pnvnonline@phunuvietnam.vn
Triệu chứng đau răng: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa
Triệu chứng đau răng là một biểu hiện rất thường gặp ở các bệnh lý khác nhau, bao gồm cả các bệnh lý tại răng và ngoài răng. Nó có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ đau nhẹ, âm ỉ cho đến đau mạnh, dữ dội, từng cơn.
Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng đau răng thường không gây nguy hiểm quá nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một vấn đề sức khỏe cần được bác sĩ can thiệp và xử lý kịp thời.
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể gây triệu chứng đau răng mà sẽ có các phương pháp điều trị và phòng tránh khác nhau.
1. Các nguyên nhân gây triệu chứng đau răng
Đau răng do các vấn đề nha khoa
Các vấn đề bệnh lý răng miệng là những nguyên nhân chủ yếu nhất gây nên triệu chứng đau răng trên thực tế.
Trong trường hợp này, cơ chế chủ yếu gây nên đau răng là do tủy răng bị kích thích. Bình thường, tủy răng nằm trong các hốc tủy của răng và được che phủ hoàn toàn. Vì một lý do nào đó khiến các đầu mút thụ cảm của tủy răng bị lộ ra ngoài hoặc kích thích sẽ gây nên các đáp ứng thần kinh và tạo cảm giác đau cho người bệnh.
Đọc thêm:
- 10 Dấu hiệu sâu răng dễ nhận biết và cách điều trị dứt điểm
- Sức khỏe răng miệng suy giảm có thể là dấu hiệu loãng xương ở người trẻ
- Sâu răng
Các mảnh vụn thức ăn qua các bữa ăn bám ở bề mặt răng bị acid hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau như vi khuẩn, nước bọt,... Hậu quả là làm thay đổi pH, bào mòn men răng và gây nên tình trạng sâu răng. Khi tình trạng sâu răng diễn tiến, lớp men răng ngày càng bị phá hủy và thâm nhập sâu vào đến các cấu trúc bên trong của răng như ngà răng, hốc tủy, tủy răng,...
Lúc này, các đầu mút thần kinh thụ cảm ở răng bị lộ ra ngoài và dễ dàng bị kích thích bởi các yếu tố như nhiệt độ, mảnh vụn thức ăn,... Thời gian bị sâu răng càng kéo dài thì tình trạng đau răng cũng càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Răng bị nứt, vỡ
Răng có thể bị nứt, vỡ do các nguyên nhân cơ học. Những tác động cơ học này có thể là các tác động mạnh mẽ và đột ngột trong các tai nạn, nhưng cũng có thể là các tác động nhẹ nhưng trong thời gian kéo dài chẳng hạn như nghiến răng khi ngủ, thợ may cắn chỉ,... Khi răng bị nứt, vỡ sẽ làm tổn thương hệ thống thần kinh tại răng và gây triệu chứng đau răng.
- Răng khôn
Răng khôn mọc lệch gây tổn thương nướu, gây kích thích hệ thống thần kinh tại răng và gây triệu chứng đau răng. Ngoài ra, sự tiếp xúc của răng khôn với các răng lân cận tạo nên các khe, kẽ. Đây là điều kiện thuận lợi để các mảnh bám thức ăn đọng lại khiến sâu răng xảy ra.
- Áp xe răng hoặc quanh răng
Một ổ nhiễm trùng kín tại răng hoặc các tổ chức quanh răng có thể gây đau răng dữ dội cho người bệnh. Nó gây phản ứng viêm, tạo nên các chất trung gian hóa học gây kích thích cảm giác đau. Nếu không được điều trị kịp thời, các ổ áp xe sẽ lan rộng, thậm chí gây nhiều hậu quả nguy hiểm.
- Răng nhạy cảm
Một nguyên nhân gây đau răng khác chính là do răng nhạy cảm. Ở những người bị răng nhạy cảm, lớp men răng bị bào mòn do một nguyên nhân nào đó chẳng hạn như lấy cao răng, thay trám răng, hoặc men răng bị bào mòn do thời gian,... Điều này khiến các dây thần kinh bị lộ ra ngoài, dễ gây kích thích và khiến người bệnh cảm thấy triệu chứng đau răng.
Đau răng do các nguyên nhân khác
Như đã nói, triệu chứng đau răng không không chỉ là biểu hiện của các bệnh lý tại răng mà nó còn có thể là biểu hiện của một bệnh lý ngoài răng. Chẳng hạn có thể kể đến bao gồm:
- Các bệnh lý đau đầu, đau nửa đầu.
- Viêm xoang hàm.
- Các bất thường tại khớp cắn.
- Bệnh lý ở các cơ giữa hàm và hộp sọ.
- Viêm dây thần kinh sinh ba.
- Đau răng, hàm do bệnh lý tim mạch. Thường lan từ ngực lên răng, hàm trái và mặt trong cánh tay trái.
2. Triệu chứng đau răng và các dấu hiệu đi kèm
Triệu chứng đau răng do các nguyên nhân khác nhau có thể biểu hiện khác nhau rất nhiều. Tuy nhiên điểm tương đồng lớn có thể nhận thấy là đau răng cường độ khi bị kích thích bởi các yếu tố như nóng hoặc lạnh. Nếu các yếu tố kích thích biến mất, cường độ cơn đau cũng giảm đi nhanh chóng. Cảm giác đau có thể lan lên hàm và tai của người bệnh. Đau răng tăng lên cả về cường độ đau và tần suất đau cùng với sự diễn tiến của bệnh lý gây đau răng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Ngoài ra, một số biểu hiện khác cũng có thể gặp ở bệnh nhân đau răng chẳng hạn như:
- Sưng tấy các tổ chức quanh răng hoặc thậm chí cả một bên má.
- Chảy máu chân răng.
- Có dịch bất thường, dịch mủ chảy ra từ răng bị đau.
- Hơi thở hôi, khó chịu hoặc có thể cảm nhận thấy mùi vị bất thường trong miệng.
- Sốt hoặc nhức đầu.
Đôi khi đau răng có thể không biểu hiện rõ ràng và các triệu chứng đi kèm cũng mơ hồ, khó xác định thì có thể gõ thử vào răng. Lúc này sự kích thích cơ học lên răng sẽ khiến cảm giác đau tăng lên và dễ dàng xác định triệu chứng đau răng hơn.
3. Khi nào bệnh nhân đau răng nên đến gặp bác sĩ
Không phải bất kỳ trường hợp đau răng nào cũng cần phải đến gặp bác sĩ. Những trường hợp đau răng do viêm nhẹ các tổ chức quanh răng có thể tự khỏi sau ít ngày mà người bệnh không cần thăm khám hay điều trị gì. Nhưng nếu triệu chứng đau răng xuất hiện kèm các biểu hiện sau đây thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Triệu chứng đau răng không thuyên giảm khi sử dụng các loại thuốc giảm đau hoặc đau răng kéo dài.
- Đau răng xuất hiện kèm theo sốt, sưng miệng má hoặc có dịch mủ, máu chảy ra từ răng.
- Các trường hợp đau răng do chấn thương dẫn đến gãy răng, vỡ răng hay thậm chí là nuốt phải răng gãy.
- Triệu chứng đau răng do xuất hiện răng khôn.
- Đau răng khiến bệnh nhân không thể nhai và nuốt thức ăn bình thường, làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sinh hoạt.
- Các trường hợp có tiền sử bệnh tim bị đau ngực sau đó lan lên răng, hàm trái, mặt trong cánh tay trái,... cũng cần được thăm khám kỹ khi bị đau răng.
Các trường hợp này khi đến bệnh viện sẽ được bác sĩ thực hiện các thăm khám lâm sàng thông qua hỏi bệnh, quan sát và các nghiệm pháp. Thông thường, đánh giá cận lâm sàng hay được sử dụng cho bệnh nhân triệu chứng đau răng là chụp X-Quang. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ đau răng, hàm là do biểu hiện của bệnh lý tim mạch thì người bệnh cũng có thể được tiến hành đo điện tâm đồ, nhưng những trường hợp này khá hiếm gặp.
4. Điều trị đau răng như thế nào?
Điều trị triệu chứng đau răng
Điều trị triệu chứng đau răng nhằm mục đích giảm nhanh cảm giác đau cho người bệnh hoặc ngăn chặn giảm bớt sự xuất hiện cảm giác đau răng. Tuy nhiên đau răng chỉ là biểu hiện bệnh, nên việc điều trị triệu chứng đau răng là điều trị chỉ nhằm vào phần ngọn mà không giải quyết được vấn đề cơ bản, sau hiệu quả điều trị trôi qua thì đau răng sẽ nhanh chóng quay trở lại.
- Các loại thuốc giảm đau được sử dụng trong điều trị triệu chứng đau răng thường là các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAIDs).
- Tránh kích thích cũng là một biện pháp hiệu quả để làm giảm tình trạng đau răng. Chẳng hạn như không ăn đồ ăn nóng hay lạnh, ăn các loại thức ăn mềm,...
- Vệ sinh răng miệng đúng cách với các loại kem đánh răng thích hợp, chỉ nha khoa,... giúp loại bỏ các mảnh thức ăn thừa, giữ ổn định môi trường pH tại khoang miệng và bề mặt răng nên giảm kích thích lên răng.
Điều trị nguyên nhân
Điều trị nguyên nhân gây triệu chứng đau răng là nội dung quan trọng nhất trong điều trị đau răng. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây đau răng khác nhau mà vấn đề điều trị cũng thay đổi rất đa dạng.
- Thuốc kháng sinh được chỉ định cho các trường hợp người bệnh bị đau răng kèm theo có viêm nhiễm nghiêm trọng biểu hiện bằng sốt, sưng tấy nhiều các tổ chức xung quanh răng đau.
- Nếu người bệnh bị đau răng do sâu răng, mòn men răng thì có thể tiến hành trám răng sâu, bọc răng cho bệnh nhân.
- Nhổ răng cho các trường hợp bị sâu răng nặng gây chết tủy, áp xe tủy, hoặc răng khôn mọc lệch,...
- Trong trường hợp triệu chứng đau răng do nguyên nhân ngoài răng gây nên, cần phải dựa trên nguyên nhân cụ thể mà quyết định phương pháp điều trị thích hợp.
5. Cách phòng ngừa triệu chứng đau răng
Hầu hết các trường hợp đau răng là do bệnh lý răng miệng gây nên, mà phần lớn các bệnh lý trong số đó có thể được phòng tránh nếu áp dụng các biện pháp thích hợp.
- Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các loại thực phẩm có hại cho răng như thực phẩm chứa nhiều đường, hoặc có tính acid gây ăn mòn răng,...
- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày để loại bỏ thức ăn thừa và các mảng bám do vi khuẩn. Các loại kem đánh răng sử dụng nên có chứa florua để tăng khả năng bảo vệ răng. Đồng thời có thể kết hợp thêm với các dụng cụ như chỉ nha khoa, nước súc miệng để tăng cường hiệu quả vệ sinh răng miệng.
- Khi có răng khôn mọc lệch, nên nhổ răng khôn sớm để tránh bị triệu chứng đau răng hoặc gây ảnh hưởng đến các răng lân cận.
- Lấy cao răng ít nhất 2 lần mỗi năm có hiệu quả tích cực trong ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng, từ đó giảm khả năng triệu chứng đau răng xảy ra.
- Thực hiện đầy đủ các quy tắc bảo hộ khi tham gia giao thông, chơi thể thao,... để tránh các tai nạn gây tổn thương răng.
Trên đây là một số các kiến thức cơ bản về triệu chứng đau răng gồm nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa. Nếu còn có thắc mắc liên quan đến triệu chứng đau răng, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải thích đầy đủ và chi tiết hơn.
Nguồn tham khảo:
1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10957-toothache
2. https://www.webmd.com/oral-health/toothache