Trường phạm luật khi 'ghét' mẹ, đuổi con

27/10/2015 - 10:55
Các chuyên gia cho rằng ngoài việc thể hiện văn hóa kém thì việc các trường đuổi học sinh do những lời chê của phụ huynh còn là hành vi vi phạm luật và quyền của người học.

Học sinh trường Vstar, nơi có ý kiến của một phụ huynh chê đồng phục xấu. Ảnh: H.HG

Gần đây, câu chuyện một học sinh tiểu học bị buộc thôi học chỉ với lý do... mẹ chê đồng phục trường xấu gây xôn xao dư luận, đặc biệt là các phụ huynh. Cuối tháng 9 vừa rồi lại có thêm một bé ở tuổi mầm non bị buộc thôi học vì mẹ lập nhóm kín trên Facebook than phiền về chất lượng dạy và học cùng các phụ huynh khác.
Câu chuyện xuất phát từ người lớn nhưng những đứa trẻ vô tội lại trở thành chỗ để các trường “trút giận”. Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chuyện phụ huynh than phiền, đặc biệt trên các trang mạng xã hội là việc hết sức bình thường. Đây không còn là chuyện của một hai trường mà đang dần phổ biến. “Việc các trường lấy chuyện bố mẹ ra để “đè cổ” học sinh là phạm luật, vi phạm quyền được học của học trò. Đó là một cách thể hiện văn hóa kém, cách hành xử không đúng với quy phạm ngành giáo dục. Dù bố mẹ có lỗi hay không thì các con vẫn vô tội. Nhà trường không được “trả thù” bằng cách đấy”, ông Lâm nói. 
Cung theo ông Lâm, trong tình huống đó, nhà trường phải mời phụ huynh lên đối thoại, trao đổi rõ ràng. Qua trao đổi, các bên sẽ tự nhận ra cái sai của mình để tìm hướng giải quyết.
Ông Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh, cho biết: Đuổi học sinh vì bố mẹ là một cách xử sự không đúng và hoàn toàn vô lý của nhà trường. Bởi học sinh là học sinh, phụ huynh là phụ huynh, tại sao lại bắt trẻ con chịu “tội” của bố mẹ khi chúng chẳng hề biết gì và hoàn toàn vô tội. Tuy nhiên, không chỉ nhà trường mả cả phụ huynh cũng cần xem lại cách xử sự của mình. Chuyện than phiền của phụ huynh là hoàn toàn bình thường nhưng tại sao phụ huynh lại không phản ánh trực tiếp với trường? Khi có điều gì chưa thỏa mãn thì phụ huynh nên góp ý thẳng với trường, đợi trường xem xét cho ý kiến. Nhà trường và gia đình cần tìm cách phối hợp để đi tới một mục tiêu chung là giáo dục trẻ em.
Về khía cạnh pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho hay: “Với vấn đề kỷ luật học sinh tiểu học, khoản 2 Điều 44 Điều lệ Trường Tiểu học quy định: Học sinh phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp sau: a) Nhắc nhở, phê bình; b) Thông báo với gia đình. Như vậy chỉ có hai hình thức xử lý vi phạm kỷ luật với đối tượng là học sinh tiểu học khi vi phạm những khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, không có quy định về việc kỷ luật đuổi học, buộc thôi học. Do đó, việc nhà trường buộc học sinh thôi học là không có căn cứ”.
Theo ông Cường, dưới góc độ pháp lý cũng như góc độ xã hội, việc phụ huynh có thái độ khen, chê nhà trường nơi con mình theo học là một việc hoàn toàn bình thường, thậm chí còn có ích, có lợi cho trường trong việc đổi mới cho phù hợp, tốt hơn. “Nhà trường cần trân trọng những người đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm, ý kiến như vậy mới đúng. Tuy nhiên, việc phụ huynh bày tỏ thái độ chê bai gay gắt, quyết liệt trên mạng xã hội khi chưa góp ý thẳng thắn với nhà trường là không nên. Ý tưởng, quan điểm của phụ huynh tốt nhưng cách thức thể hiện chưa hợp lý”.

Hành vi đuổi học trò của nhà trường có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 21 Nghị định 138/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau: “Điều 21. Vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học:

  1. Phat tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định...;
  2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này”.

                                                                                                                                                                                   Luật sư Đặng Văn Cường

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm