Triển lãm "Không thời gian" cũng là nơi mọi thứ tưởng chừng như ngưng lại, nơi thời gian không thể tác động lên tinh thần hồn nhiên của những nghệ sỹ bé, chỉ còn tình yêu là không ngừng chảy mãi.
"Không thời gian" bao gồm các nhóm tác phẩm xoay quanh 2 chủ đề chính: Tình yêu và Vùng an toàn. Triển lãm trưng bày 11 tác phẩm của các nghệ sỹ bé có hội chứng tự kỷ trong lớp học nghệ thuật đặc biệt của Tòhe Fun: Nem (Hà Đình Chí), Văn Minh Đức, Phạm Bình Minh, Lee Nguyễn Sahae, Hoàng Dũng, Hoàng Phúc Đạt, Nguyễn Minh Sơn, Phạm Khôi Nguyên và tác phẩm từ các bạn nhỏ của trung tâm Tottochan được sắp đặt dưới chuỗi hoạt động tương tác, âm thanh, ánh sáng... và các trải nghiệm giác quan thú vị.
Các nghệ sĩ có tranh tại triển lãm này là Văn Minh Đức (sinh năm 1994), giống như đa phần những người mắc chứng rối loạn phát triển từ nhỏ, chàng trai 24 tuổi này không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ như một người bình thường. Kể từ tháng 6/2018, Đức trở thành nhân viên chính thức của Tòhe, được chấm công và khu làm việc của riêng minh.
Hàng tháng, bên cạnh tiền bản quyền tranh vẽ được ứng dụng lên sản phẩm của Tòhe, Đức còn được nhận lương và góp phần tự nuôi bản thân mình.
Tác phẩm “Âm thanh của màu sắc” của Đức tại triển lãm sẽ mang đến những bất ngờ và trải nghiệm thú vị cho người tham dự.
Nghệ sĩ NEM, tên thật là Hà Đình Chí, sinh năm 2005 tại Hà Nội với hội chứng rối loạn phổ tự kỷ và turner trẻ trai. Cậu tốt nghiệp cấp 1 tại Trường tiểu học Quảng An và hiện đang học tập tại nhà dưới sự hướng dẫn của gia đình.
Vẽ nét là nhu cầu của Nem giống như nhu cầu nói chuyện, là phương tiện để Nem biểu lộ cảm xúc, các suy nghĩ... Nem hiện sở hữu “gia tài” hàng nghìn tranh nét trên các khổ giấy các loại từ giấy một mặt tại nhà hàng ăn, vở học sinh, giấy vẽ xịn... và mấy chục tranh bột màu lẫn acrytic.
Nem là người tự kỷ đầu tiên ở Việt Nam có triển lãm cá nhân mang tên “Câu chuyện của Nem” tại Kai Art Center (Nghị Tàm, Hà Nội). Nem từng vinh dự được nhận quà tặng của Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam - bà Nguyễn Thị Hiền và quà tặng của Phu nhân thủ tướng Singapore - bà Ho Ching (vào tháng 3/2017). Tranh vẽ của cậu được các ứng dụng trên các sản phẩm thời trang và nội thất như lvy Moda, Tòhe. Tại triển lãm sắp tới, Nem có một tác phẩm tham dự với tên gọi “Sketch”.
Phạm Bình Minh (2003), được chuẩn đoán tự kỷ khi 2 tuổi. Khác với nhiều trẻ tự kỷ khác, Minh biết nói rất sớm. Em thuộc lòng rất nhiều bài thơ dài, những bài đồng dao mà em nghe được tử các anh chị hàng xóm... nhưng những lời nói của Minh chỉ là lời nói nhại lại người khác.
Tuy biết nói nhưng Minh không thể giao tiếp bằng ngồn ngữ ấy, khép kín trong thế giới của mình. Minh có niềm đam mê bất tận với thế giới động vật và làm giấy bồi rất siêu. Minh dùng giấy, băng dính, hồ dán để làm thành tượng các con vật. Những con vật như một cầu nối giúp Minh bộc lộ bản thân, vì vậy nhiều người nói rằng khi xem tượng Minh làm, các con vật đều như đang biết nói chuyện. Chúng chính là cánh cửa đi vào thế giới thực của Minh, và cũng chính là tâm hồn của cậu bé.
Phạm Bình Minh từng tham gia một số triển lãm: Khác biệt và tương lai (2015) do họa sĩ Lê Thiết Cương đỡ đầu - LACA 36 Lý Quốc Sư, Hà Nội; triển lãm Chạm (3/2017) do họa sĩ Lê Thiết Cương đỡ đầu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Trong triển lãm lần này, Bình Minh sẽ tiếp tục mang đến những tác phẩm giấy bồi ấn tượng với tên gọi “Tượng Bình Minh”.
Hoàng Phúc Đạt (2003) đến với Tòhe từ tháng 10/2018. Khi đó, 15 tuổi, Đạt thường sử dụng những từ ngữ khá “bạo lực” với mọi người, còn khi vẽ, cậu sẽ chọn những chủ đề liên quan đến cái chết hay giết chóc. Nhưng hiện tại, Đạt đã thoải mái hơn trong một không gian được lắng nghe và tôn trọng, cậu hợp tác hơn, vui vẻ hơn và điều kỳ diệu là các bức vẽ không còn là những chủ đề đầy ám ảnh mà là những câu chuyện mới: Thành phố của tương lai hay những lá cờ.
Đặc điểm trong phong cách vẽ của Đạt là nét. Cậu vẽ từng nét rất tỉ mỉ, ngay làng thẳng lối với các chi tiết rất nhỏ mà không cần dùng thước. Có lẽ đó là lý do có khi phải mất đến hàng tuần Đạt mới hoàn thành xong bức vẽ của mình và cậu đang rất háo hức để mang tác phẩm đến tham dự triển lãm. “Áo giáp” sẽ là câu chuyện của Đạt trong triển lãm “Không thời gian”.
Ngoài ra, còn rất nhiều nghệ sĩ tự kỷ với những phong cách nghệ thuật khác nhau cùng góp mặt tại triển lãm này.
Tại Việt Nam, theo ước tính của chuyên gia có hơn 1 triệu trẻ em mắc chứng tự kỷ tương đương với 1% dân số và con số này ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Nhiều người có xu hướng e ngại và coi người tự kỷ như gánh nặng cho xã hội nhưng qua triển lãm này, người xem sẽ thay đổi cách nhìn khi thấy trẻ tự kỷ có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, công việc và không phải là gánh nặng cho gia đình, xã hội.