Anh biết Diệp qua facebook của một người bạn. Cô ấy hành nghề luật sư. Lúc đầu, anh thấy rất thích hình ảnh của cô cùng những lời bình luận sắc sảo, phản biện cao. Sau một thời gian âm thầm theo dõi, một ngày nọ, anh quyết tâm làm quen với Diệp qua tin nhắn. Sau lần ấy, phải chật vật mãi anh mới được cô đồng ý hẹn hò.
Thời gian yêu nhau, Diệp nhiều lần căn vặn, phản biện lại anh. Mỗi lần anh đưa ra một thông tin, sự kiện, dữ kiện, hành động, lời nói... là y như rằng Diệp không tiếp nhận nó một cách “đơn giản”, “một chiều”. Để mong thuyết phục được nàng, thành ra anh cũng rất hào hứng, rất sẵn sàng bỏ thời gian, công sức đấu trí.
Diệp luôn nghi ngờ khiến chồng cô mệt mỏi (Ảnh minh họa)
Đến khi cưới cô rồi, ngày ngày cả hai ăn chung, ở chung, đi làm chung đường, hẹn ăn trưa chung, đi chơi chung... mà Diệp vẫn hay căn vặn, nghi ngờ về những thứ xảy ra thường nhật trong gia đình, thì anh bắt đầu thấy mệt mỏi.
Diệp luôn nhớ chính xác từng khoản thu nhập của anh. Thỉnh thoảng anh lại thấy ví mình xộc xệch vì có dấu hiệu của sự giám sát. Nếu anh bất ngờ tiêu khoản gì đó mà chưa kịp kể là y như rằng cô đã thẳng thắn quy tội cho anh là: “Chỉ tiêu gì mờ ám thì mới phải lặng thinh như thế!”.
Có những ngày đi làm về muộn, anh mệt đến mức không thể tươi cười, không ăn được thì sẽ bị vợ quy kết: “Chắc là ăn nhậu ở ngoài với ai no quá rồi nên về nhà làm bộ khó ở, khó ăn? Hay là chán em rồi?”. Rút kinh nghiệm, lần sau, mệt, anh vẫn cố gắng gượng cười, cố gắng ăn nhiều, cố khen những món ăn vợ nấu thì lại bị nghi vấn: “Hôm nay anh đã làm gì có lỗi với em mà sao phải cố gắng tươi tỉnh để lấy lòng em như vậy?”.
Đặc biệt, vào những dịp phải đưa Diệp đi ăn cưới bạn bè, họp lớp, dự event của công ty… cô cũng luôn khiến anh thấy khó xử. Nếu anh vẫn giữ thái độ vô tư, tếu táo, thân mật trong giao tiếp với các bạn nữ, đồng nghiệp nữ thì sẽ bị Diệp nghi vấn: “Có mặt em ở đấy mà anh còn thế, nếu không có em thì anh với cô ta sẽ thân thiết đến chừng nào?”. Ngược lại, nếu anh tỏ ra chừng mực, khách sáo, lạnh nhạt thì lại bị nghi là: “Chỉ có gì đó mờ ám thì mới không được tự nhiên như thế?”.
Trong mối quan hệ với gia đình 2 bên cũng khiến anh nhiều lần “đau đầu”. Nếu anh quan tâm, biếu xén nhà ngoại đủ đầy, “nặng đô” thì bị Diệp suy ra là: “Nhà em anh cư xử thế này thì chắc bên nhà anh còn được ngầm cho nhiều hơn?”. Nếu anh chỉnh lại, thu hẹp sự quan tâm thì lại bị quy là “Không coi trọng nhà vợ”...
Anh đã không còn nhìn thấy ở Diệp hình ảnh nữ luật sư thông minh, sắc sảo mà thay vào đó chỉ là kẻ nhỏ mọn, đa nghi, hay suy diễn, khó chiều và giọng nào cũng nói được... Vì thế, việc vợ chồng cáu kỉnh, nghi kị, xung đột thường xuyên xảy ra. Điều tệ hại hơn là cả anh và Diệp ai cũng cho rằng phần đúng thuộc về mình. Chỉ đến lần căng thẳng kéo dài và trầm trọng tới mức anh cảm thấy không thể chịu đựng hơn được nữa. Anh cần một không gian riêng. Trước khi chuyển đến ở chung với người bạn độc thân, anh để lại lời nhắn: “Anh đã và luôn yêu em. Nhưng trong hôn nhân, nếu không biết cách sống bằng niềm tin tưởng, tránh sự suy diễn thì sẽ khó mà hạnh phúc được”.
Ứng phó với “một nửa” đa nghi - Cần xác định rõ ràng với nhau về niềm tin và sự tôn trọng là rất cần thiết trong hôn nhân. - Không nên nhẫn nhịn, chiều chuộng để theo thói đa nghi kéo dài. - Cần phân biệt rõ ranh giới của sự cẩn trọng, logic, phản biện khác với thói suy diễn, nghi ngờ. - Nên cố gắng rõ ràng, minh bạch với nhau trong mọi chuyện. |