Truyền nghị lực sống từ… 10 đô la

30/09/2015 - 14:57
Vào một ngày khó chịu nhất mùa hè năm ấy, tôi đã học được bài học quý giá để tìm lại nghị lực khởi đầu cuộc sống, chỉ với 10 đôla. Trên đời này, còn có cơ hội học hỏi nào tốt hơn thế?

Cái nóng hầm hập đáng ghét mùa hè khiến tôi vô cùng khó chịu. Tôi vừa nhận được kết quả chẩn đoán bị đa xơ cứng, và cái nóng càng khiến cho căn bệnh này trở nên tồi tệ hơn. Sự mệt mỏi và suy nhược nặng khiến tôi cảm thấy như bị cầm tù ngay giữa căn hộ tiện nghi của mình. Tôi thở dài ngán ngẩm khi nghĩ đến viễn cảnh cả mùa hè này sẽ phải trói chân trong nhà, ngày ngày nằm dài dán mắt vào chiếc tivi.

Tôi cảm thấy cô đơn và chán chường - một cảm giác mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nếm trải. Tôi không còn được đắm mình vào những bữa tiệc sôi động, hào hứng kéo dài đến nửa đêm; không còn được làm những điều mình vẫn thích. Không chỉ thế, tôi còn phải tạm rời xa vị trí quản lý đầy quyền lực của mình cùng chiếc xe hơi sang trọng của công ty mà tôi được phép dùng để đi làm.

Không biết phải làm gì, tôi nghĩ đến việc đi siêu thị mua sắm nhưng rồi lại dẹp ngay ý định đó. Căn nhà hầu như đã không còn một ngăn tủ trống nào để tôi tha thêm đồ về. Mấy bộ vest tôi đặt thiết kế riêng vẫn còn nằm trên giá, ủ rũ vì treo quá lâu mà chưa được dùng đến. Mấy bộ váy lụa cũng đã bắt đầu ngả màu mà chưa được mặc một lần. Nơi góc phòng là hàng dãy giày dép với đủ mọi màu sắc, kiểu dáng mà tôi sắm theo từng gam màu của trang phục…

Thế mà trong cơn buồn chán của mình, hôm qua tôi còn chuyển sang mua sắm trên mạng internet. Có lẽ trong ngày hôm nay, họ sẽ lỉnh kỉnh mang đến nhà hàng tá những thứ tôi đã chọn mua. Tất cả những gì tôi cần vào lúc này là làm sao thoát ra khỏi căn nhà đáng chán này.

***

Không thể chịu đựng thêm một giây phút nào nữa, tôi vội vàng thay đồ rồi ra xe - chiếc Mustang màu đỏ mới cứng mà tôi đã mua trực tuyến trên internet. Tôi lái lòng vòng quanh các con phố sầm uất của thành phố rồi tiến ra ngoại thành lúc nào không hay. Đi đâu ư? Tôi hoàn toàn không có phương hướng rõ ràng, chỉ biết đi cho thỏa đôi chân đã quen đi của mình. Tôi vượt qua một bảng hiệu đề ‘Khu chợ đồ cũ hồ Luck’. Thoáng nghĩ hẳn nơi đây có thể mang lại cảm giác dễ chịu, tôi bèn quay xe lại. Đây là lần đầu tiên tôi đến một khu chợ đồ cũ bởi từ bé đến giờ, tôi luôn dùng những món đồ hàng hiệu.

Lòng thờ ơ, tôi bước vào khu chợ với hy vọng cảnh người qua kẻ lại sẽ giúp tôi phần nào khuây khỏa. Thế nhưng, tôi đã không thể nào tiếp tục bình thản. Trước mắt tôi như mở ra một hành tinh xa lạ - một thế giới hỗn độn với những quầy kệ, những dãy bàn gỗ hàng hóa chất thành ngọn và tất cả đều đã qua sử dụng. Thật thú vị là ở đây, tôi được dịp thấy lại những đồ vật từng rất quen thuộc từ thời tôi còn bé: Chiếc lò nướng bánh cổ đã rỉ sét, bộ tách trà bằng đất nung, chiếc radio to đùng với vô số nút vặn… Sao lại có người mua những thứ đã vứt đi này nhỉ?

Chợt tôi để ý đến một ông lão bán sách cũ. Đống sách của ông cũ rích và úa vàng, hầu như quyển nào cũng long bìa. Trước đống sách là một tấm giấy viết nguệch ngoạc ‘25 xu/quyển’. ‘Rõ ràng là ông già này đang rất cần tiền’, tôi thầm nghĩ. Thế là không ngần ngại, tôi chọn lấy một ôm sách và trả cho ông 5 đôla. Ông lão nhìn tôi, khuôn mặt bừng sáng với nụ cười cảm kích khiến tôi cảm thấy hơi bối rối và ngượng nghịu.

Quay trở lại khu chợ sau khi đã cất hết đống sách vừa mua vào xe, tôi đi chầm chậm dọc theo các quầy hàng, vừa thích thú quan sát những cuộc mặc cả, vừa lắng nghe những lời quảng cáo rổn rảng. Chợt tôi chú ý đến một chiếc xe đạp nhỏ được thắt chiếc nơ hồng đã cũ, trên giỏ xe ghim mảnh giấy ghi giá tiền 10 đôla. Đó một chiếc xe rất cũ, nhưng màu sơn và sườn xe vẫn tốt. Nếu còn bé, hẳn tôi sẽ rất thích chiếc xe đạp này.

Lúc đó, có một người phụ nữ dắt tay một bé gái dừng lại trước chiếc xe đạp. Cô bé khoảng 10 tuổi, trên mái tóc cài một chiếc nơ hồng. Đôi mắt cô bé mở to đầy vẻ thích thú. Người phụ nữ cũng chăm chú nhìn ngắm chiếc xe, nhưng rồi chị ta nhanh chóng đưa mắt đi chỗ khác. Cô bé hồn nhiên đưa tay vào túi rồi lôi ra vài đồng xu và mấy tờ giấy bạc được vuốt phẳng phiu, đưa cho mẹ với giọng hào hứng:

- Mẹ ơi, chừng này có đủ không mẹ?

- Con yêu à, mẹ con mình phải mua nhiều thứ khác cần thiết hơn. Chừng đó tiền thì không đủ mua chiếc xe đạp này đâu. Mua những thứ khác xong, mình sẽ quay lại đây và xem còn dư bao nhiêu tiền, con chịu không?

Khuôn mặt đang tươi tắn của cô bé bỗng chốc xịu xuống. Nhưng rồi, cô bé lại vui vẻ nắm lấy tay mẹ và cả hai tiếp tục đi.

***

Chứng kiến câu chuyện, tôi thấy nhói lòng. Người đàn ông rao bán chiếc xe nhìn theo bóng hai mẹ con đầy tiếc nuối. Rõ ràng, chính ông cũng là người đang rất cần 10 đôla. Tôi đưa ngay cho ông tờ 10 đôla và nhờ ông gửi giúp chiếc xe đạp cho cô bé đó khi mẹ con em quay lại.

- Tên cô là gì? Để lỡ chị ta hỏi thì tôi còn có thể trả lời?

- Ông chỉ cần nói đó là món quà từ một người phụ nữ muốn cảm ơn mẹ con họ.

- Vâng, tôi sẽ nói như thế. Nhưng cô có thể cho tôi biết vì sao cô lại cảm ơn họ không?

- Vì họ đã giúp tôi thay đổi cách nhìn về cuộc sống này!

Đoạn, tôi vào quán nước gần đó và ngồi trong một góc khuất. Khi mẹ con cô bé nọ vừa xuất hiện từ đằng xa, người đàn ông đã vội vẫy họ lại và dắt chiếc xe đạp ra, trao tận tay cô bé. Cô bé cười rạng rỡ vì sung sướng, còn người mẹ thì lộ vẻ xúc động. Tôi thấy chị ta viết gì đó lên một tờ giấy và trao lại cho người bán hang, rồi hai mẹ con dắt xe đi.

Khi họ đã đi khỏi, tôi bước lại quầy hàng.

Món quà của cô thật ý nghĩa và hữu ích. Alice sẽ dùng nó để đến trường mỗi ngày. Cảm ơn cô, đó là món quà tuyệt vời nhất trên đời này mà mẹ con tôi từng nhận được!”.

Người phụ nữ ấy đã viết như thế.   

- Ông có biết mẹ con họ ở đâu trong vùng này không? - Tôi hỏi.

 - Biết chứ. Họ mới dọn tới cách đây 2 tháng, đang ở trọ cuối phố này. Họ sẽ ở đó cho đến khi người mẹ tìm được việc làm và một chỗ trọ ổn định hơn.

Khi tôi về đến nhà, mọi thứ đã thay đổi. Căn hộ của tôi bỗng trở nên đáng yêu và thân thuộc hơn. Tôi thấy vui khi mấy chú chó cưng vừa nghe tiếng xe đã vội chạy ra, xoắn xít quanh chân tôi như trẻ con vòi quà. Thật là những người bạn trung thành thầm lặng! Vừa trò chuyện cùng chúng, tôi vừa bước xuống tầng hầm và soạn vài chiếc hộp giấy. Miệng huýt sáo một bài nhạc tươi vui, tôi vào phòng chọn lấy một số bộ đồ treo trên giá, giày và cả khăn mặt, khăn giấy… Tôi viết đôi lời chúc tốt lành cho hai mẹ con cô bé rồi xếp tất cả vào hộp trước khi dán băng keo cẩn thận…

Vào một ngày khó chịu nhất mùa hè năm ấy, tôi đã học được bài học quý giá để tìm lại nghị lực khởi đầu cuộc sống, chỉ với 10 đôla. Trên đời này, còn có cơ hội học hỏi nào tốt hơn thế?

Cơ hội vẫn luôn ở phía trước

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm