Truy tìm căn nguyên bốc hỏa, mệt bã người

08/08/2015 - 12:30
Phụ nữ ở tuổi cuối 40 đầu 50, hàm lượng hormone estrogen sụt giảm kéo theo nhiều thay đổi về sức khỏe, gây mệt mỏi và nhiều biến đổi khác mà trước đó chưa hề xảy ra. Trường hợp này còn gọi là hội chứng tiền mãn kinh.

Estrogen là loại hormone có cả ở đàn ông, nhưng chủ yếu vẫn là ở phụ nữ và được xem là chất truyền dẫn tín hiệu hóa học, mang thông tin từ nhóm tế bào này sang nhóm tế bào khác, đồng thời điều tiết quá trình chuyển hóa, chức năng sinh sản, tình dục và nhiều chức năng khác. Khi estrogen sụt giảm tạo ra tác động tiêu cực tới hormone cortisol và khi cortisol có quá nhiều lại làm giảm estrogen. Quá trình này tạo ra hội chứng mệt mỏi đối với cơ thể.

Khi estrogen giảm, cortisol tăng, gây mệt bã người, đây là một trong những hội chứng thường gặp ở nhóm phụ nữ mãn kinh. Giống như mệt mỏi kinh niên, mệt mỏi do estrogen suy giảm làm giảm khả năng chịu đựng của con người, giảm chất lượng cuộc sống do năng lượng bị suy kiệt. Khi estrogen tăng quá cao, tạo ra tâm trạng bồn chồn lo lắng, tăng cân, tích nước, đau đầu, giấc ngủ kém và mệt mỏi.

Thông thường, estrogen do cơ thể phụ nữ tự sản xuất nhưng những yếu tố ngoại lai tác động đã làm cho estrogen tự đột biến. Chất làm tăng estrogen có ở nhiều nơi trong môi trường và gần đây người ta phát hiện thấy có cả trong plastic.

Estrogen thường được cơ thể sản xuất ra và cùng với canxi, vitamin D và các loại chất khoáng khác để làm nhiệm vụ tạo xương, giúp xương và răng chắc khỏe. (Ảnh minh họa)

Estrogen thường được cơ thể sản xuất ra và cùng với canxi, vitamin D và các loại chất khoáng khác để làm nhiệm vụ tạo xương, giúp xương và răng chắc khỏe. Tuy nhiên, ở giai đoạn mãn kinh, estrogen giảm nên hệ thống xương của cơ thể bắt đầu mỏng dần, yếu và dễ vỡ. Theo nghiên cứu, từ năm 30 tuổi cơ thể phụ nữ trải qua giai đoạn tái hấp thụ lắng đọng và tạo ra lượng xương cao nhất, nghĩa là lượng xương mới tạo ra nhiều hơn lượng xương bị phân hủy. Nhưng khi tuổi cao, estrogen suy giảm thì quá trình tái tạo xương bắt đầu suy giảm, nhất là sau khi mãn kinh, lượng xương của phụ nữ sẽ bị suy giảm khoảng 20%.

Cần biết rằng, đối thủ của estrogen là hormone progesterone. Progesterone có chức năng trái ngược với estrogen để tạo ra thế cân bằng cho cơ thể. Ví dụ, trong chu kỳ kinh nguyệt, estrogen tăng thì progesterone giảm, khi estrogen giảm thì progesterone tăng. Quy trình này làm việc nhịp nhàng nhằm giúp cơ thể tồn tại khỏe mạnh. Tuy nhiên đến cuối tuổi 30, cơ chế này bắt đầu có sự lệch pha. Đến giai đoạn tiền mãn kinh cả hai đều suy giảm theo mức tương đồng.

Hormone estrogen cũng ảnh hưởng đến các bộ phận sinh sản. Khi estrogen xuống thấp, chẳng hạn như khi mãn kinh, âm đạo có thể trở nên khô, thành âm đạo mỏng hơn khiến cho hoạt động tình dục trở nên đau đớn. Phụ nữ vào giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen có thể tiếp tục dao động và suy giảm, theo đó làm gia tăng các triệu chứng như bốc hỏa, nóng đột ngột ở mặt, cổ và ngực, tăng tiết mồ hôi, tăng nhịp tim, chóng mặt hoặc buồn nôn. Cơn bốc hỏa thường kéo dài khoảng từ 3 đến 6 phút, kể cả ban đêm. Ngoài ra còn gây ra các hiệu ứng khác như chu kỳ kinh nguyệt không đều, đau nửa đầu, són tiểu và cảm xúc bất định.

Cho đến nay, những gì liên quan đến hormone nói chung và estrogen nói riêng còn chứa nhiều bí ẩn nên việc phòng, chữa còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những hội chứng không mong muốn, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo chị em phụ nữ như sau:

Không nên dùng thực phẩm, thịt có chứa hormone tăng trưởng. Không tiếp xúc thuốc trừ sâu, thuốc diệt sâu bọ, côn trùng và hạn chế tối đa các chất kích thích như rượu, bia, cà phê... và áp dụng lối sống khoa học, ăn uống cân bằng, năng luyện tập để cân bằng lượng estrogen trong cơ thể.

Riêng nhóm phụ nữ tiền mãn kinh, giới chuyên môn khuyến cáo nên dùng liệu pháp estrogen và liệu pháp estrogen-progestin, có tác dụng ngừa loãng xương và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, liệu pháp này hiện đang tranh cãi vì lợi hại song hành, bởi vậy nếu chị em muốn dùng thì nên tư vấn kỹ bác sĩ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm