Bà Corazon Aquino sinh ngày 25/7/1933 với tên đầy đủ là Maria Corazon Sumulong Cojuangco tại tỉnh Tarlac, Philippines trong một gia đình giàu có có nguồn gốc Tây Ban Nha và Trung Quốc. Cha bà từng nắm giữ các cổ phần lớn trong ngân hàng đồng thời quản lý một đồn điền mía rộng 37.000 héc-ta.
Vào năm 13 tuổi, Aquino đã sang Mỹ để học tập, nơi bà hoàn thành chương trình giáo dục trong các trường nội trú dành cho những tín đồ theo dòng Thiên Chúa giáo La Mã ở Philadelphia và New York.
Bà Corazon Aquino trong thời gian học ở Mỹ |
Sau khi trở về Philippines, bà học ngành luật tại Đại học Viễn Đông (Far East University) nhưng bỏ giữa chừng vào năm 1954 để kết hôn với Benigno Aquino, một nhà báo xuất thân gia đình giàu có cũng từ tỉnh Tarlac.
Trong suốt 20 năm sau đó, bà Aquino đứng ở hậu phương để hỗ trợ cho sự nghiệp chính trị của ông Benigno. Bà Aquino bước chân vào chính trị khi chồng bà bị ngồi tù năm 1973 sau khi Tổng thống Marcos tuyên bố tình trạng thiết quân luật.
Trong suốt 7 năm tiếp theo, bà trở thành mối liên hệ duy nhất liên hệ của chồng với thế giới bên ngoài, truyền tải những suy nghĩ và các bài diễn thuyết tới các cuộc họp báo để mọi người vẫn nhớ tới ông.
Do áp lực từ chính quyền Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, ông Benigno đã được thả vào năm 1980. Gia đình bà sau đó đã chuyển tới Boston, Mỹ nơi bà Aquino trở lại với vai trò người nội trợ.
Bà Corazon Aquino (giữa) trong ngày cưới |
Tháng 8/1983, ông Benigno trở lại Philippines để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sau 3 năm sống lưu vong tại Mỹ. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân xuống sân bay Manila, ông đã bị ám sát.
Phe đối lập Philippines cáo buộc tổng thống đương nhiệm khi đó là Ferdinand Marcos dàn dựng vụ ám sát và các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ đã diễn ra trên toàn quốc. Bà Aquino lúc đầu dẫn đầu hơn 1 triệu người ủng hộ tham gia lễ tang chồng. Mặc dù không có kinh nghiệm chính trị nhưng đứng trước mộ ông Benigno, bà Aquino thề sẽ tiếp tục sự nghiệp của chồng.
Trước sức ép của phe đối lập, Tổng thống Marcos đã bất ngờ tuyên bố bầu cử tổng thống trước thời hạn vào năm 1985 để gia tăng quyền lực. Bà Aquino đã ra tranh cử tổng thống.
Sau một chiến dịch tranh cử quyết liệt, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 7/2/1986 và Quốc hội Philippines tuyên bố ông Marcos tái đắc cử. Tuy nhiên, các nhà báo, nhiều nhà quan sát nước ngoài và các lãnh đạo tôn giáo đã cáo buộc hàng loạt gian lận trong cuộc bầu cử.
Với sự hậu thuẫn của quân đội, bà Aquino đã đứng đầu cuộc nổi dậy với sự tham gia của hàng trăm nghìn người và lật đổ Tổng thống Ferdinand Marcos.
Ngày 25/2/1986, Marcos và gia đình chạy trốn tới Hawaii, Mỹ. Cùng ngày, bà Aquino đã nhậm chức nữ tổng thống đầu tiên của Philippines.
Bà luôn được người dân Philippines nhớ đến trong hình ảnh mặc chiếc áo vàng quen thuộc |
Bà Aquino được xem là biểu tượng của sự dũng cảm chính trị khi dẫn đầu cuộc nổi dậy được gọi là "quyền lực của nhân dân" lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos. Bà được dân chúng Philippines gọi một cách thân mật là Cory và được nhiều người nhớ tới trong hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé mặc áo vàng lãnh đạo các cuộc biểu tình của người dân để lật đổ chế độ độc tài.
Sau khi lên nắm quyền, bà Aquino đã phục hồi các thể chế dân chủ của đất nước thông qua một hiến pháp mới quy định một nhiệm kỳ tổng thống 6 năm duy nhất và tiến hành một loạt cải cách được người dân ủng hộ.
Bà cũng ký kết một thoả thuận hoà bình với Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), nhóm phiến quân ly khai lớn nhất Philippines. Bà Aquino đã bảo vệ nền dân chủ của đất nước và phóng thích các tù nhân chính trị.
Trong suốt 6 năm cầm quyền, từ 1986 đến 1992, bà Aquino đã dẹp 7 cuộc đảo chính do những người trung thành của cựu Tổng thống Marcos và các quan chức quân đội mâu thuẫn với bà dàn dựng.
Bà qua đời ngày 1/8/2009 |
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 1992, bà Aquino trở về đời sống thường dân. Bà được phát hiện mắc bệnh ung thư ruột kết vào tháng 3/2008 và qua đời ngày 1/8/2009.
Bà Aquino được đề cử giải Nobel Hoà bình năm 1986 và từng nhận các giải thưởng vì những nỗ lực của bà trong việc thúc đẩy dân chủ và quyền con người. Bà còn nằm trong top 25 người phụ nữ quyền lực nhất thế kỷ XX do tạp chí Time bình chọn.