pnvnonline@phunuvietnam.vn
Triệu chứng đau cẳng chân khi đi bộ hoặc chạy, bạn cần biết mình đang gặp phải vấn đề gì
Nguy cơ đi bộ hoặc chạy bộ sai cách sẽ dấn đến triệu chứng đau cẳng chân. Nếu gặp phải triệu chứng này rất có thể bạn đang gặp phải những vấn đề sau:
1. Đau xương cẳng chân (Shin splints)
Đây là bệnh xuất hiện khi cơn đau âm ỉ dọc mặt trước của cẳng chân tăng lên khi người tập vận động với cường độ cao như chạy hoặc bị đau phía bên trong xương cẳng chân kèm sưng nhẹ bàn chân.
Triệu chứng này thường xuất hiện đối với các vận động viên, vũ công và tân binh là những người có khả năng bị đau xương cẳng chân cao do có sự thay đổi hoặc tập luyện thể chất quá mức, gây ra những ảnh hưởng đến các gân và cơ, xương mô.
Các cơn đau xương cẳng chân thường tự hết sau khi bạn đi bộ, chạy bộ hoặc tham gia luyện tập thể thao. Nhưng nhiều trường hợp cơn đau xương cẳng chân có thể kéo dài và nặng hơn về đêm gây nên tình trạng khó ngủ hoặc mất ngủ.
Muốn giảm đau lúc này bạn cần phải tránh xa các hoạt động thể thao cường độ nặng hay mạnh có thể gây cơn đau kéo dài lâu hơn. Ngoài ra, việc thay đổi cách luyện tập bằng các bài tập nhẹ nhàng như tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp hoặc bơi lội có thể làm tình trạng đau cẳng chân được giảm bớt.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn khó chịu và đau có thể thử các loại thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen (Panadol), naproxen natri hoặc ibuprofen. Giảm sưng bằng cách chườm túi nước đá vào chỗ đau từ 15 đến 20 phút mỗi lần và khoảng 4 đến 8 lần mỗi ngày. Tình trạng đau cẳng chân sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần bạn có thể chạy trở lại bằng cách chạy chậm hơn và cường độ thấp hơn. Tuy nhiên nếu cơn đau cẳng chân tái phát bạn nên suy nghĩ đến việc chuyển qua một môn thể dục khác.
2. Gãy xương do căng thẳng (Stress fracture)
Tình trạng này xảy ra do bạn hoạt động quá mức và khi chơi những môn thể thao có các hành động liên tục, lặp lại nhiều lần như: bóng rổ, bóng đá, chạy, thể dục dụng cụ,... Trường hợp này xảy ra khi bạn gặp một số triệu chứng như đau âm ỉ ở vùng cụ thể trên cẳng chân kèm dấu hiệu bị bầm tím hoặc đỏ, sưng nhẹ.
Khi bị gãy xương do căng thẳng thì bạn cần giảm các hoạt động gây gãy xương cho đến khi bác sĩ điều trị cho phép tiếp tục thực hiện quá trình tập luyện. Thường thời gian phục hồi của tình trạng bệnh này có thể kéo dài từ 6 đến 8 tuần.
Ngoài ra, bạn có thể chườm đá vào vùng đau để giảm sưng và viêm. Sử dụng băng ép cẳng chân bằng băng mềm giúp giảm sưng. Lưu ý khi nằm bạn cần nhớ nâng chân lên cao hoặc sử dụng các vật dụng để chân lên cao hơn tim càng lâu càng tốt.
3. Hội chứng chèn ép khoang (compartment syndrome)
Hội chứng chèn ép khoang xảy ra do tình trạng cơ và thần kinh bị chèn ép mãn tính vì tập thể dục. Hội chứng này dễ xuất hiện ở những người tập thể dục hoặc vận động như: chạy bộ, các cầu thủ bóng đá, cầu thủ bóng rổ hay vận động viên trượt tuyết.
Triệu chứng của hội chứng chèn ép khoang khiến bạn có cảm giác đau hoặc bỏng rát, bị chuột rút, bó chặt, tê và ngứa ran hoặc thường xuyên bị yếu ở cẳng chân. Nếu gặp phải tình trạng trên bạn cần có thời gian nghỉ ngơi thích hợp, ngoài ra cần thăm khám bác sĩ để nhận chỉ định tập vật lý trị liệu, mang giày chỉnh hình hay uống thuốc kháng sinh và thực hiện phẫu thuật nếu cần thiết.
Nếu bị đau đột ngột hay dữ dội khi đi thể dục đi bộ hoặc chạy thì bạn rất có thể bị hội chứng chèn ép khoang cấp tính, điều này liên quan đến chấn thương và cần được cấp cứu ngoại khoa can thiệp.
Tập luyện thể dục điều độ, đúng cách sẽ giúp bạn giữ gìn sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe để phòng chống bệnh tật. Mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút để tập luyện, vận động, bạn có thể lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như tập yoga, đi bộ, đạp xe, bơi,... Tuy nhiên, không lạm dụng việc tập thể dục, không tập với cường độ quá cao, quá sức gây đau cẳng chân và những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.