pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn "Về làng"
Tranh minh họa của Đỗ Dũng
Cô giúp việc gọi điện báo hôm nay không đến vì thấy người không khỏe. Bà "ừ" rồi cúp máy. Người đâu rõ dông dài. Nhà bà chẳng nhẽ bà còn không biết hay sao mà phải dặn dò. Thời buổi dịch bệnh, ai cũng phải cảnh giác và thận trọng. Cô ấy chỉ ho hắng mấy tiếng mà đã tự biết ý không đến vì sợ lây bệnh cho bà. Hẳn là cái Hường, con gái bà, đã dặn kỹ rồi.
Cái Hường mấy tháng nay vẫn cùng một đám trai gái nấu nấu nướng nướng, trưa đưa cơm cháo cho các bệnh viện dã chiến, chiều đưa cháo đến các ngõ, xóm phong tỏa. Hôm nào cũng tối mịt nó mới về. Chui ra khỏi bộ quần áo bảo hộ, nó ngoi ngóp như con chuột lội. Ban đầu bà còn nghĩ trời mưa, sau mới biết đó là mồ hôi.
Bà xót ruột thì nó chỉ cười, bảo: "Con có làm gì đâu, mỗi ngày chỉ nấu nấu nướng nướng thôi mà". Mỗi khi gần về đến nhà là nó gọi điện lùa bà vào phòng. Nó về là chui ngay vào nhà tắm, chỉ khi nào nó gọi bà mới được ra. Ơn trời, mẹ con bà bình an đi qua mùa dịch.
Có được ngày hôm nay, bà thầm cảm ơn trời đất và con gái mình. Nhà một mẹ một con luôn thiếu trước hụt sau, nó phải uống nước cơm qua ngày nhưng chưa khi nào bà nghe nó kêu than một lời. Nhìn lại hôm nay bà cứ ngỡ như mơ. Con bé xanh rớt ngày nào giờ đã mua được nhà, còn đón bà lên ở cùng. Bà cũng biết con gái bà đã cố gắng, đã vất vả thế nào. Có những ngày nó chỉ ngủ được ba tiếng, bà xót con nhưng nó gạt đi. Lúc này tranh thủ được thì cứ tranh thủ, con bé tranh thủ học, tranh thủ làm, tranh thủ ngủ.
Năm ngoái làng định trùng tu đình làng. Cái Hường đưa bà về chơi, người ta thấy nó thì hỏi luôn định ủng hộ bao nhiêu. Con bé cười cười bảo: "Cháu xa làng lâu rồi, chuyện ở làng các bác cứ hỏi mẹ cháu. Mẹ bảo sao cháu nghe vậy. Với lại cháu báo hiếu mẹ cháu còn chưa xong, chuyện làng nước đành nhờ các chú, các anh". Mồm mắng con đừng hỗn nhưng trong lòng bà cũng có chút hả hê. Ngày đó đói kém, bà mẹ một con không ai nương tựa, ai cũng có thể bắt nạt, còn nói bà "đẻ con gái là vô tích sự".
***
Lan man cũng hết buổi sáng, chảo mứt trên bàn đang tỏa ra những sợi hương ngọt ngào. Điện thoại reo, bà nhận ra ngay giọng Khang, thằng bé nhà hàng xóm. Ngày xưa mỗi lần ra đồng về, nó lại tạt vào nhà bà, quăng lại mấy con cua, con cá, có khi chỉ là mấy con muỗm để nướng cho cái Hường. "Cháu gọi về nhà mới biết bác vào ở với chị Hường. Nhà chị Hường cháu biết rồi, hôm nào vợ chồng cháu đến thăm bác. Thằng Tí con nhà Tẹo, thằng Hiển nhà Vinh, cái Đào nhà Xoan cũng đang ở trong này. Hay chiều nay đi bác, cháu biết một chỗ này, chắc chắn bác sẽ thích", Khang nói.
Bà chọn cái áo hoa, lấy trong tủ ra mấy gói bánh, sữa làm quà. Khang hỏi: "Cháu đến đón bác được không?". Bà gạt đi bảo: "Để bác đi taxi, cháu về chở vợ con, đến đâu thì nói địa chỉ cho bác". Có vợ chồng thằng Khang và hai đứa trẻ đến. Khang bảo quán này xập xệ nhưng có nhiều món ngon. Bà gọi mấy món thịt cho vợ con thằng Khang. Lâu lắm bà mới được ăn món quê mình, lúc nhai trúng miếng riềng, chỉ hơi cay nhưng lại muốn rơi nước mắt. Không biết vì vui quá nên ăn nhiều, hay vì món ăn không hợp vệ sinh mà tối về bà bị tiêu chảy đến mức run rẩy đứng không vững. Cái Hường mặt nặng chình chịch, bảo: "Mẹ không biết giữ sức khỏe của mình. Mẹ thích ăn gì, thích gặp bọn nó thì gọi chúng nó đến nhà chả hơn à?". "Mẹ biết nhưng là mẹ vui quá. Gặp lại đám trẻ ngày xưa, nhìn chúng nó trưởng thành an ổn mà vui. Mẹ ngại chúng nó đến lại bày bừa nhà cửa. Trẻ con nghịch phá, với lại mẹ cũng muốn ra ngoài một tí", bà giải thích.
Cái Hường bật cười, nói: "Mẹ cứ làm như con là bà cô khó tính. Mà dù con có khó tính thật thì mẹ là mẹ con, mẹ luôn có quyền, kể cả la mắng con". Bà mỉm cười dồn ngược lại thứ gì đó đang chực trào ra nơi mắt. Cái Hường kéo chăn cho bà, bảo: "Mẹ ngủ đi, con làm việc một lúc nữa sẽ vào ngủ với mẹ".
Lúc cái Hường nhỏm dậy, bà lại vớt vát: "Những món chiều nay rất ngon, khi nào con ăn thử mà xem. Quán ở sát bờ sông, ngồi mà có cảm giác như đang ở quê mình". Cái Hường gật đầu. Ra Tết mà tình hình dịch êm êm, con sẽ đưa mẹ về thăm quê một chuyến nhưng mẹ phải giữ sức khỏe, mẹ cứ khỏe đi, rồi đi đâu con cũng đi cùng mẹ".