pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tu bổ, tôn tạo để phát huy giá trị Di tích Quốc gia đền Trấn Vũ
Di tích đền Trấn Vũ
Hội thảo khoa học về giá trị văn hóa, lịch sử cụm di tích đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) vừa được tổ chức để phục vụ đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích.
Cụm di tích đền Trấn Vũ gồm có Đền Trấn Vũ và chùa Cự Linh. Do lịch sử, chùa Cự Linh cũ đã đổ nát, không còn, hiện chỉ còn một số di vật như bia đá, tháp mộ, tượng thờ… Chùa Cự Linh ngày nay là chùa được phục dựng.
Di tích đền Trấn Vũ đã được công nhận là Di tích nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1990 với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật được lưu giữ qua các di vật, di sản quý báu tại di tích. Tiêu biểu là pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015. Đây là pho tượng có giá trị về nghệ thuật đúc đồng và nghệ thuật tạo tác tượng cuối thế kỷ 17 của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam. 23 đạo sắc phong có niên đại từ năm 1740 đến 1940 được UBND TP Hà Nội công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm.
Nghi lễ Kéo co ngồi đền Trấn Vũ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2014. Theo hồ sơ đề nghị của Việt Nam, UNESCO ghi danh Nghi lễ và trò chơi Kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội. Trong đó có Nghi lễ Kéo co ngôi đền Trấn Vũ được các cơ quan quản lý văn hóa, đặc biệt là UNESCO, đã triển khai tổ chức giao lưu với các nước trên thế giới, được đông đảo bạn bè quốc tế quan tâm, về thăm và dự lễ hội.
Ngoài ra, tại đền Trấn Vũ còn lưu giữ nhiều di vật quý giá có từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, khoa học đã cung cấp nhiều tư liệu nổi bật về những giá trị của di tích và chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu, đánh giá mới về cụm di tích. Các nhà nghiên cứu đã cùng làm sáng rõ hơn giá trị của cụm di tích đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh, đặc biệt là các giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị văn hóa trong lịch sử làng xã, đồng thời đề nghị cụm di tích này cần tiếp tục được nghiên cứu, định hướng trong tu bổ, tôn tạo trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), ngôi chùa Cự Linh trong khuôn viên cụm di tích đền Trấn Vũ hiện nay không mang phong cách chùa Việt ở Bắc Bộ nên không ăn nhập với khuôn viên của đền – chùa gốc và sinh hoạt truyền thống của chùa – đền nói chung. Vì vậy, cần quy hoạch và dựng lại chùa cũng như tu bổ lại đền để tạo thành một chỉnh thể hài hòa, phù hợp với truyền thống. Khi chùa Cự Linh được quy hoạch, tu bổ khang trang đúng phong cách chùa Việt ở Bắc Bộ, cần xếp hạng cụm di tích đặc biệt cấp Quốc gia để có hướng và cơ sở pháp lý phục vụ công tác bảo tồn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về du lịch.
TS Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cũng cho rằng, nên đưa chùa Cự Linh là thành phần của cụm di tích đền Trấn Vũ và chùa Cự Linh. Lý do là hồ sơ đề nghị công nhận Di tích Quốc gia năm 1990 đã không đưa chùa Cự Linh như một thành phần của cụm di tích đền - chùa. Theo TS Phạm Quốc Quân, chùa Cự Linh trở thành một thành phần của Di tích Quốc gia là ước nguyện của cộng đồng, là mong muốn của địa phương và các nhà nghiên cứu, để cụm di tích đền - chùa này ngày càng phát huy hiệu quả.
Đồng quan điểm nói trên, TS Nguyễn Doãn Minh, cán bộ Viện Nghiên cứu Kinh thành cho rằng việc đầu tư tu bổ, tôn tạo và điều chỉnh các hạng mục cho phù hợp với công năng, kiến trúc cụm di tích Đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh là cần thiết. Tuy nhiên, bố cục tổng thể cũng như công năng các hạng mục cần chặt chẽ, thỏa mãn về mặt thị giác khi cùng đặt trên một bình đồ.
Thay mặt quận Long Biên, Ban Quản lý cụm di tích đền Trấn Vũ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, TS Bùi Thế Quân khẳng định, các ý kiến tại hội thảo là cơ sở khoa học, định hướng cho việc tu bổ, tôn tạo di tích trong thời gian tới.