Trưởng công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế chống lại những thế lực chính trị

07/04/2019 - 09:12
Dẫu đối mặt với việc Mỹ thu hồi thị thực nhập cảnh, lệnh trừng phạt kinh tế, Trưởng công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Fatou Bensouda cho biết, các công tố viên ICC vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vụ mà không cần sự chấp thuận của bất cứ bên nào. Bà cam kết theo đuổi những tội phạm tồi tệ nhất thế giới và mang lại cho các nạn nhân cơ hội được nói lên tiếng nói của mình.
Mỹ hủy thị thực của công tố viên ICC
 
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thu hồi thị thực nhập cảnh vào Mỹ của công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Fatou Bensouda. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cảnh báo, Mỹ cũng sẽ từ chối cấp thị thực và triệu hồi thị thực nhập cảnh vào Mỹ đối với tất cả nhân viên ICC liên quan vụ điều tra tội ác chiến tranh của lực lượng Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến tại Afghanistan. Ông Pompeo nhấn mạnh, Mỹ đang chuẩn bị các bước đi bổ sung, kể cả trừng phạt kinh tế trong trường hợp ICC không thay đổi quyết định. Phản ứng về quyết định của Mỹ, văn phòng công tố viên Fatou Bensouda cho biết, các công tố viên ICC vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vụ mà không cần sự chấp thuận của bất cứ bên nào.
 
 
donald-trump-mike-pompeo-john-bolton.jpg
Từ phải sang trái: Phóng tổng thống Mỹ Mike Pence, Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton quyết tâm trừng phạt ICC
Trước khi đi đến quyết định trừng phạt ICC, Washington đã cảnh báo ICC chớ đụng vào người Mỹ và những đồng minh được Mỹ bảo trợ. Điều đó thể hiện rõ qua tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 10/9/2018 rằng, Mỹ sẽ bắt giam và trừng phạt các thẩm phán cũng như công tố viên của ICC nếu họ quyết điều tra về hành động của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. "Mỹ sẽ sử dụng bất cứ biện pháp nào cần thiết để bảo vệ công dân của nước mình và công dân các nước đồng minh khỏi sự truy tố của ICC", Reuters đã tường thuật lời ông Bolton.
 
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ cấm các thẩm phán, công tố viên của ICC nhập cảnh Mỹ. Chúng tôi sẽ trừng phạt các quỹ của họ trong hệ thống tài chính Mỹ và sẽ truy tố họ trong hệ thống tội phạm theo luật pháp Mỹ". Ông John Bolton còn cảnh báo thêm: "Chúng tôi sẽ làm điều tương tự với bất cứ tổ chức hay quốc gia nào có sự hỗ trợ ICC thực hiện việc điều tra công dân Mỹ".
 
Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton cho biết ông thay mặt Tổng thống Donald Trump để đưa ra những lời tuyên bố trên. Điều đó chứng tỏ đe dọa trừng phạt ICC là quan điểm của chính quyền Mỹ nhiệm kỳ 57.
 
rodrigo-duterte.jpg
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đe dọa Trưởng công tố viên ICC Fatou Bensouda
Trước đó, ngày 13/4/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã dọa sẽ bắt giữ công tố viên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Fatou Bensouda nếu bà này hoạt động tại Philippines. Nguyên do là vào tháng 2/2018, bà Bensouda bắt đầu thẩm tra sơ bộ đơn kiện của một luật sư Philippines cáo buộc Tổng thống Duterte và các quan chức cấp cao phạm “tội ác chống lại nhân loại” liên quan đến chiến dịch truy quét ma túy. Căng thẳng liên quan đến vụ kiện khiến Tổng thống Duterte hồi tháng 3/2018 thông báo rút Philippines ra khỏi hiệp ước thành lập ICC. Vì vậy, ông tuyên bố bà Bensouda không có thẩm quyền hoạt động tại Philippines.
 
Theo đuổi điều tra các tội ác tàn bạo
 
ICC được thành lập theo một hiệp ước của Liên hợp quốc năm 2002 và được 123 quốc gia trên thế giới phê chuẩn. Không là thành viên của ICC, Mỹ là một trong số quốc gia thường chỉ trích hoạt động của tòa án này kể từ khi cơ quan này được thành lập. ICC điều tra các nghi phạm để mang lại công lý cho những người phải chịu nạn diệt chủng, các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh khi chính quyền các nước không thể hoặc không thực hiện việc truy tố.
 
 
fatou-bensouda-1.jpg
Trưởng công tố viên ICC Fatou Bensouda
Bà Fatou Bensouda lớn lên trong một gia đình Hồi giáo đa thê. Đầu những năm 70, bà cùng dì của mình nhiều lần đến Đồn Cảnh sát Bajnul ở Gambia, quê hương bà ở Tây Phi để khiếu nại về người chồng thường xuyên đánh đập mình. Tuy nhiên, cảnh sát đã từ chối điều tra các khiếu nại này với lý do các ông chồng có quyền đánh vợ. Tội phạm bị bỏ qua khiến Bensouda thấy cần phải làm gì đó để thay đổi.
 
Khi đến học tại Nigeria và Manta, bà tập trung vào luật pháp quốc tế. Là một luật gia xuất sắc, Bensouda là người phụ nữ đầu tiên làm Tổng chưởng lý và sau đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Gambia. Tuy nhiên, do mâu thuẫn với tổng thống nước này, 2 năm  sau bà từ chức và bắt đầu làm việc ở Liên hợp quốc, trong đó có thời gian bà làm luật sư tại ICC trong vụ xét xử các cá nhân chịu trách nhiệm về vụ thảm sát năm 1994 ở Rwanda.
 
Ngày 15/6/2012, bà Fatou Bensouda đã tuyên thệ nhậm chức Trưởng công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Phi đầu tiên giữ trọng trách này. Ở cương vị lãnh đạo ICC, bà Bensouda cam kết theo đuổi những tội phạm tồi tệ nhất thế giới và mang lại cho các nạn nhân cơ hội được nói lên tiếng nói của họ. Bà được đưa vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới và được xem là biểu tượng của sự tiến bộ ở châu Phi.
 
 
linh-tre-em-o-congo.jpg
Bà Fatou Bensouda điều tra về việc trẻ em bị bắt làm lính ở Congo
Bà nổi tiếng trong giới tư pháp vì các vụ điều tra kéo dài chống tội ác tàn bạo, bao gồm nạn diệt chủng ở Rwanda và vụ bắt trẻ em đi lính ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Nhóm phiến quân Kamuina Nsapu hoạt động tại 4 tỉnh miền Trung của Congo đã khiến ít nhất 400 người thiệt mạng. ICC đã kết án nhà lãnh đạo lực lượng dân quân Congo là Thomas Lubanga 14 năm tù vì tội sử dụng binh lính trẻ em làm bia đỡ đạn.
 
Tháng 4/2018, bà Fatou Bensouda đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng đổ máu diễn ra ở dải Gaza. Bà Fatou Bensouda khẳng định cần phải chấm dứt việc sử dụng bạo lực. Đồng thời, bà Fatou Bensouda nhấn mạnh, mọi đối tượng kích động hoặc thực hiện các hành vi bạo lực bằng việc ra lệnh, yêu cầu, khuyến khích hay bằng cách nào đó góp phần gây ra các tội ác nằm trong thẩm quyền xử l‎ý của ICC đều có thể bị truy tố trước tòa này. Công tố viên trưởng ICC nêu rõ, hành động bạo lực nhằm vào dân thường cũng như việc lợi dụng sự có mặt của dân thường để biện minh cho những hoạt động quân sự có thể bị cấu thành các tội ác chiểu theo Quy chế Rome (quy chế thiết lập ICC). Israel phải đối mặt với nhiều câu hỏi về việc sử dụng đạn thật làm hơn 30 người Palestine thiệt mạng và trên 3.000 người bị thương sau 10 ngày biểu tình tại dải Gaza.
 
 
uhuru-kenyatta-william-ruto.jpg
Bà Fatou Bensouda đã cùng các cộng sự tìm cách đưa Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (phải) và Phó tổng thống William Ruto ra tòa
Năm 2013, bà Fatou Bensouda đã cùng các cộng sự tìm cách đưa Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Phó tổng thống William Ruto ra tòa là sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Cả hai đều bị cáo buộc là đồng phạm gián tiếp trong các tội ác chống nhân loại gồm giết người, gây cảnh ly tán, hãm hiếp và chuyển giao quyền lực bằng vũ lực sau cuộc bầu cử tại Kenya vào cuối năm 2007. Đó là cuộc chiến pháp lý giữa một bên là vị tổng thống đầy quyền lực được sự hậu thuẫn của nhiều nước châu Phi và một bên là một phụ nữ da màu được 121 quốc gia ủy quyền truy lùng những kẻ giết người hàng loạt tồi tệ nhất của thế giới và đưa chúng ra trước vành móng ngựa. Bà muốn chứng minh rằng, giấc mơ công lý toàn cầu là có thật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm