pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trưởng nhóm Dòng thời gian hát nhạc Trần Lệ Giang
Ca sĩ Vũ Minh Vương
Album Nỗi nhớ chẳng phai gồm 9 ca khúc, được nữ nhạc sĩ Trần Lệ Giang sáng tác trong vài năm trở lại đây: Chốn đi về (phỏng thơ Quang Nhật), Mượn một thoáng chèo, Ngóng về quê mẹ, Về quê tìm em, Em đi hội xuân, Ký ức dòng Tiêu Tương, Nụ cười em tôi (phỏng thơ Quang Nhật), Trường tôi trong mơ, Nỗi nhớ chẳng phai. Đảm nhận phần phối khí của album là 3 nhạc sĩ tên tuổi: Vũ Huyền Trung, Dương Đức Thụy, Đạt Kìm.
Album là một cuộc hội ngộ có phần bất ngờ của Vũ Minh Vương với nhạc sĩ Trần Lệ Giang. Vũ Minh Vương chia sẻ: "Cây cầu nối giữa tôi và nhạc sĩ Trần Lệ Giang là nhạc sĩ Dương Đức Thụy, thông qua ca khúc Chốn đi về. Khi đó bài hát này đã có phiên bản khác rồi, giọng nữ, nhưng giờ muốn thêm một giọng nam. Đọc giai điệu bài hát, tôi thấy hay quá. Nhạc và lời của Trần Lệ Giang tinh tế, giàu biểu cảm, mang âm hưởng dân gian, đúng chất nhạc mà tôi thích.
Sau này, khi biết nhạc sĩ Trần Lệ Giang rồi, tôi thường gọi cô là u. Hai u con rất tâm đầu ý hợp trong âm nhạc. Thường trong ca khúc "u Giang" hay gửi gắm một vài điều rất thú vị, và tôi là người luôn phát hiện ra điều đó".
Cũng theo ca sĩ Vũ Minh Vương, anh rất yêu thích chất dân gian đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt ả đào và quan họ Bắc Ninh. Nhạc sĩ Trần Lệ Giang biết điều ấy nên khi sáng tác bài hát mới luôn "đo ni đóng giày" trên các chất liệu này để cho anh hát. Trước khi viết xong bài hát, nữ nhạc sĩ thường gửi làn điệu để anh nghe trước cho "ngấm".
Vũ Minh Vương là trưởng nhóm nhạc Dòng thời gian, quê ở Thái Bình, được đào tạo bài bản về âm nhạc cổ điển Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng lọt Top 9 Sao Mai toàn quốc 2011 dòng dân gian. Trước Nỗi nhớ chẳng phai, anh đã phát hành các album Vương, Việt Nam ơn Người, Giai điệu vùng cao.
Nhắc đến Vũ Minh Vương, công chúng và người trong nghề không chỉ nhớ đến là một giọng ca đẹp, thanh thoát mà còn là một nghệ sĩ trẻ nghị lực. Anh tâm sự: "Cha mẹ tôi rất nghèo. Từ nhỏ tôi đã quen sống trong cảnh khổ cực, thiếu thốn. Ngôi nhà của cha mẹ tôi ở một miền quê ven biển, mỗi trận bão qua, nằm trong nhà có thể nhìn thẳng lên bầu trời vì nhà đã bị tốc mái. Nhà nghèo đến nỗi bố mẹ không có tiền cho tôi đi thi đại học, dù hồi đó tôi rất ước mơ được về Hà Nội. Bố nói, nếu tôi đi thi đại học, bố phải đi vay 1 triệu cho tôi đi thi, không đỗ thì mất số tiền đó, còn nếu đỗ, cũng không biết lấy đâu ra tiền chu cấp cho tôi ăn học. Thế là tôi quyết định dừng việc đi thi, đi làm kiếm tiền. Tôi đã phải làm đủ nghề như thợ sửa chữa xe máy, thợ tráng phim ngồi trong buồng tối, làm photoshop, làm ảnh…
Cuộc sống khó khăn như vậy nên tôi là người biết cảm nhận mọi thứ sâu sắc từ lúc còn rất ít tuổi. Tôi vẫn luôn đợi một cơ hội để đến với âm nhạc. Và cơ hội đó phải chờ đến năm tôi 23 tuổi. Vào Nhạc viện rồi tôi vẫn phải đi làm thêm buổi tối để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tôi có thể làm bất cứ việc gì, không ngại. Nhưng thực ra công việc yêu thích nhất của tôi là âm nhạc, và tôi muốn tận tâm với nó".
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang là cái tên không còn xa lạ với khán giả nhiều thế hệ qua những ca khúc như Đất nước tình yêu, Ước mơ xanh… Trong đó, Đất nước tình yêu được viết khi chị mới 23 tuổi, đang là sinh viên khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội. Sau một thời gian dài không thấy Trần Lệ Giang sáng tác, năm 2021 chị bất ngờ "tái xuất" bằng một loạt ca khúc mới. Điều dễ nhận thấy ở Trần Lệ Giang là chất thơ thấm đượm trong tâm hồn nhạy cảm, luôn nâng niu cái đẹp của đời sống. Âm hưởng trong ca khúc Trần Lệ Giang luôn mang đậm chất văn hóa Việt như tiếng sáo của đồng quê, tiếng đàn bầu…
Các ca khúc mới của Trần Lệ Giang lập tức được các nghệ sĩ thể hiện như Cội nguồn qua giọng hát của NSND Thái Bảo, Đăng Thuật, Đào Mác; ca khúc Nắng gió quê nhà qua giọng hát của NSND Tạ Minh Tâm, Lương Huy; ca khúc Sài Gòn của tôi với tiếng hát của ca sĩ trẻ Ngọc Quy…