc “cài đặt” giới tính nữ cho các sản phẩm công nghệ là xuất phát từ những tính toán kỹ lưỡng của các nhà sáng chế, sản xuất, nhằm “lợi dụng” những thế mạnh của phái nữ để khiến cho sản phẩm của mình dễ dàng “chinh phục” thị trường hơn.
 
SẼ LÀ “XU THẾ BỀN VỮNG”?
Karl Fredric MacDorman, nhà khoa học máy tính đồng thời là chuyên gia giao tiếp con người - máy tính tại ĐH Purdue và ĐH Indiana (Mỹ) cho rằng: “Tôi nghĩ có một khuôn mẫu ở vấn đề lựa chọn giới tính nữ cho đa số các sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, việc đưa ra câu trả lời để lý giải câu hỏi này là điều không hề dễ dàng”. Ông đưa ra giả thuyết rằng, một trong những nguyên nhân ở đây là trí thông minh nhân tạo và những robot thường được thiết kế ra để thực hiện những nhiệm vụ có liên quan tới phụ nữ. Thí dụ, nhiều thế hệ robot được thiết kế ra với nhiệm vụ giúp việc, trợ lý cá nhân hoặc hướng dẫn viên tại bảo tàng… và đây thường là những công việc được làm bởi nữ giới.
Thêm vào đó, nhiều kỹ sư thiết kế ra các cỗ máy này là đàn ông. Mà “đàn ông luôn bị thu hút bởi phụ nữ và phụ nữ thì có thể dễ dàng thỏa hiệp với người cùng giới hơn”, theo lý giải của MacDorman. Để chứng minh lập luận này, MacDorman đã thực hiện 1 thí nghiệm khá đơn giản: Cho phát những đoạn video với giọng nói của nam và nữ, sau đó hỏi các tình nguyện viên xem họ thích nghe giọng nói nào hơn. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành các bài kiểm tra đo lường sở thích cũng như suy nghĩ nội tâm của các tình nguyện viên về giới tính của giọng nói. Kết quả cuối cùng, các tình nguyên viên thuộc cả 2 giới đều cho biết họ thích nghe giọng nói của nữ hơn!
Giáo sư nhân loại và xã hội học tại ĐH London (Anh) Kathleen Richardson cũng thừa nhận thực tế trên: “Khi nói đến giọng nói của một dạng AI vô hình, khả năng dùng giọng nói nữ có thể sẽ cao hơn so với nam”. Tuy nhiên, đi sâu vào lĩnh vực robot thì ông lại cho rằng: Nếu như người ta muốn tạo ra một robot thật ngoài đời mô phỏng đầy đủ các đặc tính của con người (humanoid), thì giới tính của nó hầu như luôn là nam giới. Còn nếu ngay từ đầu người ta đã quyết định thiết kế ra một robot nữ, thì hình dạng của nó phải là một cô gái trẻ đẹp, thu hút và được việc.
 

“Tôi nghĩ rằng điều này phản ánh những gì mà một bộ phận đàn ông đang nghĩ về nữ giới. Việc chế tạo robot mang hình hài và có giọng nói của phụ nữ sẽ tạo cảm giác ít đe dọa, có vẻ thân thiện hơn so với nam giới. Điều này cũng tương tự như tạo nên robot mang hình hài trẻ em”, Giáo sư Kathleen Richardson, ĐH London (Anh).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm