Từ 1/10, điều tra thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số

01/10/2019 - 12:30
Tổng cục Thống kê cho biết, bắt đầu từ 7h30 ngày 1/10/2019 tiến hành cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.
Mục đích của điều tra thu thập thông tin nhằm phản ánh thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống Chỉ tiêu về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.
 
 
Bắt đầu từ hôm nay (1/10), Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019

  

Số liệu thống kê còn dùng làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
 
Đối tượng điều tra gồm nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ dân cư người dân tộc thiểu số tính đến thời điểm điều tra; các trường hợp chết của các thành viên trong hộ dân tộc thiểu số; điều kiện kinh tế-xã hội và nhà ở của hộ dân tộc thiểu số; tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, II và III (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017) và các xã, phường, thị trấn không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
 
 
Cuộc điều tra thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số, miền núi với 14.659 địa bàn

 

Phạm vi điều tra được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 3 địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương), tại 440 huyện và 5.464 xã.
 
Tổng số địa bàn điều tra được chọn là 14.659 địa bàn. Tổng số hộ được chọn điều tra là 540.740 hộ; trong đó 123.060 hộ thuộc địa bàn điều tra toàn bộ; 298.680 hộ/1.002.902 hộ thuộc địa bàn điều tra 30 hộ mẫu và 119.060 hộ/226.264 hộ thuộc địa bàn điều tra toàn bộ.
 
Nội dung điều tra gồm 2 nhóm, thứ nhất, điều tra tại hộ, gồm: Thông tin chung về dân số; thông tin về lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết của hộ trong 12 tháng qua (từ 1/10/2018-1/10/2019); thông tin về nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; thông tin về số lượng từng loại gia súc chủ yếu của hộ; thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và tiếp cận dịch vụ công cộng.
 
Nhóm thứ hai, điều tra tại Ủy ban Nhân dân xã, gồm thông tin chung về đặc điểm của xã; thông tin về sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; bưu điện, nhà văn hóa, thông tin liên lạc; y tế và vệ sinh môi trường; chợ và cụm/khu công nghiệp; điều kiện làm việc trình độ công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng và an ninh.
 
Dự kiến số liệu sẽ công bố vào tháng 6/2020

 

Theo Tổng cục Thống kê, Điều tra dân tộc thiểu số là cuộc điều tra chọn mẫu, được phân bổ đảm bảo mức độ đại diện đến cấp huyện về một số chỉ tiêu nhân khẩu học của các dân tộc nói chung và từng dân tộc chủ yếu trong huyện nói riêng.
 
Riêng đối với dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người trên toàn quốc sẽ tiến hành điều tra toàn bộ.
 
Tổng cục Thống kê cho biết việc chuẩn bị cho điều tra đã và đang được Tổng cục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc thực hiện nhằm bảo đảm thu thập thông tin tại địa bàn được diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
 
Để bảo đảm thu thập thông tin Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thực hiện hiệu quả, Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đang tiếp tục rà soát địa bàn, rà soát, cập nhật bảng kê hộ điều tra, bảo đảm điều tra viên đến đúng hộ, đúng đối tượng điều tra thu thập thông tin theo đúng quy định của phương án điều tra.
 
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê, Ủy ban Dân tộc tiến hành lễ ra quân và tuyên truyền, giúp người dân và toàn hệ thống chính trị tại địa phương hiểu và hợp tác chặt chẽ trong Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019.
 
Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền để bảo đảm thu thập thông tin đầy đủ các đối tượng điều tra theo quy định của phương án; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thu thập thông tin tại địa bàn nhằm bảo đảm thu thập đạt hiệu quả; không để xảy ra hiện tượng điều tra trùng hay sót hộ trong điều tra.
 
Thông tin và số liệu thu thập được trong cuộc điều tra này là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc nói riêng và góp phần vào sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm