Từ 3/1/2023, lấy ý kiến Nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

PVH
13/12/2022 - 15:44
Từ 3/1/2023, lấy ý kiến Nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Hoạt động đối thoại, lấy ý kiến của nhân dân ở cơ sở. Ảnh minh hoạ

Tại phiên họp thứ 18 chiều 13/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tinh thần là "mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm" thì nội hàm "Nhân dân" trong việc lấy ý kiến được xác định như thế nào, là những ai, thì cần phải làm rõ.

Tiếp tục chương trình làm việc chiều 13/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Mục đích của việc tổ chức lấy kiến Nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai…

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan. Nội dung lấy ý kiến Nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội…

Trong đó, dự kiến thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01 đến hết ngày 28/02/2023, thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật và các hình thức khác phù hợp.

Từ 3/1/2022, lấy ý kiến Nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Về trách nhiệm triển khai, Chính phủ xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân của địa phương. 

Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm đăng tải, tuyên truyền, phố biến, phản ánh các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan, phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của Nhân dân.

Việc lấy ý kiến phải đảm bảo thực chất, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu

Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, "tinh thần là "mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm" thì nội hàm "Nhân dân" trong lấy ý kiến Nhân dân được xác định như thế nào, là những ai? Có phải gồm người dân và doanh nghiệp….Đây là nội dung cần được làm rõ".

Về cách thức lấy ý kiến được hiệu quả, tránh hình thức, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề: "Nếu như chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, liệu người dân có thể thấy hết được vấn đề. Hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có, cần có gợi ý cụ thể cho người dân nắm được". Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc lấy ý kiến cần thực chất, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu. Đồng thời cần xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan của Quốc hội "không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về". Các cơ quan của Quốc hội cần xác định rõ vai trò, có sự chủ động tham gia, phát huy vai trò giám sát.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong thời gian ngắn, cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến Nhân dân bằng cách tổ chức hợp lý tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu.

Từ 3/1/2022, lấy ý kiến Nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến Nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Về thời gian lấy ý kiến Nhân dân (Điều 5), hiện có 02 loại ý kiến khác nhau, 100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai. Đó là đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến Nhân dân đến hết ngày 15/3/2023. Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một phiên họp riêng về dự án Luật vào thời điểm sau ngày 20/4/2023.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, lựa chọn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, để Nhân dân xem xét, góp ý về:

(1) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số;

(2) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

(3) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại;

(4) Nguyên tắc "đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất…


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm