pnvnonline@phunuvietnam.vn
BS Nguyễn Võ Hinh: "Giếng nước bị ngập lụt, nhất thiết phải thau vét và khử trùng mới được sử dụng"
TTUT.BS Nguyễn Võ Hinh hiện là Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đối với những khu vực miền núi hay nông thôn nếu như chưa có nước máy thì nước giếng trở thành nguồn cấp nước sinh hoạt cũng như ăn uống hàng ngày cho người dân.
Hiện tại, có hai loại giếng nước phổ biến là giếng khơi và giếng khoan. Trong đó, phổ biến nhất có thể kể tới giếng khơi. Theo quan sát thì sau lũ lụt, đa phần các giếng nước đều ở trạng thái bị ô nhiễm nặng dù người dân đã thực hiện một số biện pháp che chắn nhưng đều cần phải xử lý đúng cách mới có thể sử dụng được.
Bác sĩ Hinh cho biết, khi lũ lụt xảy ra thì việc rác rưởi, xác động vật, gia súc hay chất thải từ cống rãnh lan tràn khắp nơi và gây ra ô nhiễm nghiêm trong đối với nguồn nước. Điều này không loại bỏ đối với giếng nước. Do đó mà việc xử lý nước giếng sau lũ là điều cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh và các nguy cơ khác ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Vậy xử lý nước giếng sau lũ như thế nào là đúng cách?
1. Xử lý nước giếng khơi
Khi bị lũ lụt, người dân thường sử dụng những tấm vải nulon hay các nắp đậy để che/bịt kín miệng giếng lại. Tuy nhiên phương pháp này vẫn khó có thể ngăn chặn tình trạng bị ô nhiễm của giếng nước. Bác sĩ Hinh cho biết, phương pháp che đậy thủ công chỉ giúp ngăn chặn được các rác thải hay cặn bẩn xâm nhập vào giếng chứ không thể ngăn chặn được việc nước bẩn nhiễm vào giếng nước.
Vì thế mà để xử lý nước giếng khơi bị ô nhiễm sau lũ, người dân cần tiến hành các thao tác khử khuẩn dưới đây:
Thau vét và rửa giếng nước
Điều đầu tiên của công tác khử khuẩn giếng nước chính là thau vét giếng, cụ thể như sau:
- Khơi thông tất cả những vũng nước còn tồn động xung quanh khu vực giếng khơi cần khử khuẩn
- Tháo bỏ các tấm che đậy hay nylon được sử dụng bịt miệng giếng khi có lũ ra
- Làm sạch miệng giếng, rửa trôi đất cát và rác thải còn bám vào trên thành giếng và sàn giếng.
Sau khi làm vệ sinh bước đầu sẽ tiến hành thau vét giếng. Người dân cần múc cạn hết nước và bùn cặn trong giếng. Nếu như không thể thau vét giếng được thì nên lựa chọn ít nhất một giếng khơi khác để khử khuẩn và dùng chung cho cộng đồng trong thôn, xã.
Đối với trường hợp tất cả các giếng khơi trong khu vực gặp khó khăn trong việc thau vét có thể tạm thời áp dụng biện pháp khử khuẩn đối với thể tích nước nhỏ một. Múc vài chục lít nước lên khu vực có bể chứa rồi sử dụng phèn chua để khử trùng chờ tới khi mực nước giếng giảm xuống thấp có điều kiện thau vét tốt hơn rồi thực hiện thau vét giếng tiếp.
Bác sĩ Hinh cho biết, nếu như khu vực không tìm được phèn chua để khử khuẩn thì có thể sử dụng biện pháp lọc sau:
- Tạo một bể lọc bằng cát tạm thời, bể lọc có thể là thùng, xô, vại với dung tích chứa khoảng 20 - 30 lít nước.
- Sau đó đục một lỗ nhỏ với đường kính khoảng 1cm lên khu vực vách bể, cách với đáy thùng chừng 5 cm rồi lấy đá vụn, gạch vụn lót ở phía đáy bể. Tiếp đó đặt thêm một mảnh bao tải gai lên rồi đổ cát dày ở phía trên sao cho lớp cát cao khoảng 25 - 30 cm.
- Đổ nước vào lọc, chờ tới khi nước chảy ra trong suốt là có thể đem đi khử trùng và sử dụng được.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng, với các giếng khơi bị ngập lụt thì NHẤT ĐỊNH PHẢI THAU VÉT VÀ KHỬ TRÙNG RỒI MỚI ĐƯỢC SỬ DỤNG. Các cơ sở thường xảy ra lũ lụt, cần chuẩn bị một máy phát điện nhỏ và một máy bơm nước để có thể mang đi xử lý một số giếng nước cho các cụm dân cư trong những trường hợp cần thiết.
Làm trong nước giếng
Sau khi thau vét giếng khơi thành công thì cần tiến hành làm trong nước giếng đã bị đục do nước lũ gây ra. Phương pháp làm trong nước giếng cơ bản nhất là sử dụng phèn chua (phèn nhôm) với liều dùng là 50gram phèn nhôm/1m3 nước. Đối với những nơi giếng nước đục nhiều thì có thể thả nước phèn nhôm tối đa lên đến 100gram/1m3 nước giếng.
Sau đó dùng gàu hoặc xô nước tưới đều dung dịch phèn chua vừa pha vào lòng giếng. Người dân nên thả gàu nước chìm sâu xuống giếng rồi kéo mạnh lên, lặp đi lặp lại khoảng 10 lần rồi để yên trong khoảng thời gian 30 phút cho tới 1 tiếng tới khi cặn được lắng xuống hết rồi tiếp tục bước khử trùng nước giếng.
Khử trùng nước giếng
Xét về nguyên tắc làm sạch nước bị nhiễm bẩn sau lũ thì nước sau khi khử trùng phải đạt được nồng độ clo thừa là từ 0.5mg - 1mg/1 lít nước giếng. Để khử trùng nước giếng thì cần phải ước lượng được lượng chloramin B hay chlorure vôi cần thiết. Cụ thể:
- Nếu sử dụng chloramin B thì nồng độ cần thiết là 10gram/1m3 nước
- Nếu sử dụng chlorure vôi 20% thì là 13 gram/1m3 nước còn chlorure vôi 70% thì là 4gram/1m3 nước.
Sau đó người dân xử dụng xô nước hoặc gàu nước khuấy đều các chất chất đã chuẩn bị vào tới khi tan hết rồi tưới vào giếng. Thả xô/gàu xuống giếng sao cho chìm sâu tới nửa cột nước giếng thì kéo lên, lặp đi lặp lại khoảng 10 lần. Lưu ý, cần lấy nước này dội lên thành giếng, sàn giếng để khử trùng và để trong khoảng 30 phút thì có thể đem nước này sử dụng được.
Một điều cần chú ý là mặc dù nước giếng đã khử trùng bằng chloramin như trên, nhưng nước cần phải đun sôi để nguội mới được uống. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng nước giếng, chỉ nên ăn, uống bằng nước giếng đã được đun sôi từ 10 phút trở lên và không nên ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.
2. Xử lý nước giếng khoan
Đối với nước giếng khoan thì việc xử lý nước sau lũ lụt cũng dễ dàng hơn. Chú ý là bơm nước và nền giếng khoan cần phải được làm sạch cẩn thận.
Các bước xử lý nước giếng khoan như sau:
- Bơm hết nước bị đục và bơm liên tục trong khoảng thời gian là 15 phút để loại bỏ hết nước có nguy cơ bị nhiễm bẩn sau lũ
- Sau khi bơm hết nước đục, chờ tới nước trong trở lại là có thể sử dụng được.