Sang đang chờ đợi để được tiến hành phẫu thuật điều trị bệnh (ảnh chụp ngày 20/03/2015)
Sinh ra tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), sau khi tốt nghiệp THPT, Sang cũng làm hồ sơ thi đại học như những bạn bè cùng trang lứa, song kết quả thi không tốt khiến Sang phải nhập học vào chuyên ngành Điện lạnh tại một trường Trung cấp gần nhà. Sang bảo: “Tôi không nghĩ đại học là tấm vé duy nhất để bước vào đời, vì vậy tôi đi học trung cấp, vừa ở gần nhà phụ ba mẹ, vừa rút ngắn được thời gian học để nhanh chóng kiếm việc làm”.
Tốt nghiệp, thay vì lên thành phố tìm việc, Sang cố gắng kiếm việc gần nhà để có chăm sóc và giúp đỡ ba mẹ. “Nhà tôi khá đông anh chị em, ba mẹ vất vả lắm, nuôi heo, làm rẫy cật lực mới đủ tiền cho các con ăn học, thế nên tôi muốn đỡ đần ba mẹ”.
Sang dự định sẽ chăm chỉ đi làm, để dành tiền và mở tiệm tạp hóa nhỏ cho mẹ đỡ vất vả. Song, khoảng hơn 1 năm trước, cơ thể Sang bỗng nhiên gầy rộc, khó ngủ và chán ăn. Sang đã đến các phòng khám để được tư vấn nhưng vẫn không tìm ra bệnh, bác sĩ chỉ kê toa cho cậu một số loại thuốc bổ và thuốc an thần giúp thèm ăn, ngủ tốt. “Uống thuốc hoài không có tác dụng, tôi chuyển sang uống thuốc lá mà mẹ tôi lên tận Lâm Đồng để mua. Uống liên tục khoảng 3 tháng thì có tác dụng, tôi ăn ngon và dễ ngủ hơn, cân nặng cũng tăng đáng kể, nhưng kể từ đó, tôi thấy mình bắt đầu có triệu chứng đi tiểu nhiều”, Sang nhớ lại.
Theo lời kể của Sang, mức độ tiểu nhiều tăng lên từng ngày, ban đầu là khoảng 10-15 lần/ngày, sau đó tăng lên khoảng 30 lần, ngày cũng như đêm, thậm chí vừa đi tiểu xong, Sang lại muốn đi tiếp, điều này khiến cho cuộc sống của cậu bị đảo lộn rất nhiều. Sang tâm sự: “Mỗi lần đi tiểu chỉ được một chút, nhưng mắc đi liên tục, mệt mỏi nhất là ban đêm, nó làm tôi không ngủ được, còn ban ngày, khi đi làm thì rất bất tiện vì liên tục phải vào nhà vệ sinh. Có khi mắc tiểu, chưa kịp chạy vào nhà vệ sinh thì đã bị tiểu són. Tôi không nghĩ đây là bệnh, cũng ngại đến bác sĩ vì cho rằng nó là chuyện tế nhị”.
Mong sao bệnh không tái phát!
Lấy cho chúng tôi xem những kết quả xét nghiệm được kẹp trong tập hồ sơ bệnh án, Sang bảo bệnh kéo dài gần nửa năm nhưng không hề hay biết, chỉ tới khi đi khám sức khỏe để xin việc làm mới, cậu đem chuyện kể với bác sĩ và ngay lập tức, Sang được chỉ định làm một số xét nghiệm. Bác sĩ chẩn đoán cậu bị bệnh Bàng quang tăng hoạt, cần nhập viện để phẫu thuật và điều trị.
“Khi đó, tôi rất lo lắng, không biết bệnh nguy hiểm như thế nào, phẫu thuật xong có hết không? Có ảnh hưởng đến cuộc sống sau này không? Đặc biệt là chi phí điều trị như thế nào. Rất may, sau khi được bác sĩ giải thích, động viên, ca phẫu thuật đã thành công!”, Sang chia sẻ.
Kể từ khi nằm viện điều trị, Sang dành nhiều thời gian để tìm hiểu về căn bệnh mà cậu đang mắc phải, chiếc laptop trở thành “người bạn” và công cụ hữu hiệu. “Từ chỗ không biết Bàng quang tăng hoạt là gì, bây giờ tôi có thể nắm trong lòng bàn tay kiến thức về bệnh này, từ triệu chứng, yếu tố nguy cơ tới các loại thuốc điều trị, thậm chí là trong trường hợp nào thì phải phẫu thuật. Người thân hoặc bạn bè bây giờ có ai mắc bệnh này là tôi “bắt bệnh” được đấy”, Sang khoe.
Đang mải nói chuyện, tiếng loa phát thanh từ phòng hành chính gọi tới lượt Sang. Gần 10 triệu là tổng số tiền cậu phải trả cho hơn 1 tuần nằm viện điều trị và phẫu thuật. Cầm trong tay tờ hóa đơn và chăm chú đọc từng khoản tiền được ghi khá chi tiết, Sang cười bảo: “Tôi dự tính viện phí phải hết hơn 10 triệu, vậy mà lại ít hơn. Số tiền này tôi tiết kiệm để mở tiệm tạp hóa cho mẹ, nhưng lỡ bệnh nên phải bỏ ra xài. Thôi thì của đi thay người, miễn sao bệnh không tái phát nữa, để tôi có thể đón những ngày tươi đẹp phía trước!”.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Hoàng Minh (Trưởng khoa Ngoại niệu - Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM) |
Bàng quang tăng hoạt (BQTH) là một bệnh lý về chức năng chứa đựng của bàng quang, khi lượng nước tiểu chưa đủ đầy đã tống ra ngoài. Bệnh gây ra 4 triệu chứng: Tiểu gấp, tiểu nhiều lần (trên 8 lần/ngày), tiểu đêm và tiểu són. Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa rõ, song những yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh như: người mắc bệnh tiểu đường; uống thuốc lợi tiểu, sử dụng quá nhiều cà phê hoặc rượu… Hiện tại, Việt Nam chưa có số liệu thống kê nhưng theo số liệu nước ngoài, độ tuổi người bị BQTH thường là trung niên, nữ bị nhiều hơn nam. Chẩn đoán bệnh thông qua thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh nhân về các triệu chứng, vì BQTH có những biểu hiện rất giống một số loại bệnh khác, ngoài ra có thể áp dụng các biện pháp như: đo lưu lượng nước tiểu; kiểm tra ác lực bàng quang; đo xung thần kinh bàng quang… để chẩn đoán bệnh. Tùy vào tình trạng và mức độ của bệnh mà bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc hay phẫu thuật điều trị. Ngoài ra, đối với những trường hợp nhẹ, phát hiện sớm, trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân được tư vấn để thay đổi thói quen như: Hạn chế uống nước trước khi đi ngủ; tập cơ sàn chậu; giảm uống cà phê và chất kích thích… Để phòng tránh bệnh, bạn không nên sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia; cần có chế độ tập luyện thể dục thể thao và khi có các triệu chứng của bệnh, nên đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị. |