Tự chữa lác mắt tại nhà, đến khi đi khám thì không phục hồi được

20/03/2019 - 12:04
Nhiều bậc cha mẹ tuy phát hiện con bị lác mắt nhưng lại không đưa trẻ đến bệnh viện sớm. Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì dễ khiến trẻ mất đi cơ hội điều chỉnh thị lực và không đảm bảo tính thẩm mỹ.
Giảm thị lực vì “đợi lớn”
 
Khi con được 15 tháng tuổi, chị Nhàn (Nam Định) biết con bị lác. Chị định đưa con đi khám nhưng mẹ chồng hất quyết ngăn cản vì cho rằng con chị còn bé quá, chưa thể xác định được lớn lên có lác hay không. Mẹ chồng chị Nhàn còn khẳng định bà có thể tự chữa được mắt lác cho cháu bằng cách cầm đồ chơi đưa qua đưa lại để “luyện” cho mắt cháu nhìn đúng hướng.
 
 Độ tuổi thường bị lác mắt là từ 6 đến 15 tuổi. Ở tuổi này, khi các cơ đã phát triển hoàn chỉnh thì mới có hiện tượng rối loạn, vượt qua giai đoạn sơ sinh thì mới có biểu hiện của lác

 

Không dám làm phật ý mẹ chồng và cũng chưa hiểu rõ về căn bệnh này nên chị Nhàn cũng “để từ từ rồi tính”. Dù sao thì con cũng còn bé, để lớn lên đi khám cũng chẳng sao. Mắt lác không ảnh hưởng đến sức khỏe, con chị vẫn ăn ngon ngủ yên là được rồi.
 
Cho đến khi bé vào lớp 1, thấy con cúi gằm mặt vào vở mới viết được và khó khăn khi đọc sách, đánh vần, chị Nhàn mới đưa con đi khám. Bác sĩ xác định bé phải phẫu thuật, tuy nhiên khi đó chỉ có thể đáp ứng được tính thẩm mỹ cho bé chứ khả năng phục hồi thị lực rất khó khăn vì bé được đưa đến bệnh viện quá muộn. Lúc đó, chị Nhàn mới hối hận vì không đưa con đi khám sớm hơn.
 
TS.BS Nguyễn Văn Huy - Phó Trưởng khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, quan niệm để con lớn mới điều trị là hết sức sai lầm vì thị giác hai mắt của trẻ phát triển trong giai đoạn sớm, cần phải điều trị thị lực để đảm bảo việc nhìn của trẻ.
 
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, ở nước ta có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng chú ý là hiện tượng lác ở trẻ em ngày càng tăng nhưng gia đình lại đưa trẻ đi khám muộn ảnh hưởng đến thị lực. Nhiều trường hợp gia đình phát hiện sớm từ 8 tháng tuổi, nhưng có quan niệm sai lầm là phải để con lớn và cứng cáp mới đi điều trị, làm mất đi cơ hội chữa bệnh của trẻ. Nhiều bệnh viện tuyến dưới cũng chưa hiểu sâu về căn bệnh này nên không tư vấn được cho các bậc cha mẹ, để khi trẻ lớn mới đi khám thì đã ít nhiều ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
 
Chú ý mắt trẻ khi nhìn ở tư thế lệch
 
Dấu hiệu rõ nhất của lác mắt ở trẻ em là một hay hai mắt nhìn ở tư thế bị lệch hướng khác khi nhìn đồ vật trước mặt. Trẻ bị lác mắt phải xoay đầu mới nhìn thấy được vật ở bên cạnh mình. Trẻ có dấu hiệu nhạy cảm với ánh sáng hoặc không có phản ứng với ánh sáng.
 
Lác mắt là hiện tượng lệch trục nhãn cầu hoặc rối loạn thị giác hai mắt – đây là một vấn đề hết sức trầm trọng và ảnh hưởng đến thị giác của trẻ. Lệch trục nhãn cầu khi biểu hiện ra bên ngoài trước hết là mất tính thẩm mỹ, sau đó là vấn đề thị lực liên quan đến sức khỏe.
 
Nguyên nhân gây nên bệnh lác mắt có thể do di truyền, chiếm tỷ lệ trên 20%. Bệnh lác có nhiều hình thái khác nhau và nguyên nhân gây nên bệnh rất nhiều.
 
Cụ thể:
 
Mắt lác do rối loạn vận động của cơ vận nhãn, vị trí về giải phẫu cũng như kích thước của cơ vận nhãn, mỗi một mắt muốn vận động theo chiều hướng khác nhau như liếc vào trong, liếc ra ngoài, liếc lên trên, xuống dưới và xoáy trong hốc mắt, trong không gian 3 chiều thì cần có 6 cơ gọi là cơ vận nhãn để điều khiển con mắt di chuyển như vậy. Khi sự bám của các cơ và vận động của các cơ bị rối loạn thì có thể gây ra lác.
 
Do có tật khúc xạ như bị viễn thị cao, yếu tố điều tiết có thể gây ra lác trong. Những trẻ bị cận thị độ cao có thể bị lác ngoài.
 
Do mất khả năng hợp thị của mắt. Mỗi một mắt khi nhìn sẽ tiếp nhận một hình ảnh nhưng khi đưa lên não hai hình ảnh chập lại thành một, khi nhìn vật thì nhìn thấy một chứ không phải hai thì gọi là hợp thị. Đây chính là khả năng hợp nhất hai hình ảnh của hai mắt. Trong trường hợp khả năng đó bị yếu đi hay mất đi thì sẽ xuất hiện lác.
 
Mắt muốn nhìn được một vật tốt thì ảnh của vật phải rơi vào đúng trung tâm, khoảng điểm của mắt nhưng trong trường hợp về mặt giải phẫu, khoảng điểm bị lệch ra vị trí khác cũng có thể gây lác.
 
Mắt có 6 cơ vận động mà để vận động được thì phải do các dây thần kinh chi phối. Nếu như có yếu tố nào đó tác động làm ảnh hưởng đến dây thần kinh này gây liệt dây thần kinh thì cũng có thể gây ra hiện tượng lác. Liệt dây thần kinh ảnh hưởng đến cơ có thể gây ra lác.
 
Sau những chấn thương, phẫu thuật tại mắt hay một số bệnh lý tại mắt về lâu dài cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng vận nhãn hoặc có thể gây lác; hoặc thị lực mắt kém, khó nhìn thấy, giảm dần ánh sáng thì về lâu dài cũng dẫn đến lác.
 
Như vậy hình thái nguyên nhân lác mắt có rất nhiều và có cả những trường hợp không tìm thấy nguyên nhân.
 
Cần điều trị sớm
 
Độ tuổi thường bị lác mắt từ 6 đến 15 tuổi. Ở tuổi này, khi các cơ đã phát triển hoàn chỉnh thì mới có hiện tượng rối loạn, vượt qua giai đoạn sơ sinh thì mới có biểu hiện của lác. Tuy nhiên cũng có trường hợp lác bẩm sinh nên cha mẹ cần để ý để cho con điều trị kịp thời.
 
Nhiều người nghĩ đưa con đi sớm để điều trị lác phải phẫu thuật nên đã chờ con lớn mới đưa đến bệnh viện. Quan niệm để con lớn mới điều trị là hết sức sai lầm vì thị giác hai mắt của trẻ phát triển trong giai đoạn sớm, cần phải điều trị thị lực để đảm bảo việc nhìn của trẻ. Điều trị lác không chỉ dừng lại ở việc phẫu thuật mà còn là một phức hợp gồm nhiều bước khác nhau trong đó việc phục hồi thị giác cho trẻ trước. Nếu bị tật khúc xạ thì cho chỉnh kính trước, tiếp theo tập nhược thị, sau đó mới đến bước can thiệp bằng phẫu thuật. Có những trường hợp trẻ bị lác chỉ cần đeo kính.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm