pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ rèn 3 điều này để con tự giác và tự lập
Trong vô số điều cần rèn luyện và dạy dỗ con cái, 2 yếu tố tự giác và tự lập cực kỳ quan trọng, tác động rất lớn tới tương lai của một đứa trẻ. Để rèn luyện cho con cái 2 đức tính này, cha mẹ cần chú trọng tới một số điều dưới đây.
1. Rèn luyện thói quen tốt
Nhà tâm lý học William James từng nói: "Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận".
Điều này cho thấy nếu rèn luyện những thói quen tốt ngay từ nhỏ, nó có thể thay đổi vận mệnh của một người.
Thời thơ ấu được xem là giai đoạn quan trọng để hình thành các thói quen. Nhà giáo dục người Ý, tiến sĩ Maria Montessori từng nói: "3 – 6 tuổi là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhận thức của trẻ về các quy tắc và thói quen ứng xử".
Đặc biệt, trước năm 12 tuổi, cha mẹ cần rèn cho trẻ 2 thói quen về sinh hoạt và học tập.
- Thói quen sinh hoạt
Một phóng viên từng phỏng vấn Pyotr Leonidovich Kapitsa – người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1978 rằng: "Giai đoạn nào quan trọng nhất trong cuộc đời?".
Kapista trả lời: "Cá nhân tôi nghĩ giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời không phải là đại học, cũng không phải phòng thí nghiệm mà ở trường mẫu giáo. Tại đây, tôi đã học được rất nhiều điều, chẳng hạn như rửa tay trước khi ăn, biết dọn dẹp đồ đạc sau khi chơi...".
Tờ People's Daily từng đăng một bài báo so sánh về độ tuổi của trẻ khi làm việc nhà. Họ chỉ ra rằng, làm việc nhà là 1 phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của trẻ em.
Nhìn những đứa trẻ thành công sau này, chúng đều có thói quen sinh hoạt tốt. Chúng không chỉ thích học mà còn biết làm việc nhà, có khả năng tự chăm sóc bản thân mà không cần cha mẹ bận tâm.
- Thói quen học tập
Cha mẹ nào cũng đều mong con cái tự giác học hành để mình không phải lúc nào cũng la mắng. Điều này đòi hỏi một đứa trẻ ngay từ nhỏ phải được cha mẹ rèn luyện thói quen yêu thích đọc sách, ham học hỏi, khám phá những thứ mới mẻ. Chỉ khi trẻ tìm thấy niềm đam mê với sách vở, chúng mới tự giác trong học tập hơn.
Thông qua việc đọc sách, những câu chuyện được nghe cha mẹ kể, trẻ sẽ có được những hiểu biết, tính cách sẽ dần thay đổi. Việc đọc sách sẽ giống như một hạt giống, nó sẽ từ từ nảy mầm và lớn lên trong cơ thể trẻ. Khi trẻ bắt đầu đi học, chúng sẽ chủ động hơn trong việc tìm hiểu kiến thức.
2. Rèn luyện khả năng chịu đựng
Chỉ trong vài năm tiểu học, khoảng cách giữa các em học sinh sẽ dần mở rộng. Điều này được cho là do một số em thiếu khả năng chịu đựng trong học tập.
Trẻ lớp 1, lớp 2 kiến thức chưa nhiều và tương đối dễ hiểu, trẻ có thể học mà không cần tốn nhiều công sức. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để trẻ hình thành thói quen học tập tốt.
Đây là lúc cha mẹ cần rèn cho trẻ cách sắp xếp thời gian học hợp lý, kiên trì thói quen đọc sách, thái độ học tập đúng đắn, cách suy nghĩ độc lập. Những thói quen này tuy không nhìn thấy sự khác biệt ngay nhưng sau này sẽ thể hiện rõ.
Khi trẻ học lớp 3, lớp 4 sẽ chuyển sang giai đoạn học có tự chủ. Đây là lúc dần xuất hiện áp lực, trẻ dễ cảm thấy mệt mỏi. Cha mẹ sẽ thấy con mình lười làm bài tập về nhà, khó tập trung. Việc phân bố thời gian học hợp lý sẽ giúp ích nhiều trong việc học của trẻ.
Lớp 5 là giai đoạn cuối cấp, trẻ cần có mục tiêu và chủ động trong việc học nhiều hơn. Giai đoạn tăng tốc này cha mẹ sẽ thấy giữa những đứa trẻ có khoảng cách rất lớn. Một đứa trẻ có tính kiên trì, biết nỗ lực, khả năng chịu đựng tốt sẽ đạt được những thành tích cao trong học tập.
3. Rèn luyện nhân cách tốt
Khi giáo dục con cái, cha mẹ cần nhìn xa trông rộng. Cha mẹ không nên quá chú trọng tới điểm số mà bỏ qua việc trau dồi nhân cách của con mình.
Trong lịch sử Trung Quốc có một học giả nổi tiếng vào thời Tây Hán tên là Kuang Heng. Chuyện kể rằng, khi còn nhỏ Kuang Heng là một cậu bé nghèo rất hiếu học. Vì không có tiền mua đèn dầu nên cậu đã khoan tường hàng xóm để đọc sách thâu đêm.
Vì quá thích đọc sách nên cậu đồng ý làm việc cho 1 gia đình giàu có với yêu cầu không cần lương nhưng phải được đọc những cuốn sách quý mà gia chủ sưu tầm được.
Về sau, Kuang Heng trở thành một học giả có tiếng, làm thầy dạy cho thái tử và trở thành tể tướng. Tấm gương hiếu học, chịu khó của Kuang Heng được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Hu Xueyan – người giàu nhất trong triều đại nhà Thanh từng nói: "Khi nhìn vào một đứa trẻ, chúng ta cần nhìn vào tính cách chứ không phải khả năng của chúng. Một đứa trẻ xấu tính, dù có học cao đến mấy cũng sẽ là kẻ thua cuộc trong cuộc đời này".
Có thể nói rằng, không phải kết quả học tập quyết định cuộc đời của một đứa trẻ mà nhân cách của chúng như thế nào. Bản chất của giáo dục là nuôi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho một đứa trẻ.