pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ A-Z những điều cần biết về bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em
- 1. Viêm phế quản co thắt ở trẻ em là gì?
- 2. Nguyên nhân gây viêm phế quản co thắt ở trẻ em
- 2.1. Do vi sinh vật gây bệnh
- 2.2. Do cơ địa dị ứng
- 3. Triệu chứng viêm phế quản co thắt ở trẻ em
- 3.1. Giai đoạn khởi phát
- 3.2. Giai đoạn toàn phát
- 4. Viêm phế quản co thắt ở trẻ em cần làm xét nghiệm gì?
- 5. Viêm phế quản co thắt ở trẻ em nguy hiểm không?
- 6. Điều trị viêm phế quản co thắt ở trẻ em
- 6.1. Điều trị các triệu chứng viêm phế quản co thắt ở trẻ em
- 6.2. Điều trị nguyên nhân gây bệnh
- 6.3. Điều trị biến chứng
- 7. Phòng tránh bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em
1. Viêm phế quản co thắt ở trẻ em là gì?
Viêm phế quản co thắt là một thể đặc biệt của bệnh viêm phế quản, xảy ra khi các tổ chức của phế quản bị viêm. Điểm khác biệt của viêm phế quản co thắt so với các thể viêm phế quản khác là có sự co thắt cơ trơn ở phế quản khiến thu hẹp lòng phế quản tạm thời.
Bệnh viêm phế quản co thắt có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, trẻ em thường là những đối tượng hay mắc viêm phế quản co thắt nhất trên thực tế.
Do viêm phế quản co thắt ở trẻ em làm giảm tiết diện các phế quản trong phổi nên có thể gây ra nhiều biến chứng hết sức nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tính mạng của trẻ.
2. Nguyên nhân gây viêm phế quản co thắt ở trẻ em
2.1. Do vi sinh vật gây bệnh
Nguyên nhân vi sinh vật là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em. Điều này là bởi hệ miễn dịch ở trẻ chưa hoàn thiện và còn rất non nớt. Vì vậy chúng sẽ dễ bị các vi sinh vật gây bệnh tấn công hơn so với người lớn, nhất là trong các điều kiện bất lợi như thay đổi thời tiết, giao mùa,...
Ban đầu, hệ hô hấp của trẻ thường bị tấn công bởi virus, hay gặp nhất là do virus hợp bào hô hấp (RSV) . Khi hệ hô hấp của trẻ bị tổn thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn vốn ký sinh ở vùng mũi họng của trẻ (phế cầu, tụ cầu, liên cầu, H.influenzae) phát triển mạnh mẽ hơn, bội nhiễm và gây bệnh. Một trong số các bệnh lý đó là bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em.
2.2. Do cơ địa dị ứng
Trong một số trường hợp, cơ địa dị ứng làm tăng tính mẫn cảm đường hô hấp của trẻ đối với các tác nhân như thời tiết, hóa chất, phấn hoa,... Nếu hệ hô hấp của trẻ có cơ địa dị ứng bị tiếp xúc với các yếu tố này cũng có thể xảy ra tình trạng viêm làm khởi phát bệnh viêm phế quản co thắt.
3. Triệu chứng viêm phế quản co thắt ở trẻ em
Nhận biết đúng các triệu chứng của bệnh viêm phế quản co thắt có vai trò quyết định trong chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. Triệu chứng trong bệnh viêm phế quản co thắt có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác, đặc biệt là với bệnh hen phế quản.
3.1. Giai đoạn khởi phát
Khi bệnh mới khởi phát, các dấu hiệu của viêm phế quản co thắt ở trẻ em biểu hiện tương đối nhẹ nên thường ít được chú ý đúng mức, dẫn đến bỏ qua bệnh. Trẻ hay có các dấu hiệu của hội chứng viêm long đường hô hấp trên do sự tấn công của virus. Những triệu chứng chính biểu hiện trong giai đoạn này bao gồm:
- Hắt hơi
- Chảy mũi nước trong
- Ho, có thể có khạc đờm và thường là đờm trong
- Sốt nhẹ, ít khi sốt cao ngay trong giai đoạn đầu
3.2. Giai đoạn toàn phát
Sau giai đoạn khởi phát kéo dài khoảng 2-3 ngày sẽ đưa đến giai đoạn toàn phát của bệnh. Trong giai đoạn này các biểu hiện trở nên rầm rộ hơn, những biến chứng có thể xảy ra nếu không được điều trị kịp thời.
- Trẻ sốt cao
- Ho nhiều, sổ mũi và khạc đờm xanh hoặc vàng nếu có bội nhiễm vi khuẩn
- Nôn hoặc buồn nôn
- Trẻ thở gắng sức, thở khò khè, thở rít, thở nhanh
- Co kéo các cơ hô hấp phụ khi thở như cơ thành bụng, các cơ liên sườn, cánh mũi phập phồng theo nhịp thở
- Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ trở nên tím tái, dễ quan sát nhất ở những nơi như môi, đầu chi,...
4. Viêm phế quản co thắt ở trẻ em cần làm xét nghiệm gì?
Cũng giống như các bệnh lý khác, bên cạnh những triệu chứng lâm sàng thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán viêm phế quản co thắt ở trẻ em chính xác hơn.
- Công thức máu: Công thức máu là một xét nghiệm thường quy trong chẩn đoán bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em. Biến đổi chính thường thấy trong công thức máu của trẻ là sự tăng cao số lượng bạch cầu.
- Chụp X-Quang: X-Quang là cận lâm sàng rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em. Trên phim X-Quang có thể thấy hình ảnh dày lên của những phế quản trong phổi của trẻ.
- Khí máu động mạch: Xét nghiệm khí máu động mạch thường được chỉ định cho những trẻ bị suy hô hấp để đánh giá mức độ suy hô hấp, cũng nhưng những ảnh hưởng của suy hô hấp gây ra đối với cơ thể.
- Test dị nguyên: Với các trường hợp viêm phế quản co thắt ở trẻ em nghi ngờ do mẫn cảm với các dị nguyên gây nên, bác sĩ sẽ tiến hành bài test dị nguyên để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Nó có ý nghĩa lớn trong phòng tránh tái phát bệnh ở những lần tiếp theo.
5. Viêm phế quản co thắt ở trẻ em nguy hiểm không?
Thông thường, nếu được phát hiện bệnh sớm và điều trị bằng đúng phương pháp thì bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ có thể khỏi hẳn mà không để lại di chứng gì.
Tuy nhiên, khi bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em không được quan tâm và điều trị đúng mức, nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau. Tình trạng viêm nhiễm ở các phế quản có thể lan rộng dẫn đến viêm phổi, hoặc có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Khi các đường dẫn khí trong phổi bị co thắt nghiêm trọng sẽ dẫn đến tình trạng suy hô hấp. Nếu không can thiệp kịp thời bằng các biện pháp thích hợp thì thậm chí sẽ có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
6. Điều trị viêm phế quản co thắt ở trẻ em
Việc điều trị viêm phế quản co thắt ở trẻ em nên được diễn ra sớm với thái độ tích cực. Các nội dung của điều trị bao gồm điều trị triệu chứng bệnh, điều trị nguyên nhân gây bệnh và xử lý các biến chứng bệnh nếu có.
6.1. Điều trị các triệu chứng viêm phế quản co thắt ở trẻ em
- Hạ sốt: Hạ sốt cho trẻ bị viêm phế quản co thắt là cần thiết. Nếu trẻ bị sốt nhẹ dưới 38,5 độ C thì chỉ nên dùng các biện pháp hạ sốt vật lý như cởi bớt áo quần, lau người (cổ, nách, bẹn,...) bằng khăn ấm. Thuốc hạ sốt chỉ nên sử dụng cho trẻ khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, hay dùng là paracetamol hoặc ibuprofen.
- Long đờm: Nếu trẻ có dấu hiệu của nhiều đờm đặc thì cần làm loãng đờm cho trẻ đến giảm tắc nghẽn đường hô hấp. Trẻ nên được cho uống nhiều nước, ăn nhiều các loại thức ăn lỏng (cháo, súp,...). Đồng thời có thể sử dụng các loại thuốc long đờm như acetylcystein, bromhexin,...
- Khó thở: Khi trẻ bị khó thở nhiều do co thắt phế quản, các loại thuốc giãn phế quản có thể được sử dụng. Để có tác dụng nhanh và hạn chế tác dụng toàn thân của thuốc giãn phế quản, chúng thường được chỉ định sử dụng bằng cách phun khí dung.
- Bù nước, điện giải: Trẻ sốt cao liên tục, thường xuyên nôn ói do viêm phế quản tắc nghẽn có thể dẫn đến rối loạn nước điện giải. Khi mất nước và điện giải mức độ nhẹ thì có thể bù dịch bằng cách cho trẻ uống Oresol. Khi mất nước nặng thì cần bù dịch bằng dịch truyền đường tĩnh mạch.
6.2. Điều trị nguyên nhân gây bệnh
Thuốc kháng sinh không phải là một chỉ định bắt buộc đối với các trường hợp viêm phế quản co thắt ở trẻ em. Nó chỉ được sử dụng nếu có các dấu hiệu cho một tình trạng nhiễm khuẩn như ho khạc đờm vàng, bạch cầu tăng cao (chủ yếu là bạch cầu neutrophil),...
Còn khi trẻ mắc viêm phế quản co thắt do virus thì thuốc kháng sinh sẽ không được sử dụng. Trong trường hợp này trẻ chỉ được điều trị những triệu chứng của bệnh và xử lý cac biến chứng nếu có. Bệnh có thể tự khỏi sau 7-10 ngày.
6.3. Điều trị biến chứng
Như đã nói, viêm phế quản co thắt ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí là đe dọa tính mạng của trẻ. Đặc biệt trong đó phải kể đến là tình trạng suy hô hấp.
Khi trẻ có các dấu hiệu của suy hô hấp như thở nhanh, co kéo các cơ hô hấp phụ, tím tái, rối loạn trên kết quả khí máu động mạch,... thì cần được can thiệp ngay.
Nếu suy hô hấp nhẹ, trẻ cần được cho thở oxi kết hợp với các thuốc làm giãn phế quản. Còn trường hợp bị suy hô hấp nặng, trẻ có thể cần được can thiệp tích cực hơn bằng các biện pháp như thở máy,...
7. Phòng tránh bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em
Cách tốt nhất để ngăn chặn những nguy hiểm do bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em đó là phòng tránh bệnh, không để bệnh xảy ra. Một số biện pháp phòng tránh viêm phế quản co thắt ở trẻ em có thể kể đến bao gồm:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để trẻ nhận được kháng thể từ sữa mẹ. Điều này giúp trẻ chống lại các loại vi sinh vật tốt hơn.
- Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ, nhất là trong các thời điểm bất lợi như chuyển mùa, thay đổi thời tiết.
- Quét dọn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát và đủ ánh sáng để tránh các loại vi sinh vật gây bệnh phát triển.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi và ô nhiễm. Nếu cần thiết đưa trẻ ra ngoài thì nên đeo khẩu trang cho trẻ.
- Tiêm vaccine cho trẻ theo đúng hướng dẫn để tạo miễn dịch chủ đọng trước sự tấn công của các vi sinh vật gây bệnh.
Trên đây là một số thông tin cơ bản đến các bậc phụ huynh về bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em. Nếu có thêm các thắc mắc liên quan đến bệnh, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải thích đầy đủ và chi tiết hơn.