Từ 1/7, mạnh tay dẹp dược liệu bẩn nhập khẩu

09/06/2016 - 11:53
'Dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, đối tác cung cấp nguyên liệu phải là DN được nước sở tại cấp phép kinh doanh dược liệu', quy định này liệu có giúp chặn dược liệu bẩn trị giá hàng trăm triệu đô nhập khẩu mỗi năm.
'Nhằm đảm bảo nguồn dược liệu được cung cấp đảm bảo, Bộ Y tế đã có thông tư yêu cầu dược liệu nhập vào Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có đối tác bên nhập từ Trung Quốc được phép kinh doanh dược liệu. Theo đó doanh nghiệp Việt Nam muốn được nhập khẩu dược liệu phải đảm bảo điều kiện yêu cầu. Ngoài ra, cơ sở nhập khẩu dược liệu khi đăng ký tờ khai Hải quan còn phải xuất trình bản chính và nộp cho cơ quan hải quan bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp các giấy tờ theo quy định. Đặc biệt, từ ngày 01/7/2016, dược liệu nhập khẩu trong Danh mục phải có Phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn 'Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP)', đối với cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn GMP thì phải có Phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp', ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) vừa chia sẻ vấn đề này tại buổi tọa đàm Phát triển dược liệu bền vững vừa được Bộ Y tế tổ chức ngày 8/6. 
 
Cũng tại buổi tọa đàm ông Phạm Vũ Khánh cho biết, hiện nước ta có khoảng 4.000 loài thực vật, cây cỏ làm thuốc trên tổng số hơn 10.600 loài thực vật. Trung bình mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu nhưng phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường phi mậu dịch nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý chất lượng. Trong năm 2015, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng (không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu), trong đó chủ yếu là các mẫu với các vị thuốc gồm ý dĩ, hoàng kỳ, thăng ma, thiên ma, hoài sơn vốn là những loại hay bị làm giả (sử dụng loài khác để làm vị thuốc này) nên khi kiểm nghiệm kết quả đều không đạt. Đối với dược liệu ngoài yếu tố sạch còn cần có hoạt chất, hoạt tính. Có những vị khi kiểm nghiệm đã chiết xuất không còn đủ hàm lượng.
duoc.jpg
Việt Nam có thể trồng được nhiều loại dược liệu
Còn kết quả giám sát tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương với gần 400 mẫu dược liệu, có tới 60% chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% bị trộn rác, cát, xi măng, lẫn tạp chất, thậm chí tẩm ướp cả hóa chất độc hại.
 
Trung bình mỗi tuần, có khoảng 300 - 400 tấn dược liệu được nhập khẩu thông qua cửa khẩu Chi Ma. Nguồn dược liệu của Trung Quốc có 2 loại, nông sản và dược liệu trồng, thu hái tự nhiên. Những dược liệu ở dạng nông sản không đảm bảo chất lượng để làm thuốc có giá rẻ. Nguồn này lại được nhập chủ yếu vào Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam có nhiều loại dược liệu quý, điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển nhưng chỉ cung ứng được một phần khiêm tốn.
 
Bên cạnh những giải pháp đảm bảo nguồn dược liệu nhập khẩu tốt. Việc phát triển nguồn dược liệu trong nước đang được quan tâm và cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Với những động thái 'xiết' dược phẩm bẩn ngay từ nguồn nhập khẩu thông qua các quy định chặt chẽ của Thông tư số 03/2016/TT-BYT quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu, liệu có đem lại một thị trường dược liệu an toàn hơn hay không? PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này tới bạn đọc trong thời gian tới. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm